Từ rửa bát thuê đến hiệu trưởng Việt đầu tiên ở Nhật

Kinh nghiệm sốngThứ Ba, 01/02/2022 08:11:00 +07:00
(VTC News) -

Vượt qua 4 ứng viên người bản địa, thầy giáo Nguyễn Duy Anh (34 tuổi) được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản.

Đồng hồ điểm 22h, thời tiết về đêm ở thành phố Fukuoka dần lạnh hơn. Căn phòng làm việc của thầy giáo Nguyễn Duy Anh tại Học viện Nhật ngữ GAG vẫn sáng đèn. Anh vừa ăn mì gói vừa tranh thủ đọc và phân loại hồ sơ của học sinh để kịp lên kế hoạch sắp xếp lớp học, lịch học.

Đây là tháng thứ 7 Nguyễn Duy Anh nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG, cũng là chừng ấy thời gian anh đến cơ quan sớm nhất và về muộn nhất. Hầu như chưa ngày nào anh về nhà trước 22h, bởi có quá nhiều công việc phải xử lý.

Từ rửa bát thuê đến hiệu trưởng Việt đầu tiên ở Nhật - 1

Thầy giáo Nguyễn Duy Anh, Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản.

16 năm ươm giấc mơ ở xứ sở Hoa Anh Đào

16 năm trước, dù học lực giỏi nhưng nam sinh gốc Hà Nội Nguyễn Duy Anh từng thi trượt Học viện An ninh Nhân dân vì thiếu 0,5 điểm. Sau cú ngã đầu đời, anh mất niềm tin vào bản thân và luôn tự trách mình năng lực kém cỏi nên thi trượt đại học, khiến ba mẹ buồn.

Không muốn đối diện với sự thất bại của bản thân, anh định từ bỏ việc học để đi làm. Tuy nhiên, sau khi được bố mẹ khuyên nhủ, Duy Anh quyết định du học Nhật Bản từ con số không.

“Đây là quyết định liều lĩnh, bởi khi ấy tôi mới chỉ bập bẹ biết vài chữ cái tiếng Nhật, vốn tiếng Anh ít ỏi, các kỹ năng giao tiếp bằng không, không bạn bè, không người thân ở Nhật”, anh nói.

Ngày đầu bước chân sang Nhật, mọi thứ xung quanh khiến anh choáng ngợp. Cao ốc san sát, ô tô dày đặc trên đường, sự nhộn nhịp của phố xá ngược hoàn toàn với cảnh yên bình ở vùng quê Đông Anh của anh.

Hai năm đầu, Duy Anh tập trung hoàn thành các khoá học và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ tại Học viện Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản.

Những ngày mới sang Nhật, bất đồng ngôn ngữ và văn hoá khiến anh rất sốc. Mỗi lần đi siêu thị mua đồ hay tiếp xúc với người xung quanh, anh đều phải dùng từ điển dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh để hiểu, rồi dịch ngược lại để giao tiếp. Sau 1 tháng ổn định cuộc sống và việc học hành, Duy Anh quyết định đi làm thêm. Anh xin vào rửa bát ở nhà hàng với mong muốn được giao tiếp với nhiều người Nhật, giúp học tiếng nhanh hơn và được thực hành nhiều hơn so với trên lớp. Công việc bắt đầu vào chiều tối, sau giờ học và kéo dài bốn tiếng mỗi ngày.

Thấy chàng trai người Việt nhanh nhẹn, ham học hỏi, chủ quán giao cho anh làm bếp, chế biến các món tempura hay sushi. Nhờ chăm chỉ luyện tập tiếng Nhật nên chỉ thời gian ngắn, trình độ của anh được cải thiện. Khi đã tự tin hơn về giao tiếp, anh xin làm thu ngân ở siêu thị và phiên dịch.

Kết thúc hai năm học tiếng, Duy Anh theo học khóa dự bị đại học tại Học viện EHLE (thành phố Osaka) rồi thi đỗ khoa Kinh tế, Đại học công lập tỉnh Hyogo (thành phố Kobe) - trường top 3 về khối ngành Kinh tế của Nhật Bản. Anh là sinh viên Việt Nam duy nhất thi đỗ vào trường năm đó.

Duy Anh đạt học bổng toàn phần bốn năm liên tục và tốt nghiệp đại học công lập Nhật Bản với tấm bằng giỏi vào năm 2013. Ra trường, anh làm biên dịch, phiên dịch và xử lý hồ sơ cho du học sinh của trường Nhật ngữ Osaka Minami (thành phố Osaka) để tích lũy kinh nghiệm.

Sau khi tích lũy được kinh nghiệm quản lý trong lĩnh vực giáo dục, Duy Anh thực hiện một quyết định vô cùng táo bạo: Xây dựng một cơ sở đào tạo giáo dục chuẩn Nhật, thân thiện với du học sinh quốc tế, đặc biệt là học sinh Việt Nam. Anh lập đề án, tập hợp đội ngũ giảng viên, chuẩn bị cơ sở vật chất.

Tháng 4/2015, cơ sở dạy tiếng Nhật GAG tại thành phố Fukuoka do Nguyễn Duy Anh điều hành đi vào hoạt động và đào tạo thế hệ học sinh đầu tiên. Khi ấy, cơ sở mới chỉ tương đương như một trung tâm dạy ngoại ngữ ở Nhật Bản. 

Từ rửa bát thuê đến hiệu trưởng Việt đầu tiên ở Nhật - 2

Thầy giáo Nguyễn Duy Anh.

Với quan điểm “Chất lượng đào tạo là giá trị cốt lõi, đem lại giá trị cho Học viện”, Duy Anh không ngần ngại lên phương án tuyển dụng những giảng viên người Nhật có chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy ngoại ngữ. Nhờ đó, qua mỗi khoá học, Học viện GAG luôn nhận được phản hồi tích cực từ học viên.

Một điểm đặc biệt mà học sinh gần như không thể tìm thấy tại các trường học tiếng Nhật khác chính là các chương trình học bổng “siêu to khổng lồ” trước, trong và cả sau khi theo học tại trường.

Học bổng được xây dựng với mục đích chính là khuyến khích, động viên du học sinh, tạo nên một môi trường học tập chất lượng nhưng cũng đầy tính ganh đua, đòi hỏi các bạn phải luôn cố gắng. 

Nhắc về quãng thời gian thai nghén đứa con tinh thần của mình, Nguyễn Duy Anh chia sẻ: “Tôi rất bận rộn, nhiều khi phải tranh thủ ngủ trên mỗi chuyến bay vì thường xuyên thiếu ngủ. Tuy nhiên, khi nhìn vào thành quả hiện tại của học viện, tôi thấy những cố gắng của mình đã mang lại trái ngọt”.

Thời gian thành lập chưa quá lâu, nhưng với sự cố gắng của đội ngũ giảng viên cùng với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Học viện Nhật ngữ GAG đã vươn lên, trở thành cơ sở tăng trưởng nhanh top 3 của thành phố Fukuoka, được nhiều bậc phụ huynh, học sinh tin tưởng.

"Tôi thích thử sức bản thân, làm công việc chưa người Việt nào ở Nhật làm. Từng học đại học và nhiều năm đi làm ở Nhật nên tôi mong muốn mang hơi thở mới, sự thân thiện, gần gũi đến với sinh viên"

Thầy giáo Nguyễn Duy Anh

Tháng 5/2021, sau 6 năm ra đời, Học viện tiếng Nhật GAG được công nhận là thành viên chính thức của hệ thống giáo dục Nhật Bản. May mắn hơn, sau khi vượt qua bốn ứng viên người Nhật có kinh nghiệm quản lý giáo dục, Nguyễn Duy Anh được chính quyền lựa chọn làm Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG, và là người Việt đầu tiên đảm nhiệm cương vị này tại một cơ sở giáo dục ở xứ sở Hoa Anh Đào.

Anh tâm sự, trở thành hiệu trưởng là niềm tự hào nhưng cũng đầy áp lực. Anh mất hai tháng suy nghĩ, không biết bản thân có đảm nhiệm nổi không, có thể trở thành bộ mặt của trường hay không, bởi vị trí, vai trò và nhiệm vụ hiệu trưởng một học viện khác với vị trí giám đốc trung tâm ngoại ngữ.

Đảm nhiệm trọng trách lớn ở tuổi 34, anh nhận không ít sự phản đối, nghi ngờ từ mọi người xung quanh. Tuy nhiên, anh vững tin vì thứ vũ khí duy nhất anh có: khao khát thay đổi và am hiểu tâm lý du học sinh.

"Tôi thích thử sức bản thân, làm công việc chưa người Việt nào ở Nhật làm. Từng học đại học và nhiều năm đi làm ở Nhật nên tôi mong muốn mang hơi thở mới, sự thân thiện, gần gũi đến với sinh viên", anh nói.

Làm việc 200% sức lực

Ba ngày sau khi nhận quyết định làm Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG, anh về Việt Nam công tác giữa lúc dịch bệnh COVID-19 căng thẳng. Vừa điều hành trường online, anh vừa tranh thủ giải quyết các việc bị tồn đọng.

Chuyến công tác là bước đi táo bạo, nhưng mang lại kết quả ngoài sức tưởng tượng. Anh đến gần 40 tỉnh, thành phố, trực tiếp tư vấn, giới thiệu chương trình cho các nhà trường, học sinh và phụ huynh. Kết quả, trong khi nhiều trường có tiếng ở Nhật bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phải giải thể hoặc đóng cửa vì không có người học, Học viện của anh vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu cho năm 2022.

Từ rửa bát thuê đến hiệu trưởng Việt đầu tiên ở Nhật - 3

 Ông Vũ Bình, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản (trái) tặng hoa chúc mừng Hiệu trưởng Nguyễn Duy Anh (phải).

Từng trải qua những năm tháng bắt đầu từ số không, Nguyễn Duy Anh hiểu rõ khó khăn, tâm lý của du học sinh. Không muốn các em phải đi đường vòng, anh luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ để sinh viên có cơ hội học tập và làm việc.

“Không ít du học sinh được tôi giúp đỡ giờ có công việc ổn định và thành công ở Nhật Bản. Thỉnh thoảng nhận được tin nhắn thông báo của các em, tôi rất hạnh phúc và thấy con đường mình lựa chọn là đúng đắn”, vị hiệu trưởng trẻ chia sẻ.

Học viện Nhật ngữ GAG được Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản công nhận về chương trình đào tạo và chất lượng, hiện đang có hơn 300 sinh viên, trong đó 50% đến từ Việt Nam, còn lại là Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Mông Cổ... 

Ông Vũ Bình, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka đánh giá, Nguyễn Duy Anh là doanh nhân trẻ, lập nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo trên đất Nhật. Khi ông sang Nhật nhận nhiệm vụ, Học viện Nhật ngữ GAG đã thành lập nhưng còn non trẻ, môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở mảng đào tạo tiếng. Tuy nhiên, nhờ nhạy bén, nắm bắt thời cuộc và quyết đoán, Nguyễn Duy Anh đã tạo được uy tín và danh tiếng cho trường.

"Tôi vui mừng khi chứng kiến sự trưởng thành vượt bậc của Duy Anh trong thời gian khá ngắn, cả ở lĩnh vực chuyên môn và hoạt động vì cộng đồng người Việt Nam ở Fukuoka", ông Bình nói.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn