Từ sự việc cô giáo đánh hàng loạt học sinh ở Hải Phòng: May mắn và Bất an

Đời sốngThứ Tư, 22/05/2019 07:15:00 +07:00

Khi trong môi trường mô phạm mà các gia đình vẫn phải trông chờ vào sự may mắn, thì đó quả là một sự bất an ghê gớm.

Ngày còn bé, tôi luôn mơ ước sau này lớn lên mình sẽ làm cô giáo. Ước mơ đó luôn là động lực để tôi phấn đấu rèn luyện và học tập. Thời ấy, khi thi Đại học, chúng tôi được phép chọn bất cứ trường nào miễn là ngày thi không trùng nhau. Và trường đầu tiên tôi đăng ký thi là Đại học sư phạm I Hà Nội.

Nhưng đến khi có giấy báo điểm đỗ vào các trường và khi đứng trước sự lựa chọn nghiêm túc về nghề nghiệp cho tương lai, tôi lại không dám chọn Sư phạm. Vì sau nhiều đêm trăn trở, tôi tự thấy rằng, mình không đủ điều kiện để làm cô giáo, bởi không đủ kiên nhẫn và không đủ yêu thương.

Khi hai con bắt đầu đi học, tôi cũng khá lo lắng. Với tôi, khi một đứa trẻ bước chân vào lớp 1, điều con cần trước hết chưa phải là kiến thức, mà là sự quan tâm, yêu thương của thầy cô giáo.

Yêu thương trong môi trường sư phạm rất cần cho một đứa trẻ. Đó không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà là của hầu hết các bậc làm cha mẹ khi gửi gắm con cho nhà trường, trước khi con mình được học kiến thức. Và khi một đứa trẻ được thầy cô yêu thương, nó tự tin và có thể làm được nhiều thứ ngoài sự mong đợi của thầy cô và gia đình.

cogiao

 Vụ việc cô giáo tát hàng loạt học sinh ở Hải Phòng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô hàng chục nam sinh…. vừa qua cũng chỉ phát hiện khi sự việc bị vỡ lở hoặc do may mắn phát hiện kịp thời.   

Khi con tôi bắt đầu đi học, con khá nhút nhát và việc con tham gia vào đội văn nghệ là điều không tưởng, nhất là một môn cần con phải có sự mạnh dạn hay có chút năng khiếu. Các đội văn nghệ của các lớp cơ bản cũng được chọn trên tiêu chí ấy và mỗi lớp cũng chỉ tối đa mươi bạn.

Nhưng cô chủ nhiệm đã không làm như thế. Cô bắt cả lớp cùng tham gia, bạn nào hát được thì đứng hát, không hát được thì múa, không múa được thì hát phụ họa.... Nói chung, bạn nào cũng có nhiệm vụ và đều thấy mình rất "quan trọng".

Khi được chọn vào đội văn nghệ, con gái tôi khá lo lắng nhưng thấy rõ con phấn khởi lên hẳn. Cả ngày con tập hát mà chỉ là tập đi tập lại vài câu hát được giao và vài động tác phụ họa. Con háo hức nhờ bố mẹ sắm sanh quần áo, giày dép để tham gia hát trong buổi diễn mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11...

Những hành động tưởng chừng nho nhỏ ấy của cô giáo nhưng với con gái tôi là những kỷ niệm vô giá. Mà đến giờ, sau 7-8 năm xa cô, nó vẫn rưng rưng mỗi khi nhớ về.

Còn với những phụ huynh như tôi, thực ra đó là cả một phương pháp sư phạm tuyệt vời của những người làm nhiệm vụ trồng người. Cô đã biến một đứa trẻ nhút nhát thành một đứa mạnh dạn, tự tin với những việc tưởng chừng nó không thể làm được. Và đó cũng là nền tảng để con tự khám phá bản thân trong nhiều môi trường khác.

Nhưng không phải lúc con tôi và nhiều đứa trẻ khác cũng có may mắn gặp được những người thầy, người cô như thế.

Khi con học lớp 5, trong một lần họp phụ huynh, khi cô giáo đưa ra nhiều các khoản nộp, trong đó có nhiều khoản rất lãng phí như làm kỷ yếu cả triệu đồng, mua đồng phục tham quan mặc dù đã có đồng phục nhà trường... chồng tôi và một vài phụ huynh khác (rất ít) có ý không đồng tình.

Thông tin trong cuộc họp phụ huynh chỉ sau một đêm, đã lan đến hầu hết các học sinh trong lớp. Ngày hôm sau, con gái tôi đi học bị bạn bè coi như kẻ tội đồ, nó bị bạn giễu cợt, xa lánh vì "bố mày phản đối đóng tiền làm lớp không có kỷ yếu, không có đồng phục lớp"...

Con về nhà khóc rất nhiều và trách bố sao lại làm thế, thậm chí con còn đòi nghỉ học. Từ sau sự việc đó, từ một cô bé khá vui vẻ, con trầm tính và hay lo lắng, không dám cho bố đi họp bất cứ cuộc họp nào ở trên trường của nó.

Hồi đó, tôi đã rất giận cô, định làm cho ra ngô ra khoai, nhưng nghĩ lại, với cách hành xử như của cô và nhiều phụ huynh, nếu tôi làm căng thì hậu quả lại đổ tiếp vào con nên tôi đành nín lặng.

Kể ra đây hai câu chuyện để thấy rằng, người thầy, người cô có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với một đứa trẻ. Họ là tấm gương để con trẻ soi vào, thậm chí hành xử của họ trên lớp còn ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của một đứa trẻ.

Nhưng thật đáng ngại, khi gửi gắm con em đến trường, nhiều gia đình hiện nay vẫn phải trông chờ vào sự may mắn. Những vụ việc phản giáo dục, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em… như những vụ việc cô giáo tát hàng loạt học sinh ở Hải Phòng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) dâm ô hàng chục nam sinh…. vừa qua cũng chỉ phát hiện khi sự việc bị vỡ lở hoặc do may mắn phát hiện kịp thời.

Thật đáng lo ngại, khi trong môi trường mô phạm mà các gia đình vẫn phải trông chờ vào sự MAY MẮN, thì đó quả là một sự BẤT AN ghê gớm.

An An/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn