Từ 'thủ lĩnh giang hồ' thành thầy dạy trẻ tự kỷ

Giáo dụcThứ Ba, 20/11/2018 15:30:00 +07:00

Từng được bạn phong là "đại ca" vì giỏi đánh nhau, chơi game, Phú (Hưng Yên) nay thành "thầy" của các trẻ tự kỷ dù mới 15 tuổi.

Đặng Văn Phú (15 tuổi, quê Khoái Châu, Hưng Yên) đang là huấn luyện viên tại một trung tâm dạy trẻ tự kỷ xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Công việc chính của cậu là dạy trẻ tự kỷ tập đi trên xe đạp một bánh, tung bóng trên con lăn, dạy hát, tập nói - những hoạt động giúp trẻ tự kỷ tăng độ tập trung, kiểm soát bản thân, tăng khả năng tư duy. Ngoài giờ học, Phú cai quản cả việc sinh hoạt, ăn ở và giấc ngủ của các bạn.

Sáng sớm, trời trở lạnh, cậu huấn luyện viên mũm mĩm thức dậy đầu tiên, giũ chăn cho 40 học viên. Có đứa giơ tay đòi đánh "thầy", đứa thì khóc nhè, cậu chỉ cười khì. 

Các đồng nghiệp nhận xét, ông "thầy" mắt híp này rất yêu trẻ con, biết cách dỗ, lấy lòng tụi trẻ nên được các em rất yêu quý, đứa nào cũng quấn, có những bạn khóc cả ngày, chỉ cần Phú dỗ vài phút là nín. Phú hay ôm học viên vào lòng vuốt tóc, vừa hát vu vơ, vừa nói "ngoan nào, ngoan nào!".

Từng chiếc quần khai ngòm của các bạn được Phú vò tay giặt kỹ, chưa bao giờ nhăn mặt vì sợ bẩn. Có học viên không kiểm soát được tiêu tiểu ngay tại chỗ ngủ, nhiều đêm cậu bé phải thức giấc để thay quần cho các bạn.

1 4

Phú (hàng trước bên trái), đứng sau là ông bà ngoại. Bà ngoại em từng sút gần 10 kg và mất ngủ cả năm trời vì cháu không chịu đi học. (Ảnh: NVCC)

Đôi bàn tay này một năm trước như bám dính vào bàn phím, chơi game 16 tiếng một ngày, hay cầm những chén rượu chạm lách cách trên bờ đê tối mịt.

Bố mất, mẹ đi Đài Loan lao động, vài năm mới về nhà một lần, từ bé, Phú đã ở với ông bà ngoại. Cậu bé bỏ học theo bạn "chinh phạt" đủ quán internet ở hang cùng ngõ hẻm, nói dối bà xin tiền mua sách, móc lợn tiết kiệm của em họ để chơi game. 

"Có hôm em chơi từ trưa đến 2 giờ sáng, về nhà một chút rồi lại đi. Có ngày em bỏ tới 400 nghìn để chơi game. Bạn bè rủ cái gì em cũng chơi, kể cả rượu bia, rồi đánh nhau. Em còn được gọi là Phú ‘đại ca’ trong trường", Phú kể.

Đầu năm 2017, cậu bé tình cờ theo chân em họ đến Trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Thầy hiệu trưởng đề nghị Phú ở lại làm huấn luyện viên vì thấy cậu thông minh. Cậu bé ậm ờ đồng ý vì cũng không muốn về nhà.

Muốn trở thành huấn luyện viên, cậu bé phải tập được những bài cơ bản như đứng con lăn, tung bóng. "Hai tháng đầu Phú tập vật vờ, uể oải, cãi giáo viên, quăng dụng cụ tập. Không ít lần cậu ấy trốn vào xó xỉnh để ngủ, vờ đau bụng, đau lưng", thầy hiệu trưởng Phan Quốc Việt chia sẻ. 

Dần dần, Phú biết nhiều học viên ở đây thiệt thòi về trí tuệ, tâm lý, bị cha mẹ hắt hủi, không có nhà để về. Một tháng sau, Phú bắt đầu tập luyện hăng say hơn, thay đổi thái độ tích cực và chính thức trở thành huấn luyện viên.

"Ban đầu, nhìn thấy các bạn nhỏ ở đây có những biểu hiện kỳ lạ, la hét, đêm đi lang thang..., em cũng hơi sợ. Nhưng đồng cảm vì các bạn ấy không có bố mẹ bên cạnh đã khiến em không muốn rời khỏi đây", Phú tâm sự.

2 5

 Với những trẻ hay khóc và cứng đầu, các thầy cô khác đều để Phú dỗ dành. 

Mỗi lần phải dọn vệ sinh cho các bạn, hay lúc hướng dẫn các em hát karaoke để tập nói, tốn rất nhiều công sức, Phú vẫn nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Đôi khi cậu cũng phải to tiếng để học viên không "lờn mặt", đặc biệt là những học viên mới, chưa được rèn nhiều.

Sau hơn một năm ở đây, Phú đã đào tạo cho 20 học viên. Tốn nhiều thời gian nhất là cậu bé Nguyễn Tuấn Tú (10 tuổi). Có hôm các thầy cô khác thấy Phú ngồi khóc tu tu. Thì ra vì tập gần 2 tháng mà Tú không biết đi xe đạp một bánh, trong khi những học viên khác chỉ mất một tháng, nên Phú uất ức ngồi khóc.

Hơn một năm đi dạy, Phú có tiền lương gửi về cho ông bà đều đặn. "Về thăm ông bà, bạn bè gọi điện rủ đi chơi, nhưng Phú nhất quyết không đi, dành thời gian cho gia đình. Phú còn biết mua quà cho ông bà, quan tâm hỏi han mọi người. Từ bé, cháu tôi chưa một lần gần gũi và cởi mở với gia đình như vậy", bà Vũ Thị Thùy (60 tuổi, bà ngoại của Phú) tự hào nói.

Có phụ huynh mới đến gặp Phú lại hỏi: "Học viên này tươi tỉnh quá nhỉ". Các thầy cô đều cười và khẳng định đây là thầy giáo trẻ nhất của trung tâm - người huấn luyện bằng chính trải nghiệm bản thân, bằng tình yêu trẻ và lòng nhiệt huyết.

3 6

 Quá trình dạy học viên Trọng (trái) nói và hát là khó nhất, buộc Phú nhiều khi phải lớn tiếng để bạn tập trung.

"Sự tiến bộ của các học viên là động lực lớn nhất của em và các giáo viên khác để tiếp tục công việc. Có những bạn ngày vào chỉ biết nắm đầu thầy la lối, nhưng giờ hát hò vui vẻ, nói năng suốt", Phú cười giòn tan kể.

Cái tên Phú "đại ca" không còn nữa, mà thay vào đó bằng một cái tên gần gũi hơn, Phú "tình yêu".

(Nguồn: doisong.vnexpress.net)
Bình luận
vtcnews.vn