Tướng Mattis từ chức, Tổng thống Trump cô độc hơn bao giờ hết trong Nhà Trắng

Thế giớiThứ Sáu, 21/12/2018 11:11:00 +07:00

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis là cái tên mới nhất trong danh sách nối dài các quan chức bị sa thải hoặc rời nhiệm sở vì bất mãn với chính quyền dưới trướng Tổng thống Trump.

Những lần "trảm quân" chóng vánh của Tổng thống Trump hay những lá đơn xin từ chức không báo trước khiến nhiều người cho rằng ông đang cô đơn hơn bao giờ hết trong Nhà Trắng sau khi 29 nhân sự cấp cao đã rời bỏ chính quyền kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1/2017. 

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ 

Tổng thống Trump hôm 20/12 xác nhận Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis sẽ rời nhiệm sở vào cuối tháng 2/2019. 

"Tướng James Mattis sẽ nghỉ hưu vào cuối tháng 2 sau khi phục vụ trong chính quyền của tôi dưới tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng trong 2 năm qua. Trong suốt nhiệm kỳ của James, rất nhiều tiến bộ to lớn đã được thực hiện, đặc biệt là việc mua các thiết bị chiến đấu mới", Tổng thống Trump viết trên Twitter.

170831-mattis-trump-mc-341_648789e7170fefa6ac0f64f8b931a49d-3-0705553 5

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. (Ảnh: NBC News) 

Tuy nhiên, trong bức thư từ chức của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng ông từ chức vì không đồng ý với các quyết định của ông chủ Nhà Trắng.

"Niềm tin cốt lõi mà tôi bám vào là sức mạnh của một quốc gia phải gắn bó chặt chẽ với hệ thống liên minh và đối tác độc nhất và toàn diện của chúng ta. Trong khi Mỹ vẫn là quốc gia không thể thiếu trong thế giới tự do, chúng ta không thể bảo vệ lợi ích của mình hoặc phục vụ trong một vai trò nào đó một cách hiệu quả mà không duy trì các liên minh mạnh mẽ và thể hiện sự tôn trọng với các đồng minh đó", CNN dẫn lời ông Mattis viết trong thư từ chức. 

Ông Mattis nói thêm rằng ông tin việc từ chức của mình là đúng đắn vì Tổng thống có quyền chọn một Bộ trưởng Quốc phòng có quan điểm phù hợp hơn với mình trong vấn đề này và nhiều vấn đề khác. 

Bộ trưởng Nội vụ Mỹ

Tổng thống Trump trong một thông báo trên Twitter hôm 15/12 cho biết Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke sẽ rời bỏ chức vụ vào cuối năm nay. 

1 6

 Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Ryan Zinke. (Ảnh: 

“Ryan đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm quyền của mình và tôi muốn cảm ơn ông ấy vì đã phụng sự quốc gia của chúng ta”, Tổng thống Trump nói thêm.

Mặc dù nhà lãnh đạo không nêu rõ lý do cho sự ra đi của ông Zinke, nhưng giới quan sát cho rằng việc Bộ trưởng Nội vụ Mỹ rời bỏ chính quyền chỉ là chuyện sớm muộn bởi ông đang phải đối mặt với nhiều cuộc điều tra về việc sử dụng đội ngũ an ninh, các chuyến bay cá nhân và một thỏa thuận bất động sản.

Zinke, 51 tuổi được đánh giá là một trong số thành viên nội các hoạt động tích cực nhất trong chính quyền Trump. Ông tích cực theo đuổi các kế hoạch thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác than đá của Mỹ bất chấp các cuộc biểu tình phản đối về môi trường. 

Chánh văn phòng Nhà Trắng 

Tổng thống Trump hôm 9/12 cho biết Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly sẽ sớm rời bỏ chức vụ của mình vào thời điểm cuối năm nay. 

"Ông ấy đã làm việc với tôi gần hai năm, đảm nhiệm hai vị trí khác nhau. Tôi rất cảm kích về sự có mặt của ông ấy", ông Trump nói. 

Mặc dù không nói rõ nguyên do sa thải ông Kelly nhưng nhiều người tin rằng sự ra đi của Chánh văn phòng Nhà Trắng xuất phát từ những bất đồng của ông với ông chủ Nhà Trắng, đặc biệt là sau khi thông tin ông Kelly là một trong những nhân vật tại Nhà Trắng bày tỏ hoài nghi về năng lực điều hành của ông chủ Tòa Bạch Ốc xuất hiện trong cuốn sách 'Sợ Hãi: Trump ở Nhà Trắng" của phóng viên kỳ cựu của Washington Post - Bob Woodward phát hành hồi tháng 9. 

Bộ trưởng Tư pháp 

Ngày 7/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, ngay sau khi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ có kết quả.

Theo Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions, một người từng ủng hộ ông Trump trở nên mâu thuẫn với tổng thống sau khi tự cứu mình khỏi một cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 của Nhà Trắng. Ông Jeff Sessions cho biết trong một bức thư gửi Tổng thống Trump, ông viết "tôi đã nộp đơn từ chức theo yêu cầu của ngài”.

photo-1-1497250588291-0-0-298-480-crop-1497250612096 7

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions. (Ảnh: Reuters)

Ngay sau khi ông Sessions từ chức, giới quan sát tin rằng sự ra đi của ông là phát súng đầu tiên trong chiến dịch "thay máu" trong chính quyền Trump sau bầu cử giữa kỳ và những diễn biến mới đây có vẻ như đang chứng minh tiên liệu này đã trở thành sự thật. 

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc 

Hôm 9/10, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley bất ngờ tuyên bố từ chức và rời khỏi vị trí vào cuối năm 2018. Tổng thống Trump sau đó cho biết bà Nikki đã nói với ông rằng muốn nghỉ ngơi và dành thời gian cho gia đình vào khoảng 6 tháng trước đó. Ông cũng chọn Heather Nauert, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, từng là người dẫn chương trình Fox News, trở thành đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Về phần mình, cựu đại sứ Mỹ tại LHQ khẳng định quãng thời gian trở thành Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc là "vinh dự cả đời".

Tuy nhiên, bà không tiết lộ kế hoạch tiếp theo cũng như nêu rõ lý do từ chức mà chỉ nói rằng điều quan trọng là "nhận ra thời điểm cần đứng sang một bên" sau khi hoàn thành các nhiệm vụ đầy thử thách ở vị trí Đại sứ tại LHQ. 

Cố vấn an ninh quốc gia 

Cuối tháng 3/2018, Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster bị sa thải chỉ hơn 1 năm sau khi đảm nhận chức vụ.

hrmcmaster 4

Cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster. (Ảnh: Reuters)

Theo một số nguồn tin, ông McMaster bị mất chức vì thiếu linh hoạt, không được lòng Tổng thống vì bất đồng trong quan điểm giữa 2 bên và dính dáng tới nghi vấn thông đồng với Nga. 

Không lâu sau khi tuyên bố sa thải ông McMaster, Tổng thống Trump bổ nhiệm cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton – người chủ trương sử dụng quân đội chống lại Iran và Triều Tiên, bên cạnh được cho là có đường lối cứng rắn với Nga trở thành cố vấn an ninh quốc gia thứ 3 của Mỹ trong vòng 14 tháng.

Ngoại trưởng Mỹ 

Tổng thống Trump ngày 13/3 đăng thông báo trên Twitter về việc thay thế Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bằng giám đốc tình báo Mike Pompeo.

171130-trump-tillerson-plan-feature 8

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Sau thông báo trên, ông Trump nói với báo giới: "Rex và tôi nói chuyện về việc này trong một thời gian dài. Chúng tôi phối hợp với nhau, thực tế, khá là tốt nhưng chúng tôi bất đồng về các vấn đề. Như thỏa thuận Iran chẳng hạn, tôi thấy nó rất tệ, nhưng tôi đoán ông ấy thấy ổn. Tôi muốn phá vỡ nó hoặc làm gì đó nhưng ông ấy lại cảm thấy hơi khác một chút".

Theo Fox News, mối quan hệ giữa ông Trump và ông Tillerson trở nên mờ nhạt trong nhiều tháng trước khi cựu Ngoại trưởng Mỹ bị sa thải. 

Khi mới bổ nhiệm, Tổng thống Trump từng hết sức tâm đắc vị Ngoại trưởng trong chính quyền của mình khi ca ngợi ông là một nhân vật đẳng cấp thế giới, người đã thực hiện những thỏa thuận lớn khi còn là CEO của một công ty dầu mỏ. 

Tuy nhiên, sau đó, ông Tillerson thường xuyên đối đầu với ông chủ Nhà Trắng trong hàng loạt các vấn đề từ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, chính sách Mỹ ở Trung Đông, vấn đề Triều Tiên cho tới việc quyết định dời đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem.  

Giám đốc FBI

Ngày 9/5/2018, Tổng thống Mỹ Doanld Trump ra quyết định gây sốc khi sa thải Giám đốc Cục điều tra liên bang - FBI James Comey.

james-comey-book-deal-0826525 3

Cựu Giám đốc FBI James Comey. (Ảnh: Getty) 

Khi Tổng thống Trump quyết định này, Nhà Trắng đã công bố bức thư ông chủ Tòa Bạch Ốc gửi tới người đứng đầu Cục điều tra Liên bang Mỹ giải thích rằng ông Comey bị sa thải theo đề nghị của Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein. 

Comey cho biết ông không hề biết việc mình bị đuổi việc mà chỉ hay tin từ các bản tin truyền hình khi đang nói chuyện với cấp dưới ở Los Angeles. Nguồn tin của CNN tiết lộ cựu giám đốc FBI đã rất bất ngờ khi biết tin và phải cố tỏ ra hài hước trước khi gọi điện về văn phòng xác nhận. 

Tổng thống Trump không đề cập chi tiết tới lý do "trảm" Giám đốc FBI nhưng một nguồn tin thân cận tiết lộ với CNN rằng Comey bị sa thải vì ông chưa bao giờ chứng minh được rằng mình sẽ trung thành với Tổng thống Mỹ và liên quan tới việc cựu Giám đốc FBI tăng tốc điều tra các cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Những cái tên trong tầm ngắm 

Trước cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ, CNN trong một bài phân tích dự đoán 2/3 cái tên trong nội các hiện tại sẽ phải rời đi với 4 “ứng viên” hàng đầu là ông Sessions, ông Mattis, ông Kelly và Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen. 

tai_xuong

Bộ trưởng An ninh Nội địa Kirstjen Nielsen được cho là cái tên tiếp theo rời Nhà Trắng vì những bất đồng với Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Đúng với dự đoán này, ông Sessions, ông Mattis và ông Kelly đã rời bỏ chính quyền. Như vậy, nếu chiếu theo dự đoán trên, bà Kirstjen, người thường xuyên bất đồng với Tổng thống Trump trong việc thúc đẩy siết chặt biên giới với Mexico đang là ứng viên tiềm năng tiếp theo phải ra đi. 

Một số nhà phân tích cũng cho rằng bà Kirstjen nếu không bị sa thải cũng sẽ tìm cách từ chức khi mà đồng minh chủ chốt ở Cánh Tây là ông Kelly sẽ nghỉ việc trong thời gian tới. 

Một vài cái tên khác là Bộ trưởng Lao động Alexander Acosta, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos và Bộ trưởng Phát triển Nhà và Đô thị Ben Carson được cho là đang phải đối mặt với khả năng rời Nhà Trắng. Họ mặc dù không bất đồng hay xung đột quan điểm với Tổng thống Trump nhưng lại chịu áp lực rất lớn từ dư luận. 

Capture

Những cái tên đang phải đối mặt với nguy cơ mất việc trước áp lực từ dư luận.  

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn