Tục xin chữ, cho chữ của người Việt dịp đầu Xuân có ý nghĩa gì?

Giáo dụcThứ Tư, 06/02/2019 20:33:00 +07:00

Tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp trong ngày lễ đầu xuân của người Việt, thể hiện tinh hoa của việc giáo dục lễ nghĩa, mang đậm tư tưởng Nho giáo.

Phong tục xin chữ đầu năm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày lễ cổ truyền của dân tộc. Mong ước cả năm của người xin chữ được thể hiện qua những nét chữ thanh thoát và cẩn trọng của các ông đồ.

Nhiều nhà thư pháp có thể dựa vào lứa tuổi hoặc tâm tính để tư vấn, chọn chữ cho phù hợp với người xin chữ. Đối với trẻ nhỏ thì có thể xin chữ “Thực vi tiên” để trẻ hay ăn, chóng lớn. Sau độ tuổi đó, có thể xin chữ “Minh”, "Thành", "Đạt". Khi đến tuổi yêu, xây dựng vợ, gả chồng có thể xin chữ "Duyên", chữ "Phúc. Khi lớn lên, người ta hay xin chữ "Đức" để nhắc nhở đạo làm người, chữ "Hiếu" để thấu nghĩa sinh thành của ông bà, cha mẹ.

Bên cạnh đó, những người đang đi học thường xin chữ "Trí", "Tài", "Nhẫn"; người buôn bán, kinh doanh xin chữ "Lộc", "Tín", "Phát"; người xin chữ treo trong gia đình thường là "Phúc", "Lộc", "Thọ", "Tâm", "An"; Nam nữ cầu "Danh", "Duyên", "Hiếu", "Trung"; để tặng bố mẹ chọn chữ: "Tâm", "An Khang", "Bình An", "Thọ"...

chunho 4

 Mong muốn trong năm mới của người xin chữ được thể hiện qua những nét chữ thanh thoát và cẩn trọng của các ông đồ. (Ảnh: Xuân Trường)

Các chữ được xin thường là chữ Nho, đây là nét truyền thống từ xưa tới nay. Nhiều năm gần đây, người ta xin cả chữ Quốc ngữ vì yếu tố dễ đọc, dễ hiểu. Tuy nhiên, chữ Nho vẫn được đánh giá là mang nhiều tầng ý nghĩa hơn cả.

Quan trọng nhất, đó là sự đồng cảm giữa người viết chữ và người nhận chữ, phải có sự tôn trọng về văn hóa, thuần phong mỹ tục mới có thể xin được chữ không những đẹp, hay, ý nghĩa mà còn đem lại may mắn cho người nhận chữ.

Đối với người viết, phải lựa làm sao để chữ đó là chữ đẹp nhất, phù hợp nhất với người nhận. Và ngược lại người nhận chữ cũng phải bày tỏ thành ý trân trọng chữ mà mình định nhận. 

Tại Hà Nội, nhiều người còn đến Văn Miếu không chỉ xin chữ cho bản thân, người thân mà còn cầu mong bình an, may mắn đến với họ.

"Mỗi khi Tết đến tôi đều đến Văn Miếu để xin chữ. Đối với những người là cha mẹ, điều quan trọng nhất là con cái mình được lớn lên khỏe mạnh và học hành thật tốt nên năm ngoái có lên xin cho cháu chữ Trí", anh Trần Văn Đức (Hà Nội) chia sẻ.

xinchu 5

Nhiều người xếp hàng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám mùng 1 Tết để xin chữ. (Ảnh: Xuân Trường) 

Vào những dịp như Tết Nguyên đán, thường chúng ta hay chọn những món quà đắt đỏ để đi tặng hay đem biếu, nhưng đối với nhiều người tặng chữ vào dịp đầu năm là món quà ý nghĩa nhất. 

Chị Nguyễn Minh Phương, một giáo viên dạy Văn tại Hà Nội chia sẻ rằng chị cùng nhóm bạn cấp 3 cũ vào mùng 3 Tết đều tổ chức đến thăm cô giáo chủ nhiệm cùng đôi câu đối đỏ, bày tỏ sự tri ân công giáo dưỡng.

"Không phải là một món quà đắt tiền mà những học trò cũ thường tặng các thầy cô, tuy nhiên, vì người thầy là người lái đó, đem con chữ đến với nhiều thế hệ học trò, nên chúng tôi thường ra Văn Miếu xin chữ đầu năm, khoảng mùng 1, mùng 2 Tết, rồi ngày mùng 3 đem món quà đặc biệt đến biếu cô", chị Minh Phương chia sẻ.

Tục xin chữ và cho chữ đầu năm không chỉ là món quà mang nhiều ý nghĩa giáo dục, có sự ảnh hưởng đến xã hội bằng nhận thức của nhiều thế hệ, nó còn mang tính triết học và tâm linh, kết tinh thành mối giao thoa văn hóa trong đồng khi mỗi cá thể đều hướng tới hoàn thiện vẻ đẹp Chân - Thiện - Mỹ.

Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn