Từ Nam Phi: Yêu Gerrard hơn... sợ Al Quaeda!

Tổng hợpThứ Hai, 14/06/2010 03:50:00 +07:00

Bất chấp cảnh báo... khủng bố, tôi vẫn quyết lặn lội đến tận Royal Bafokeng để lần đầu trong đời được chứng kiến rất, rất nhiều thần tượng của mình thi đấu...

Xem “sao” Anh tập đã quá sung sướng rồi. Nếu tận mắt xem họ đá, lại ở World Cup thì “phê” hẳn. Bởi thế, bất chấp cảnh báo... khủng bố, tôi vẫn quyết lặn lội đến tận Royal Bafokeng và lần đầu tiên trong đời được chứng kiến rất, rất nhiều thần tượng của mình thi đấu.

Tùng Điển (từ Nam Phi)

Sợ khủng bố thật!

Nỗi lo khủng bố ở Nam Phi là có thật. Chính phủ Mỹ dọa từ cách đây cả tháng: người Mỹ không nên đến World Cup. Cận ngày, người ta lại đưa ra báo động đỏ, rằng trận Anh-Mỹ, hai “hổ, báo” trên chính trường là mục tiêu hàng đầu của Al Qaeda, trận này có thể có đánh bom. Nói gì thì nói, ai chả sợ chết. Nghe dọa khủng bố, không sợ mới lạ!

Thế nhưng, phải nói thật là sau khi vào hụt sân Soccer City hôm khai mạc, đến giờ tôi chưa hết... tiếc. Đã đến tận Nam Phi mà không vào sân xem đội bóng thần tượng của mình thi đấu thì kém quá. Vì thế, mặc kệ đe dọa, tôi vẫn thuyết phục trưởng đoàn Quang Huy để tôi và một ê-kíp quay phim của VTC3 đi xem Anh-Mỹ.

Trên đường đi, kể cũng thấy lo lo. Anh lái xe ĐSQ Việt Nam, người đã sống ở Nam Phi 2 năm rồi, thỉnh thoảng lại nhận điện thoại, rồi tin nhắn dặn dò của vợ khiến tôi càng sốt ruột. Nói dại, có đánh bom thật thì làm sao.

Khi cách sân Royal Bafokeng khoảng 2km, choáng hơn nữa khi thấy trên đầu 3 chiếc trực thăng bay vè vè, dọi đèn từ trên cao xuống, đảo khắp mọi nơi như săm soi, tìm kiếm. Dưới mặt đất, bọn tôi bị chặn xe, nhường đường cho một đoàn xe đặc chủng hú còi, nháy đèn loạn cả lên. Để ý mới thấy, toàn xe an ninh biển số Mỹ, xe nào cũng bật cửa sau lên, trên mỗi xe 4-5 tay “sự” lăm lăm súng như sẵn sàng xả ra xung quanh y hệt trong phim hành động của Hollywood. Ghê thật, hóa ra chỉ đám CĐV trong đó có mình là “điếc không sợ súng”. Còn Ban tổ chức thì tất bật, chạy long tóc gáy lo an ninh cho trận đấu. Họ sợ khủng bố thật!

Choáng ngợp trước Tam sư

Nhưng cảm giác sợ hãi cũng nhanh chóng trôi qua. Bởi vào được đến cửa sân là một thế giới khác, đông đúc, ồn ào, kẻ ăn, người uống, vài ông “ham vui” còn đang biêng biêng, vừa nhảy vừa hát. Chỗ khác, người ta xúm xít quanh Fanshop, tranh nhau mua áo, cờ, khăn của 2 đội Anh và Mỹ, xôn xao và lộn xộn như bán hàng giảm giá trên vỉa hè ở Hà Nội, dù thực tế, giá bán ở đây “cắt cổ” (khăn ĐT Anh giá 300 rand - cỡ 800 ngàn VND, bóng Jabulani giá hơn 1.000 rand, móc khóa thôi cũng 200 rand...). Nói chung, ngược hẳn vòng ngoài, ở phía trong không hề thấy bóng dáng an ninh, súng ống hay khủng bố đâu cả. 

 

Nỗi lo sợ khủng bố không sánh bằng khát khao gặp mặt thần tượng.


Royal Bafokeng là sân địa phương, kiểm soát ra vào lỏng lẻo hơn nhiều Soccer City nên chẳng cần thẻ phụ hay ticket riêng cho media gì cả, cứ thế chúng tôi chui tọt vào sân. Sân này chỉ 44.000 chỗ ngồi, tức nhỉnh hơn Mỹ Đình một tí. Thế nhưng, đây là World Cup chứ không phải AFF Cup hay V.League nên tốt nhất không... so sánh. Hơn nữa, biết bao giờ Rooney, Gerrard hay Terry giẫm chân lên ngọn cỏ Mỹ Đình?!

Cơ may hiếm hoi được “giáp mặt” thần tượng nên nào sân, việc đầu tiên là tìm Gerrard và Terry, 2 người tôi thích nhất nhưng không thể. Bóng chưa lăn., không dưới 60 người gồm cầu thủ, HLV, trợ lí HLV trên sân nên không thể biết ai vào ai. Đợi mãi, cuối cùng nhạc hiệu FIFA nổi lên, trọng tài người Brazil thổi còi khai cuộc, và những ngôi sao trong mơ dần hiện ta. Terry cao lớn như hộ pháp, nổi bật so với tất cả. Gerrard bị chìm lẫn trong màu áo trắng nhưng khi có bóng, dáng chạy của Stevie không lẫn vào đâu được. Rooney và Heskey khá gần góc nhìn của tôi. Rooney ở ngoài trông thanh mảnh và đẹp trai hơn chứ không nần nẫn như trên hình. Còn Heskey lù lù như một con tê giác.

Chưa kịp ngắm kĩ các siêu sao thì đùng một cái, Gerrard ghi bàn, quì gối, “trượt cỏ” đúng góc bọn tôi ngồi. Tất cả ào lên như muốn đánh sập khán đài bằng tiếng vuvuzela nhức óc, tiếng giậm nhảy ầm ầm như động đất. Cậu bé ngồi ngay trước (khoác áo số 10 của Rooney) quay lại hét vào mặt tôi “Come on, England. Come on, Stevie”. Sướng quá, tôi cũng hùa theo “Come on, Stevie!”.

Bàn mở tỷ số của Gerrard khiến tất cả như bị kích động. Tôi bị choáng ngợp bởi sắc màu Anh. Họ chiếm đến 70% khán đài, hầu như ai cũng mang theo 1 lá cờ, không trên tay thì khoác vai, phủ trắng Royal Bafokeng. Chính những lá cờ này sau đó được thả rũ theo lan can tầng 2 khán đài và khi nhìn qua tivi, bạn sẽ thấy một đường viền khổng lồ vòng quanh sân, tất cả đều mang hình lá cờ Thánh George.

Bao năm xem bóng đá và cổ vũ Tuyển Anh, buồn và vui nhiều cùng Tam sư, từ EURO ’96, World Cup ’98 hay những thất bại tức tưởi gần đây, điển hình là không thể giành vé dự  EURO 2008, rất nhiều cảm xúc, nhưng không sự kiện nào để lại ấn tượng đặc biệt như ở Royal Bafokeng. Có lẽ, quá “phê” khi được tận mắt xem các thần tượng thi đấu nên dù Mỹ san bằng 1-1, dù Anh bất lực cả hiệp 2, tôi không hề thấy bồn chồn, lo lắng. Tôi vẫn vui, vẫn tin đội bóng của mình sẽ hạ Algeria, hạ Slovenia để vào vòng 2 và sau đó ít nhất là vào chung kết!

Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn