Tượng đài ở Việt Nam kém chất lượng vì đâu?

Thời sựChủ Nhật, 19/07/2015 05:38:00 +07:00

Thiếu tính biểu tượng, áp dụng công nghệ lạc hậu, xây dựng theo phong trào... là những lý giải mà các chuyên gia điêu khắc, mỹ thuật đưa ra trước tình trạng thừ

Thiếu tính biểu tượng, áp dụng công nghệ lạc hậu, xây dựng theo phong trào... là những lý giải mà các chuyên gia điêu khắc, mỹ thuật đưa ra trước tình trạng thừa tượng đài kém chất lượng ở Việt Nam hiện nay.


Trao đổi với PV, TS Đinh Hồng Hải (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định ngay, Việt Nam không có truyền thống làm tượng đài mà chỉ có tượng thờ, tượng trang trí.

Theo vị Tiến sĩ  có gần 20 năm nghiên cứu về tính biểu tượng, nghệ thuật, tôn giáo…, tượng đài bắt đầu du nhập vào nước ta từ giai đoạn thuộc Pháp. Thời kỳ hưng thịnh của tượng đài ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1960, theo truyền thống của Liên Xô cũ với rất nhiều tác phẩm ca ngợi chiến thắng, tượng lãnh tụ hoặc mang ý nghĩa quốc gia... và được coi là có ý nghĩa xã hội tốt.

Giai đoạn mở cửa trở lại đây, tượng đài được xây dựng rầm rộ ở khắp nơi song ý nghĩa xã hội lại ít được quan tâm. Giá trị nghệ thuật của nhiều tác phẩm không cao bởi chưa toát lên tính biểu tượng - một trong những đặc tính quan trọng nhất của tượng đài.

TS Đinh Hồng Hải. Ảnh: NVCC
"Trong hơn 10 năm trở lại đây, tượng đài được xây dựng ồ ạt theo phong trào, mang tính dự án, chạy theo tiến độ nhưng thiếu đi ý nghĩa biểu tượng và xã hội. Đó là chưa kể đến những tượng đài có chất lượng cực kỳ thấp như tượng Phật ở Thái Bình, tượng đài bị sét đánh tại Quảng Ninh, thậm chí không ít tượng đài được nhà nước đầu tư cũng chỉ mang tính phong trào", TS Hải nói.

Ông chia sẻ thêm, việc tượng đài ở nhiều tỉnh sao chép cùng một mẫu là khó có thể chấp nhận về mặt nghệ thuật.

Ngoài ra TS Hải cho rằng, cơ quan chức năng đang lúng túng trong quy hoạch và thiếu quy trình xây dựng tượng đài. Do không xác định trước ý nghĩa chính trị, xã hội, văn hoá của tượng đài sẽ xây, nên "đẻ ra các công trình không có mục đích rõ ràng".

Ví dụ thực tế được ông Hải đưa ra là tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở Quảng Nam. Do không xác định được quy mô từ ban đầu nên khi bản thiết kế tượng đài khổng lồ được đưa ra, ngốn đến 411 tỷ, nhưng vẫn phải chạy theo vì đó là dự án. Mặc dù ý tưởng là có thể không sai nhưng quy trình thực hiện sai dẫn đến hậu quả nói trên.
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng - một công trình mà TS Đinh Hồng Hải đánh giá chưa chất lượng và không đạt được hiệu quả như mong muốn. Ảnh: Tiến Hùng. 
TS khoa học nghệ thuật Phạm Hoàng Vân (Đại học Mĩ thuật công nghiệp) chia sẻ, sở dĩ tượng đài ở Việt Nam hay bị chê vì chất lượng nghệ thuật và công trình chưa đảm bảo.

Về chất lượng nghệ thuật, theo TS Vân, người ta đang hiểu lầm khái niệm rằng tượng đài là công trình phải to, cao. Thực tế, tượng đài có tầm vóc không thể hiện bằng kích thước lớn mà bằng tư tưởng, ý nghĩa biểu tượng.

Chẳng hạn, tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ thất bại về mặt nghệ thuật vì thiếu tính biểu tượng. Tượng đài này được phóng to từ tác phẩm trang trí mang tính cổ động và diễn giải của tác giả Nguyễn Hải vốn được sáng tác để trưng bày bảo tàng chứ không phải thiết kế riêng cho tượng đài ngoài trời với ý nghĩa xã hội, lịch sử và tôn vinh xứng tầm.

Một số tượng đài có giá trị nghệ thuật tốt như tượng Trần Hưng Đạo ở Nam Định lại bị đặt vào không gian kiến trúc không phù hợp nên giảm giá trị nghệ thuật. Việc biến các tượng đài thành tượng thờ cũng làm giảm giá trị nghệ thuật và mất đi ý nghĩa bản chất của tượng đài.
TS khoa học nghệ thuật Phạm Hoàng Vân. Ảnh: NVCC. 
Chất lượng công trình của tượng đài ở Việt Nam theo TS Vân, đang có nhiều vấn đề. Một loạt các tượng đài bằng chất liệu đồng như Lý Thái Tổ (Hà Nội), nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng), Điện Biên Phủ (Điện Biên), Trần Hưng Đạo (Nam Định)... đều bị rỉ xanh cục bộ, khó khắc phục. Đặc biệt, nhiều công trình xây dựng xong bị nứt trên thân hoặc sụt lún chân đế hay bị sét đánh… 

Việc thiếu công nghệ, kỹ thuật tiên tiến là yếu tố rất quan trọng khiến chất lượng công trình tượng đài của Việt Nam chưa được đảm bảo. Chuyên gia với 18 năm học tập, nghiên cứu điêu khắc tượng đài tại Liên bang Nga  chỉ ra thực tế, tượng đài của nước ta đang bị đẩy về cho các làng nghề với công nghệ thủ công thực hiện.

Những lò đúc ở đây không đáp ứng được lượng đồng lớn mà phải sử dụng nhiều lò nhỏ. Trong khi đó khuôn đúc lớn, lại không được gia tăng nhiệt khiến quá trình đông kết diễn ra nhanh, làm mỗi mẻ đồng được rót vào sau sẽ không thể "hòa tan" với mẻ trước. Điều đó khiến giữa chúng không có sự đồng nhất về kết cấu phân tử, tạo ra ranh giới giữa các mẻ đồng, là tiền đề nảy sinh các vết rạn, nứt.

"Không phải chúng ta không có kinh phí đầu tư cho công nghệ mà là vì công nghệ, kỹ thuật để sử dụng cho xây dựng tượng đài không được đánh giá đúng tầm. Việt Nam có cả nhà máy đúc chân vịt tàu ở Hải Phòng được đầu tư máy móc, công nghệ đúc đồng khá tốt, nhưng không có sự liên kết giữa lĩnh vực nghệ thuật và kỹ thuật nên không tận dụng được", TS Vân chia sẻ.

Việc không có chuẩn hợp kim phù hợp với điều kiện thời tiết của mỗi khu vực đặt tượng đài hoặc điều kiện chung của Việt Nam cũng khiến các công trình tượng đài bị rỉ đồng, chảy nước xanh cục bộ rất bẩn. 
Một phần bị rỉ xanh cục bộ trên tượng đài Điện Biên Phủ. Ảnh: NVCC
Phương pháp dùng thuốc nổ để tạo mặt bằng thi công thay vì các phương pháp truyền thống…, theo TS Vân cũng là yếu tố lớn khác ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Nổ sẽ gây rung chấn, tạo các khoảng rỗng trong lòng đất mà qua thời gian mới lộ ra hậu quả. Ví dụ điển hình tác hại của dùng thuốc nổ giải phóng mặt bằng là tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bị lún chân đế gây nứt, rỉ xanh phần đồng.

"Người ta nhìn thấy quá nhiều bất cập ở tượng đài nên mới nghĩ Việt Nam đã quá thừa tượng đài. Thực tế là chúng ta thừa tượng đài kém chất lượng nhưng lại thiếu rất nhiều tượng đài xứng tầm, có giá trị thực sự với xã hội. Thủ đô Hà Nội cũng đâu đã có một biểu tượng điêu khắc riêng", TS Vân trăn trở.

Theo: Quỳnh Trang (VN Express)
Bình luận
vtcnews.vn