'Tương lai của giáo dục phụ thuộc vào cách cư xử đối với nhà giáo'

Giáo dụcThứ Bảy, 18/11/2017 07:53:00 +07:00

Những trăn trở, băn khoăn của nhà giáo, đặc biệt là câu hỏi "Làm sao để nhà giáo sống được bằng lương" lại một lần nữa được nhiều nhà giáo đề cập nhân dịp 20/11.

Sáng 17/11 Thường trực Thành ủy TP.HCM tổ chức gặp gỡ với hơn 300 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục qua các thời kỳ công tác tại thành phố.

Tại đây, ông Hồ Thiệu Hùng, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng tương lai của một quốc gia phụ thuộc vào sự quan tâm của nhà nước dành cho giáo dục, còn tương lai của giáo dục thì phụ thuộc vào cách cư xử đối với nhà giáo.

 

Ông Hồ Thiệu Hùng, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng tương lai của giáo dục phụ thuộc vào cách cư xử đối với nhà giáo

Mỗi đồng nghiệp và các đồng chí lãnh đạo hãy xem cách xử với nhà giáo hiện nay như thế nào?”- ông Hùng đặt câu hỏi.

Cô Phạm Thị Mộng Thu, Giáo viên môn Lịch Sử, Trường THCS Lữ Gia, Quận 1:

Hiện nay chúng tôi đang bị quá tải vì một năm có vài chục cuộc thi. Dù cô thi hay trò thi thì tất cả đều phải chuẩn bị. Phải bớt các hội thi cho ngành giáo duc vì đang giảng bài mà cứ nghĩ mai cho học sinh đi thi hoặc mình đi thi thì rất chán.

Ông Huỳnh Công Minh, Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cũng nêu rằng làm sao để giáo viên có thể toàn tâm toàn ý đóng góp cho nghề, khi đứng trên bục giảng mà đầu óc phải lo nghĩ nhiều chuyện khác, tất bật với cuộc sống hàng ngày do thu nhập còn hạn chế.

Ông Phan Văn Quang, Phó trưởng Phòng Giáo dục Đào tạo Tân Bình, cho rằng cần có chính sách chăm lo cho đội ngũ giáo viên. Hiện nay, mức sống TP.HCM cao nhưng khi tuyển giáo viên chỉ được hưởng lương theo bậc học. 

Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM) cho rằng, cơ chế tự chủ cho TP.HCM chính là cơ hội giúp thành phố thực hiện cải cách chế độ tiền lương, giúp giáo viên hiện thực hóa ước mơ có thể sống được bằng nghề.

Thêm vào đó, công tác xã hội hóa giáo dục, trong đó tăng cường giao quyền tự chủ, trách nhiệm cho hiệu trưởng là một trong những giải pháp cần đẩy mạnh giúp các trường có cơ hội đầu tư tốt hơn cho công tác quản lý và giảng dạy.

Khi Bí thư TP.HCM là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT kiêm Phó Thủ tướng Chính phủ đã có mơ ước giáo viên sống được bằng lương. Vì vậy, đây là một cơ hội rất lớn của TP.HCM. Khi giáo viên cả nước chưa sống được bằng lương một cách căn bản thì TP.HCM với cơ hội này đủ sức làm cho giáo viên của thành phố sống được bằng lương như mơ ước của đồng chí bí thư trước đây”- ông Sen nhấn mạnh.

Ông Sen cho rằng tất cả các lãnh đạo TP.HCM hãy tính toán thật kỹ vì chương trình này có thể làm TP.HCM trở thành kiểu mẫu của đất nước.

 Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM)

“Hãy nhớ tới bài học của Hàn Quốc, khi thu nhập bình quân đầu người của họ chỉ 70-80USD thì giáo viên vẫn được trọng vọng và đến nay trường sư phạm của họ vẫn tuyển những người ưu tú nhất”- ông Sen nhắn nhủ.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết thành phố rất chú trọng đầu tư vào con người, đặc biệt là đầu tư cho giáo dục. Vừa qua trong dự thảo Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã trình và đang chờ Quốc hội phê duyệt có vấn đề về công tác ủy quyền và thu nhập cho cán bộ công chức thành phố với mức lương phù hợp.

Hội đồng Nhân dân sẽ chi trả mức thu nhâp tăng thêm cho công chức, viên chức khoản hỗ trợ phù hợp. Nếu được Quốc hội phê duyệt như vậy ngoài lương đã quy định thành phố sẽ hỗ trợ khoản phù hợp cho các viên chức, công chức để đảm bảo cuộc sống.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn