'Tứ trụ' nền sử học VN: Không kế thừa truyền thống, sao viết tiếp được tương lai?

Giáo dụcThứ Hai, 16/11/2015 07:38:00 +07:00

GS Phan Huy Lê và nhiều nhà sử học bày tỏ sự lo lắng khi môn Lịch sử được tích hợp trong chương trình phổ thông mới.

(VTC News) – GS Phan Huy Lê và nhiều nhà sử học bày tỏ sự lo lắng khi môn Lịch sử được tích hợp trong chương trình phổ thông mới.

Tại Hội thảo khoa học “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15/11, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng môn Lịch sử được tích hợp trong môn Khoa học xã hội và Công dân với Tổ quốc ở cấp trung học phổ thông (THPT) là không thỏa đáng và thiếu cơ sở khoa học và sẽ khiến học sinh càng quay lưng với môn Lịch sử.
Các nhà khoa học góp ý về cách dạy và học Lịch sử trong chương trình phổ thông mới ngày 15/11
Các nhà khoa học góp ý về cách dạy và học Lịch sử trong chương trình phổ thông mới ngày 15/11 
Phát biểu tại hội thảo, GS. NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ nhiều nước phát triển đều coi lịch sử là một trong những môn học cơ bản và bắt buộc trong nền giáo dục phổ thông.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử xây dựng và bảo vệ của một dân tộc phải tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh chống ngoại xâm triền miên, nhiều hy sinh mất mát và vô cùng oanh liệt. Đất nước Việt Nam luôn phải dựng nước đi đôi với giữ nước.

Vì vậy, GS Phan Huy Lê cho rằng lịch sử là cội nguồn sức sống của dân tộc Việt Nam.

“Không kế thừa những truyền thống của dân tộc thì làm sao có thể viết tiếp những trang sử, xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau”, GS. NGND Phan Huy Lê nói.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học - Lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tuổi Trẻ. 
GS Phan Huy Lê không đồng tính với cách giải thích của Bộ GD-ĐT với chương trình mới. Việc tích hợp như cách làm của Bộ sẽ làm “khai tử” môn Lịch sử trên thực tế.

Vị Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lý giải chương trình THPT còn có môn Lịch sử tự chọn, nhưng với sách giáo khoa và cách dạy, cách học như hiện nay thì chắc chắn chẳng mấy học sinh chọn môn Lịch sử.

Khi thiết kế chương trình mới lại tích hợp tùy tiện môn Lịch sử với nhiều môn, không đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống

“Kết quả thi tốt nghiệp THPT đã chứng minh thực trạng này”, ông Phan Huy Lê dẫn chứng.
Nhiều chuyên gia lo lắng việc tích hợp sẽ làm khai tử môn Lịch sử
Nhiều chuyên gia lo lắng việc tích hợp sẽ làm "khai tử" môn Lịch sử 
Cũng có cùng quan điểm này GS. NGND Vũ Dương Ninh (ĐH Quốc gia Hà Nội) dẫn chứng về sự mất đi dần dần của môn Lịch sử:

GS Vũ Dương Ninh cho rằng: “Không phải đến thời điểm này mà một vài thập kỷ qua, môn Sử đã bị đối xử thiếu công bằng”.

Ban đầu, vì lý do giảm tải, môn Lịch sử không còn được coi là môn thi chính thức trong chương trình thi tốt nghiệp phổ thông. Sau đó, học sinh được phép lựa chọn thi ngoại ngữ hoặc môn Sử. Đa số học sinh ở thành phố lựa chọn ngoại ngữ, chỉ có học sinh địa phương học kém ngoại ngữ mới chọn Sử.

Môn Lịch sử đã dần biến mất khỏi chương trình với tư cách là một khoa học có chức năng riêng biệt và vô cùng quan trọng.

GS Vũ Dương Ninh cho rằng , môn Lịch sử được giảng dạy từ bậc tiểu học đến trung học, nuôi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ một cách cẩn thận, có hệ thống.

Do đó, lịch sử đã thức tỉnh tinh thần dân tộc khi bước vào thời đại mới, đưa đất nước lên vị thế cường quốc hàng đầu thế giới. Rõ ràng, lịch sử đã được họ sử dụng như một vũ khí tinh thần.

 “Lịch sử phải là một môn học độc lập, có vị trí ngang bằng với các môn học khác trong chương trình GDPT và dứt khoát là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí tiến tới coi Lịch sử Việt Nam là một môn thi trong tuyển chọn nhân viên vào các cơ quan, với người muốn nhập quốc tịch Việt Nam”, GS. NGND Vũ Dương Ninh đề xuất.

Bên cạnh đó, Thượng tướng, PGS, TS Võ Tiến Trung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng đã lý giải việc không thể đưa môn Lịch sử tích hợp với môn Giáo dục Quốc phòng.

Thượng tướng Võ Tiến Trung cho rằng tích hợp môn Giáo dục Quốc phòng – An ninh với các môn học khác trong cấp THPT là trái với quy định pháp luật của nước ta.

Giáo dục Quốc phòng – An ninh là môn học đặc thù cả về nội dung, phương pháp và hình thức, hơn 80% bài giảng mang tính trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu để bảo vệ Tổ quốc. Các nội dung thực hành có sử dụng thuốc nổ, đạn hơi hay đạn thật... nên có chương trình và sách giáo khoa riêng, không thể tích hợp với môn học khác.

Hàng loạt những nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử cũng cho rằng phải giữ môn Lịch sử là một môn học độc lập.

 GS. TS Đỗ Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Nếu các môn khác được xem là môn công cụ thì môn Lịch sử, trước hết là lịch sử dân tộc để tạo nên con người đó là người Việt Nam.

Trong bối cảnh tình hình chủ quyền biển, đảo, biên giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đang dựa vào các chứng cứ lịch sử, khoa học lịch sử để đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, giữ vững chủ quyền quốc gia. Do đó, “dân ta phải biết sử ta”.

Cuối buổi hội thảo, GS Phan Huy Lê cho rằng qua nhiều cuộc hội thảo, trao đổi ý kiến nhưng giữa Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và các nhà quản lý giáo dục dường như chưa tìm được tiếng nói chung. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên cấp cao hơn để bảo vệ môn Lịch sử như môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT.



Phạm Thịnh

Bình luận
vtcnews.vn