Từng bị 'ghẻ lạnh', vaccine COVID-19 của Nga bất ngờ được châu Âu săn đón

Thời sự quốc tếThứ Năm, 04/02/2021 08:40:20 +07:00
(VTC News) -

Các tín hiệu khả quan từ kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine COVID-19 của Nga đặt vaccine này ngang hàng với các đối thủ phương Tây khác.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối được công bố trên tạp chí y khoa quốc tế The Lancent hôm 2/2 cho thấy vaccine Sputnik V của Nga đạt hiệu quả lên tới 91,6% trong việc ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2 trên cơ thể người.

"Không còn lý lẽ nào cho những người chỉ trích loại vaccine này, bài báo trên The Lancet chính là một minh chứng", Kirill Dmitriev, người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia (RDIF) của Nga cho biết.

Là loại vaccine phòng COVID-19 được đăng ký đầu tiên trên thế giới, nhưng Sputnik V từng bị các chuyên gia y tế thế nghi ngờ vì thiếu dữ liệu chứng minh tính hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả công bố mới đây trên The Lancet đưa Sputnik V vào nhóm vaccine có hiệu quả cao nhất hiện nay, ngang hàng với vaccine của Mỹ và Anh.

Từng bị 'ghẻ lạnh', vaccine COVID-19 của Nga bất ngờ được châu Âu săn đón - 1

Vaccine Sputnik của Nga. (Ảnh: Reuters)

Trả lời báo giới mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết tất cả các vaccine đều được chào đón ở EU - khu vực đang xảy ra nhiều tranh cãi vì chiến dịch tiêm chủng chậm chạp. 

Trước thềm cuộc họp khẩn cấp với các nhà sản xuất vaccine Đức nhằm giải quyết tình trạng triển khai tiêm chủng chậm trễ trong nước, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết nước này có thể sẽ vaccine mà bất cứ nước này sản xuất chỉ cần chúng "an toàn và hiệu quả". 

Spahn nói thêm ông không thấy trở ngại nào trong việc sử dụng vaccine COVID-19 từ Nga và Trung Quốc, miễn là chúng được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt.

Hôm 3/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông đã cử một phái đoàn khoa học tới Nga và các cuộc trao đổi giữa hai bên rất tích cực. 

"Nhưng để phê duyệt vaccine, trước tiên cần phải yêu cầu đưa nó ra thị trường. Ngay khi một yêu cầu được đưa ra, giới chức châu Âu và các quốc gia sẽ nghiên cứu điều này một cách độc lập và xem xét có chấp thuận nó hay không tùy thuộc vào kết quả. Đó không phải là một quyết định chính trị mà là quyết định khoa học", ông Macron nói. 

Đức, Pháp và một số nước EU đang điều chỉnh lại các mục tiêu tiêm chủng ban đầu vì thiếu nguồn cung.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phải chịu rất nhiều áp lực khi các chính trị gia và công dân trên toàn khối bày tỏ sự thất vọng vì tỷ lệ tiêm chủng của EU tụt hậu với Mỹ, Anh và Israel.

Thừa nhận một số sai lầm, bà von der Leyen nói với tờ Le Monde của Pháp: "Khi bạn đưa ra những quyết định khẩn cấp trong một năm khủng hoảng, luôn có khả năng thiếu hụt thứ gì đó".'

Một số chuyên gia chỉ trích gay gắt hợp đồng giữa hãng dược AstraZeneca của Anh và Ủy ban châu Âu vì mơ hồ và không quy định rõ ràng về số lượng và thời điểm giao vaccine. AstraZeneca hồi đầu tháng 2 bất ngờ thông báo cắt giảm 3/4 số liều vaccine cam kết bàn giao cho EU trong quý đầu tiên. Nguyên nhân mà hãng này đưa ra là các vấn đề trong khâu sản xuất tại một trong những nhà máy của hãng ở Châu Âu, đồng thời thiếu bằng chứng về mức độ hiệu quả đối với những người trên 65 tuổi. 

Bất đồng giữa EU và hãng dược liên doanh Anh - Thụy Điển càng bị khoét sâu khi Thụy Điển và Pháp khuyến nghị chỉ dùng vaccine của AstraZeneca với những dưới 65 tuổi.

Pháp và Đức mới đây cũng cảnh báo sẽ có hành động pháp lý với AstraZeneca nếu hãng này ưu tiên Anh hơn EU khi phân phối vaccine COVID-19. 

Song Hy(Nguồn: AFP)
Bình luận
vtcnews.vn