Tuổi thơ đẫm nước mắt của bà lão nhặt rác tay không bắt ‘tăm tặc’

Thời sựChủ Nhật, 26/02/2017 18:08:00 +07:00

Nhà nghèo, từ năm 6 tuổi, bà Nậm đã bị bán cho một gia đình ở Thái Nguyên, cuộc đời từ đó về sau chỉ toàn đòn roi và nước mắt.

Tuổi thơ chỉ có đòn roi

Bà Trần Thị Nậm (1951, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) người nhặt ve chai tại hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) bỗng dưng nổi tiếng khắp cả nước, sau khi tay không bắt “tăm tặc” lộng hành trên phố.

Sau khi VTC News phản ánh về sự việc, rất nhiều độc giả trên cả nước đã gửi phản hồi về tòa soạn, tỏ lòng khâm phục với hành động nghĩa hiệp của bà Nậm.

Trong tan coi long, ba rat nho nhung nguoi con cua minh

 

Bà Nậm sinh ra trong gia đình 4 anh chị em, bố mất sớm, mẹ già yếu. Vì quá khó khăn, năm lên 6 tuổi, mẹ phải gửi bà Nậm đi ở cho một gia đình giàu có ở Thái Nguyên những mong con sẽ được ăn no chứ không phải chịu cảnh đói cơm như ở nhà.

Thế nhưng, số phận bà hẩm hiu, gặp ngay chủ nhà ác độc. Bà Nậm không chỉ bị chủ thường xuyên mắng nhiếc mà còn bị đánh thường xuyên.

Bà bảo, đó là những tháng ngày không thể nào quên. “Ngày ấy, đòn roi vụt xuống như mưa, có những vết thương phải hết 1 tuần mới đỡ. Còn chuyện bị bỏ đói, phải nhịn ăn thì hầu như ngày nào cũng bị”, bà Nậm kể.

Mặc dù bị chủ nhà đánh thậm tệ, nhưng vì khi đó còn nhỏ, lại thương mẹ nên bà đành nhắm mắt cam phận. Sống với gia đình nhà nọ đến năm 19 tuổi, bà không thể chịu đựng được nữa nên quyết định trốn về quê.

Sau đó, bà kết hôn với một người đàn ông gần nhà qua sự mai mối của hàng xóm. Những tưởng cuộc đời bà sẽ sang trang mới, những ký ức đau buồn của tuổi thơ cơ cực sẽ được xoa dịu bên hạnh phúc gia đình. Nhưng một lần nữa, hạnh phúc đã không mỉm cười với bà.

Sau khi cưới, người chồng bà lộ bản chất là kẻ ham chơi, rượu chè. Mặc dù đã có với nhau 2 mặt con nhưng bỏ mặc lời khuyên nhủ của vợ, chồng bà vẫn tính nào tật ấy, ngày càng nát rượu. Cứ mỗi lần rượu say, bà lại bị chồng bạo hành thậm tệ.

Chán nản, không thể chịu đựng người chồng thêm được nữa, bà quyết bỏ đi. Lang thang khắp mọi nơi, bà phiêu bạt đến Hà Nội rồi dừng chân ở đó mưu sinh với đủ thứ nghề.

Video: Công việc thường ngày của người phụ nữ tay không bắt "tăm tặc"

Bà kể, ngày trước còn khỏe, những công việc nặng nhọc như bốc vác ở chợ Long Biên bà đều làm hết, chẳng thua gì đám đàn ông.

Sau này, già yếu, không còn làm việc nặng nhọc được nữa bà chuyển sang bán hàng rong nhưng bán cũng chẳng được bao nhiêu. Hàng bán chậm, không có tiền lấy hàng nên từ đó bà chuyển sang nhặt ve chai và sống với cái nghề này đến giờ.

Địa bàn “làm việc” của bà là quanh bờ hồ Hoàn Kiếm. Bà bảo, ở đây đủ các thành phần, từ trộm cắp, lừa đảo đến những người nghèo chân chất, mưu sinh… đều có cả. Vì thế, hằng ngày bà chứng kiến đủ mọi thứ chuyện trên đời, nhưng bất bình nhất là trò lừa đảo và trộm cắp của những người bất lương.

Nói về nhóm “tăm tặc” chuyên lừa với hình thức núp bóng việc bán tăm từ thiện cho người hiền lành với giá cắt cổ (500 nghìn đồng/ gói). Khi người dân cầm gói tăm trên tay, các đối tượng hét giá, nếu người nào mà không đưa tiền lập tức có 5-7 đối tượng đồng bọn của chúng quây vào, tạo sức ép bắt người dân phải đưa tiền mới thôi.

Chứng kiến cảnh tượng này quá nhiều, ngày 20/2 vừa qua, bà phát hiện nhóm này đang lừa người khác, một mình bà bắt một đối tượng nữ 21 tuổi lên công an phường giao nộp.

“Người hùng” không chốn dung thân

Sau hành động dũng cảm của bà, đối tượng nữ trong nhóm “tăm tặc” chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn đồng rồi được cho về. Nhóm này vẫn ngang nhiên hoạt động và còn dọa đánh gãy chân bà, vứt xuống hồ.

Video: Bà lão nhặt rác bắt "tăm tặc" bị đe dọa đánh gãy chân, vứt xuống hồ

Bà bảo, bà sống đến tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi nên chẳng sợ gì nữa, chỉ buồn là có những người vì đồng tiền mà làm những việc thất đức, nhân danh bán tăm từ thiện.

Như bà, nhặt ve chai đã được 8 năm, mỗi ngày đi bộ 30 vòng xung quanh hồ Hoàn Kiếm, ngày nhiều nhất kiếm được 100.000 đồng, có hôm bà chẳng kiếm được gì đành uống nước trừ bữa nhưng không bao giờ bà làm những trò lừa đảo như vậy.

Chị Hằng (bán đồ lưu niệm) tại bờ hồ cho biết, bà Nậm ở khu vực bờ hồ nhiều năm nay nên nhiều người biết bà. Trước đây, bà cũng từng giúp cửa hàng quần áo bắt được kẻ gian đang trộm đồ. Có lần, bà còn giúp khách nước ngoài khi bị chặt chém 500 nghìn đồng cho 5 cái bánh rán.

Khi hỏi về địa chỉ nhà, sắc mặt bà trùng xuống, đôi mắt xa xăm nhìn ra giữa hồ. Từ ngày lang thang ra Hà Nội, bà vật vờ ngoài đường vì không đủ tiền thuê nhà. Thấy bà già cả, tổ bảo vệ trông xe tại phố Hàng Khoai cho bà ngủ nhờ buổi tối, còn giặt giũ thì được người dân khu tập thể ở phố Hàng Ngang giúp đỡ.

Bà thở dài, năm nay đã ở cái tuổi thất thập, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa, cứ như thế này bà chết mà chẳng có chỗ chôn. Bà kể, bà có 2 người con, một người năm nay khoảng 43 tuổi, một người cũng khoảng 36 tuổi. Ngày bà bỏ đi, 2 đứa sống với bố, không biết giờ có còn ở đó không.

Nhiều lần bà muốn về quê, mà cứ day dứt vì ngày xưa đã bỏ đi hay vì lý do gì đó mà bà chẳng về. Nhắc đến gia đình, bà buồn rầu không kể thêm được nữa, xách theo cái túi, bà lại đi lang thang quanh hồ nhặt những vỏ chai nhựa mà người ta bỏ vào thùng rác. Cứ thế, bóng bà xa dần, lấp ló sau những thùng rác công cộng quanh bờ hồ.

 

Thúy Hồng
Bình luận
vtcnews.vn