Nhớ ngày Su30-MK2 và CASA-212 gặp nạn: 'Những cánh chim trời được biển cả ấp ôm'

Thời sựChủ Nhật, 18/06/2017 12:35:00 +07:00

Đã 1 năm kể từ ngày phi công Trần Quang Khải trên máy bay Su-30MK2 và 9 chiến sĩ của tổ bay CASA-212 ra đi vì sự bình yên của Tổ quốc, hàng triệu trái tim đất Việt vẫn thổn thức trước sự ra đi anh hùng của các anh.

Video: Tưởng nhớ 10 chiến sỹ hy sinh trong sự cố máy bay Su-30MK2 và CASA-212

Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h30, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 mất liên lạc cùng hai phi công là Thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).

Một ngày sau, Thiếu tá Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường được đồng đội đón về đất liền an toàn.

Chiến dịch tìm kiếm phi công mất tích mở rộng từ vùng biển Hà Tĩnh đến Hải Phòng với sự tham gia của hàng nghìn người và gần 200 phương tiện. Quá trình tìm kiếm, máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 chở 9 chiến sĩ đã rơi trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý.

13487714_1019560844780798

Hình ảnh phi công Trần Quang Khải được so sánh với những cánh sếu trắng bay giữa bầu trời.

Khi đồng đội của phi công Trần Quang Khải được tìm thấy, hay khi lực lượng cứu hộ thông báo phát hiện vật thể nghi là áo phao gần đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), gia đình và đồng đội của anh Khải lại lóe lên tia hy vọng. Họ mong rằng anh cũng đang ngồi trên chiếc phao cứu sinh nào đó chờ đồng đội đến cứu.

Khoảng 18h ngày 17/6, thông tin phát hiện thi thể cuộn trong vải dù ở gần đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khiến tất cả mọi người lặng đi nhưng vẫn không nguôi hy vọng. Đến 22h cùng ngày, thi thể được xác nhận là Thượng tá Trần Quang Khải, cả gia đình anh nghẹn ngào trong nỗi đau thương.

Đúng 5h ngày 18/6, chiếc tàu của lực lượng biên phòng đưa thi thể Thượng tá Trần Quang Khải cập bờ biển Cửa Lò (Nghệ An) khép lại hành trình 4 ngày đêm tìm kiếm người lính phi công Su-30MK2 mất tích khi đang làm nhiệm vụ.

con phi cong tran quang k

Con gái phi công Trần Quang khải ngơ ngác trong đám tang cha.

Những cơn sóng to, gió dữ và biển động dữ dội khiến hành trình đưa thi thể anh về đất liền chậm trễ nhiều giờ so với dự kiến. Trên cầu cảng, đồng đội xếp hai hàng, nghiêm trang chào khi thi thể anh đi qua. Dù kỉ luật quân đội trang nghiêm là thế nhưng nhiều đôi mắt vẫn nhòe đi trước thi hài người đồng đội đã anh dũng hy sinh vì lời thề sắt son với Tổ quốc.

Phi công Trần Quang Khải là con trai thứ 10 trong gia đình có 11 người con, trước anh còn 9 chị gái và sau là cậu em út. Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ quan không quân Nha Trang, anh Khải về công tác tại Trung đoàn không quân 923 - Quân chủng phòng không không quân đóng tại sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Hơn 20 năm công tác, anh Khải là phi công chiến đấu cấp 1 dày dạn kinh nghiệm bay. Anh giữ chức vụ Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn... Là một trong những phi công lái tiêm kích Su-30 thế hệ đầu tiên của Việt Nam, năm 2013, anh được cử sang Nga huấn luyện gần một năm về máy bay chiến đấu Su-30MK2. 

Video: Hình ảnh tưởng nhớ 1 năm ngày mất anh hùng liệt sĩ Trần Quang Khải

Phi công Trần Quang Khải từng tâm sự với những người thân trong gia đình, tình yêu của anh với bầu trời, máy bay, nhất là Su-30 rất lớn. Anh dành hết thời gian, tuổi trẻ cho những chuyến bay vì vậy mà chuyện vợ con cũng muộn màng. Bước sang tuổi 40, anh Khải mới lập gia đình với người con gái cùng quê và có một cô con gái nhỏ.

Trước khi anh dũng hy sinh, kỳ nghỉ phép 30/4/2016 là lần cuối cùng phi công Trần Quang Khải được gặp gỡ và đoàn tụ cùng người thân. Dự định xây một ngôi nhà kiểu Thái Lan cho cha mẹ còn chưa kịp thực hiện, anh đã ra đi để lại cô con gái nhỏ và người vợ trẻ với vành khăn trắng trên đầu. Ngày đám tang diễn ra tại Bắc Giang, cô con gái nhỏ 4 tuổi của anh vẫn ngây thơ ngơ ngác tìm cha khiến nhiều trái tim quặn đau.

Phi công Trần Quang Khải đã trở về đất liền trong vòng tay đồng đội và gia đình nhưng 9 đồng đội trên chiếc CASA-212 cất cánh tìm kiếm anh vẫn bặt vô âm tín. Từ khi CASA-212 mất tích, 42 tàu của các lực lượng quân đội và hàng trăm tàu cá ngư dân ngày đêm tìm kiếm.

19225680_1900311530243795_4452572634906145086_n 4

9 chiến sĩ của tổ bay CASA-212. 

Ngày 20/6, tàu Hải quân 888 rà quét trong khu vực 25 hải lý vuông tại khu vực nghi vị trí máy bay CASA-212 rơi đã phát hiện vật thể có kích thước 13x4 m ở độ sâu 60 m.

Khoảng 16h ngày 23/6, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Bộ Quốc phòng, các đơn vị và ngư dân tham gia đã xác định chính xác vị trí máy bay CASA-212 số hiệu 8983 rơi. Lực lượng tìm kiếm cũng đã tìm thấy động cơ cánh quạt và thân máy bay có ghi rõ số hiệu 8983.

Đặc biệt, tại khu vực tìm kiếm, các lực lượng cứu nạn đã tìm thấy một số thi thể, được xác định là thành viên của phi hành đoàn. Các lực lượng tìm kiếm sau đó đã tiếp tục thu được các mảnh vỡ của máy bay CASA-212 tại hiện trường.

Tối 24/6, Thường vụ Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng chính thức gửi thông báo về kết quả tìm kiếm, cứu nạn máy bay Su-30MK2 số hiệu 8585 và máy bay CASA-212 số hiệu 8983 và xác nhận 9 quân nhân trên máy bay CASA-212 rơi ở vịnh Bắc Bộ hôm 16/6 đã hy sinh.

votmanhcasa-212-146665480

Hình ảnh trục vớt những mảnh vỡ của máy bay CASA-212.

Ngày cuối cùng tháng 6, lễ tang 9 người lính tử nạn trên máy bay CASA-212 số hiệu 8983 được tổ chức tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân chủng phòng không không quân dành cho 9 liệt sĩ lễ tang trọng thể nhất.

7h ngày 30/6/2016, lễ viếng 9 liệt sĩ bắt đầu, trời Hà Nội đang tạnh ráo bỗng đổ mưa rào. 

Bên trong nhà tang lễ, di ảnh 9 liệt sĩ xếp thành hàng ngay ngắn. Linh cữu của các anh được phủ Quốc kì quyết thắng cùng những đóa lan vàng. Trong đó có 1 quan tài trống bởi người lính cuối cùng của tổ bay chưa được tìm thấy. 

810ccfe6-674c-41b5-bf2b-a393cf-5906-3041-1467275904 5

9 linh cữu được phủ Quốc kì và hoa lan, trong số đó có 1 linh cữu trống vì 1 chiến sĩ vẫn chưa trở về cùng đồng đội.

Vẻ mỏi mệt, nước mắt đọng lại trên gương mặt những người mẹ, người vợ, người thân các chiến sĩ khi giông gió cuộc đời bỗng ập đến. 9 người lính ra đi, bỏ lại vợ góa con côi và nhiều dự định còn dang dở. Người hẹn sơn cánh cửa căn nhà, người định đón vợ con xuống chung cư mới mua, người dự định đổi xe Dream đã cũ nát, người đang háo hức khi chỉ 2 tháng nữa sẽ được làm cha ...

Video: Ngàn người đội mưa tiễn biệt 9 chiến sĩ của tổ bay CASA-212

Giờ di quan, tiếng nhạc "Hồn tử sĩ" vang lên cũng là lúc tiếng khóc của người mẹ, người vợ và thân nhân liệt sĩ như vỡ òa. Di ảnh và linh cữu Đại tá Lê Kiêm Toàn dẫn đầu cho 8 linh cữu khác đi phía sau. Hai hàng tiêu binh bồng súng từ cửa nhà tang lễ ra tới sân. Đồng đội nghiêm tay chào khi linh cữu các anh đi qua.

Nhiều người lính rắn rỏi, vai mang quân hàm cấp tá mắt cũng nhòe lệ. Trong sân nhà tang lễ, những người dân đứng chật kín sân, khóc vẫy tay chào từ biệt các anh lần cuối.

HUY-0597-8993-1467276336 6

Đồng đội vỡ òa nước mắt tiếc thương các anh.

Trước những hy sinh lớn lao của những người chiến sĩ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thăng quân hàm cho phi công Trần Quang Khải từ thượng tá lên đại tá. Đồng thời, quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quyết định nâng lương một lần đối với Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 918 và 8 quân nhân trong tổ bay CASA-212, mỗi thành viên thăng một bậc quân hàm. Chủ tịch nước Trần Đại Quang quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất đối với từng thành viên của phi hành đoàn CASA-212.

Hàng trăm, hàng ngàn bài thơ được làm bằng trái tim gửi đến người đồng đội, những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Có lẽ, không người lính nào nghĩ rằng mình ngã xuống để được vinh danh tên tuổi trên tượng đồng bia đá. Nhưng chắc chắn ai cũng khát khao sự hy sinh của mình sẽ được đáp đền bằng sự bình an cho Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Nhân kỉ niệm một năm ngày mất của phi công Trần Quang Khải và 9 chiến sĩ của tổ bay CASA-212, xin mượn một bài thơ vô đề mà đến nay tôi vẫn chưa tìm được tác giả để tỏ lòng thành kính trước anh linh các anh:

"Tên các anh đã khắc vào cánh lái

Giữa bầu trời trên hai dải cánh bay

Nhìn non sông đang tươi đẹp từng ngày

Sóng lúa thơm dập dờn như sóng biển

Tuổi thanh xuân mang sức trai cống hiến

Cùng bạn bè và đồng đội thân yêu

Mơ ước tuổi thơ như những cánh diều

Được bay lên giữa không trung rộng mở

Tiếc thương thay cánh chim trời bị lỡ

Gãy cánh rồi tan vỡ bởi vì đâu

Để chiều nay cả triệu trái tim sầu

Trong tiếc nuối và nguyện cầu nghiệt ngã

Tổ quốc tiếc thương đón cac anh về từ tạ

Những anh hùng từ biển cả ấp ôm

Cầu chúc các anh siêu thoát và linh khôn

Nơi cửa Phật tâm hồn an yên nhé..!

 

Thược Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn