Tướng Công an: Trung Quốc âm mưu lập vùng phòng không ở Biển Đông

Thế giớiThứ Ba, 03/12/2013 09:54:00 +07:00

(VTC News) – Tướng Lê Văn Cương phân tích dụng ý của Trung Quốc trong việc lập ra vùng nhận dạng phòng không và khả năng xuất hiện vùng này ở Biển Đông.

(VTC News) – Tướng Lê Văn Cương phân tích dụng ý của Trung Quốc trong việc lập ra vùng nhận dạng phòng không và khả năng xuất hiện vùng này ở Biển Đông.

Tướng Cương cho rằng, với việc đơn phương lập vùng phòng không, Trung Quốc mất nhiều hơn được.  
Trước việc Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông, chồng lấn vùng tương tự của Nhật Bản và Hàn Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an cho rằng, trong động thái này, Trung Quốc sẽ mất nhiều hơn được.

Phóng viên VTC News tiếp tục cuộc phỏng vấn với Thiếu tướng, PGS-TS Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an, để hiểu rõ hơn kết quả hành động đơn phương của Trung Quốc, lý giải những động thái mới nhất từ các bên, cũng như dự đoán khả năng Trung Quốc sẽ làm điều tương tự đối với Biển Đông.

- Ông cho rằng đâu sẽ là cái được, và cái mất khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ)?

Xét về kết quả cuối cùng, tôi cũng không rõ Trung Quốc sẽ được gì. Về mục đích trước mắt, Trung Quốc đã làm được, đó là thử phản ứng cộng đồng quốc tế và an dân, lấy lòng quân đội. 

theo thăm dò, hơn 80% cộng đồng mạng Trung Quốc ủng hộ việc xác lập vùng nhận dạng phòng không. Tuy nhiên, về mục tiêu chính, chưa thể chắc chắn rằng Trung Quốc đã thành công, tất cả còn ở phía trước.

Theo bạn, TQ lập vùng nhận dạng phòng không để:

  • Nắn gân Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc
  • Nếu êm xuôi, sẽ tiếp tục ở Biển Đông
  • Muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự
  • Cả ba phương án trên
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Theo tôi, việc đối diện với búa rìu dư luận và sự phản đối dữ dội của cộng đồng quốc tế, chính là thiệt hại lớn nhất của Trung Quốc.

Ngay cả khi chiếm được Senkaku/Điếu Ngư, cái mất vẫn ít hơn cái được, bởi điều mà Trung Quốc cần nhất chính môi trường thế giới để phát triển. 
Trong “giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình, cũng như đường hướng phát triển của lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2003 đến nay như Hồ Cẩm Đào hay Ôn Gia Bảo, Trung Quốc luôn tận dụng diễn đàn quốc tế để quảng bá chủ trương phát triển hòa bình.

Trung Quốc khẳng định rằng mình phát triển nhanh và mạnh, nhưng không xâm hại đến chủ quyền của ai.


Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc hiện tại được coi là hành động gây hấn, làm lu mờ chủ trương phát triển hòa bình mà nước này đã đề ra, làm giảm lòng tin của quốc tế, kích thích lòng nghi ngờ về cái gọi là chủ trường hoa bình của Trung Quốc, đó là thiệt hại lớn nhất. 
Như vậy, việc chiếm được Senkaku/Điếu Ngư cũng không còn nhiều giá trị.

-  Có nguồn tin bình luận việc TQ đưa máy bay tuần tra thông thường vào ADIZ sau khi các máy bay Hàn, Nhật, Mỹ vào vùng này chỉ để chữa ngượng vì những tuyên bố cứng rắn trước đó, ông nghĩ sao?


Khu vực mà Trung Quốc tuyên bố xác lập vùng nhận dạng phòng không có diện tích bằng 2/3 diện tích nước Anh, nói thẳng ra rằng, hệ thống máy bay và radar của Trung Quốc không thể nào kiểm soát, tuần tra trên toàn bộ khu vực này 24/24. 
Máy bay chiến đấu Trung Quốc 

Việc Trung Quốc đưa máy bay tuần tra vào cũng chỉ có tính chất cầm canh, như muối bỏ bể, giống như việc cố tình gõ mõ để người ta biết trong chùa có sư mà thôi.

Nhưng nếu máy bay tuần tra Trung Quốc không xuất hiện trong vùng phòng không, thì coi như lời nói của nước này không có giá trị. 
Việc Trung Quốc cho máy bay bay lượn trong khu vực này cũng là để chữa ngượng vì những tuyên bố cứng rắn trước đó.

- Có nhận xét cho rằng việc Mỹ điều B-52 đến ADIZ như một động thái nhằm răn đe Trung Quốc , ông nghĩ sao?

Tất nhiên, việc Mỹ điều máy bay ném bom B-52 vào vùng phòng không mà Trung Quốc đơn phương thiết lập là để răn đe, Mỹ không đùa trong chuyện này. 
Khi Mỹ điều máy bay B-52 vào vùng phòng không tức là nước này đã chuẩn bị rất kỹ tất cả tên lửa đạn đạo, tàu sân bay, tàu chiến hay tàu ngầm.

Hơn nữa, việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông là bất hợp pháp, sẽ không có ai bênh vực họ.

- Thưa ông, có gì mâu thuẫn không khi Bắc Kinh tuyên bố điều máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo sớm vào cái gọi là vùng phòng không, trong khi vẫn tuyên bố rằng nước này “không có quyền bắn rơi máy bay” trong ADIZ?


Trung Quốc lâu nay vẫn mâu thuẫn như vậy, chuyện này cũng không ngoại lệ. 
Trước thì Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không bao trùm vùng trời Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Thậm chí người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn tuyên bố sẽ có những biện pháp cứng rắn kể cả là hành động quân sự trong vùng phòng không mới này. 
Nhưng sau đó lại tuyên bố vùng này không phải vùng mà có thể áp dụng tàu chiến, tên lửa được mà chỉ mang tính cảnh báo, đồng thời nói rằng Bắc Kinh không có quyền bắn hạ máy bay trong vùng phòng không. 

Rõ ràng họ rất mâu thuẫn trong chuyện này. Nói một cách dễ hiểu là danh không chính thì ngôn không thuận.
- Báo chí Trung Quốc kêu gọi có hành động cứng rắn hơn sau khi thiết lập ADIZ, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản phản đối gay gắt đồng thời cho biết sẽ còn cử máy bay chiến đấu đến biển Hoa Đông. Theo ông, liệu điều này có tạo nên những cuộc không chiến giữa các nước?

Theo tôi, có thể xảy ra những cuộc không chiến ở phạm vi hẹp. Tuy nhiên, vấn đề là thời gian và tùy theo phản ứng cụ thể của cộng đồng quốc tế sắp tới thế nào. Nhưng tôi cho rằng điều này không thể tránh được.

Chiến đấu cơ Trung Quốc vẫn bị cho là chưa đủ sức so với không quân Mỹ 

- Theo ông, liệu Bắc Kinh có làm điều tương tự ở Biển Đông như điều mà chính quyền Philippines lo ngại?


Tôi tin là Bắc Kinh sẽ làm, nhưng giờ chưa phải lúc. Trong một tuyên bố, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã nói rằng nước này sẽ tiếp tục thiết lập các vùng phòng không ở các khu vực khác khi có điều kiện và thời gian thích hợp.

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo bạn, TQ lập vùng nhận dạng phòng không để:

  • Nắn gân Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc
  • Nếu êm xuôi, sẽ tiếp tục ở Biển Đông
  • Muốn chứng tỏ sức mạnh quân sự
  • Cả ba phương án trên
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

Hoàng Nhi – Tố Ngôn(thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn