Từ Lũng Cú tới Bạch Long Vĩ: Chuyến tàu đêm đặc biệt

Thời sựThứ Năm, 07/03/2019 07:25:00 +07:00

Dù cách xa về địa lý nhưng Bạch Long Vĩ mang dáng dấp của đất trời Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) – vùng đất địa đầu Tổ quốc đã không chịu khuất phục thiên nhiên khắc nghiệt, hàng ngày bám đá vươn lên, xây dựng phên dậu vững chắc nơi biên cương để giữ non sông liền một dải.

Kỳ I: Chuyến tàu đêm đặc biệt

Mặc dù Tết Kỷ Hợi 2019 đã cận kề nhưng Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân vẫn thu xếp để đoàn phóng viên một số cơ quan báo chí T.Ư và địa phương cùng tham gia chúc Tết cán bộ, chiến sỹ trên đảo Bạch Long Vĩ, bởi lịch trình trước đó phải thay đổi do thời tiết không đảm bảo.

Trong đoàn phóng viên có vài người đã từng tham gia đi các tuyến đảo nhưng với chúng tôi – những người quanh năm gắn bó với các tuyến đường vùng cao như sợi dây thừng vắt bên lưng núi, được trải nghiệm trên sóng nước lênh đênh là một điều đặc biệt.

Sau khi tổ chức gặp mặt các phóng viên tại Lữ đoàn 170 (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), Đoàn chúng tôi do Đại tá Nguyễn Viết Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng I Hải quân làm trưởng Đoàn chuẩn bị vượt trùng khơi trên chuyến tàu HQ-634 khi chiều muộn.

Trời chiều trên bến cảng thành phố Hạ Long đầy thơ mộng. Phía chân trời, những ánh nắng cuối ngày hòa cùng bầu trời xanh khiến nơi đây đẹp lạ kỳ.

1. TAU HQ634 (KTIEN)

 Chuyến tàu HQ-634 rời bến cảng TP Hạ Long mang theo quà và tình cảm từ đất liền ra đảo Bạch Long Vĩ trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. (Ảnh: Kim Tiến)

Bến cảng ngày yên gió đẹp như một bức tranh thủy mặc; được bao quanh bởi những hòn đảo lô nhô nổi lên giữa sóng nước mênh mông và điểm tô bằng cánh chim Hải âu tung cánh giữa trời. Khung cảnh được ví như chốn “bồng lai tiên cảnh”, mang dáng dấp của đất trời Lũng Cú.

Chắc hẳn ai đã từng đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc sẽ không thể nào quên những dãy núi đá điệp trùng; đá giăng thành lũy bảo vệ biên cương. Bởi vậy, có người từng nói “Cao nguyên đá Đồng Văn như Vịnh Hạ Long thu nhỏ” quả không sai.

Trời bắt đầu xẩm tối, sau khi hoàn tất công tác chuẩn bị, Thượng úy Cao Văn Lợi, Thuyền trưởng tàu HQ-634 phát lệnh: Nhổ neo! Tiếng máy rung mặt nước, chân vịt ùng ục dưới gầm tàu. Còi tàu rú 3 tiếng inh tai, báo hiệu ra khỏi bến cảng. Ấn tượng với tất cả chúng tôi khi bước lên tàu đó là sự gọn gàng, sạch sẽ; các phòng ngủ, phòng ăn của thủy thủ được sắp xếp ngăn nắp.

Chỉ sau khoảng 15 phút rời bến, tàu đã vươn sóng, nước hai bên mạn tàu tung bọt, để lại phía sau vệt nước dài trắng xóa; xa xa, thành phố Hạ Long lên đèn, lung linh như muôn ngàn vì sao giữa trời đêm. Đứng trên boong tàu lừng lững rẽ sóng vượt trùng khơi, từng cơn gió biển mặn mòi táp vào mặt khiến ai nấy đều cảm thấy lạnh.

Với chúng tôi, đứng trên tàu vẫy tay chào tạm biệt đất liền bỗng thấy mình giống như một người con xa quê, lòng bâng khuâng đến lạ. Lúc ấy, lại nhớ những chuyến đi cơ sở, vượt núi, băng rừng ngày giá rét. Có lẽ, cái lạnh mang vị biển chẳng khác nhiều so với cái rét “ngọt” nơi miền đá tai mèo.

Chính sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã rèn luyện nên những người lính Biên phòng, lính Hải quân kiên trung, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió để canh giữ bình yên biển, trời quê hương.

2. QUANG CANH DAO (KTIEN)

 Một góc quang cảnh đảo Bạch Long Vĩ. (Ảnh: Kim Tiến)

Ngay từ trước khi tàu nhổ neo, nghe thông báo ăn cơm tối trên tàu, ai nấy đều háo hức, phấn khởi bởi phóng viên của các cơ quan báo chí trong chuyến công tác này hầu hết đi đảo lần đầu nên trải nghiệm bữa ăn trên chuyến tàu giữa muôn trùng sóng vỗ là điều khá thú vị.

Bữa cơm của lính Hải quân có đủ thịt, rau, cá và tràn ngập những câu chuyện vui, chan hòa trong tình đồng chí, đồng đội. Với lính biển, ăn cơm trên tàu là chuyện thường ngày, nhưng chúng tôi gọi đó là bữa cơm… “nghiêng”.

Tàu ra khỏi vịnh, gió thổi mạnh hơn và sóng cũng lớn hơn. Ngoài mạn tàu, sóng vỗ oàm oạp; thân tàu lên xuống dập dềnh; người ngồi ăn cũng đung đưa theo từng đợt sóng. Có những lúc gắp thức ăn bị trượt khỏi đũa, anh em lại nhìn nhau… Cười!

Mấy phóng viên vùng cao tếu vui: Ăn cơm trên tàu cũng giống như người ngồi xe ô tô uống nước trên đoạn đường xóc hay đường cua vậy! Thế mới thấy, gian khổ của người lính Hải quân đâu chỉ ở gió biển mặn mòi và không phải lúc nào cũng sóng yên biển lặng.

Sau bữa cơm tối, quây quần bên ấm nước chè nóng, Thuyền trưởng tàu HQ-634 Cao Văn Lợi kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện của người lính biển.

Anh bảo: Chuyến đi vào thời điểm giáp Tết mà thời tiết đẹp như lần này là hiếm thấy, bởi đây thường là khoảng thời gian gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh, gây khó khăn cho các tàu di chuyển trên biển, nhất là tàu đánh bắt cá của ngư dân.

Có ngày biển động, sóng bạc đầu đánh vào mũi tàu, tràn lên cả boong tàu. Lúc đó, dù trời giá rét, nước biển táp vào rát mặt nhưng các thủy thủ vẫn phải căng mình để điều khiển tàu chạy đúng hướng. Có thể dễ dàng nhận ra những thủy thủ lâu năm, bởi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và nằm ngủ do sóng làm tàu lắc lư nên chỉ cần nhìn vào các khuỷu tay, khuỷu chân hoặc hai bên thắt lưng đều thấy vết chai sần…

Sau hơn 15 giờ vượt biển đêm, chuyến tàu HQ-634 cập Âu cảng Bạch Long Vĩ khi trời chưa kịp sáng. Trong màn đêm tĩnh mịch, đảo Bạch Long Vĩ thấp thoáng ánh đèn sáng hắt ra từ các ngôi nhà và trên những con tàu neo đậu trong cảng, khiến nơi đây trông giống như chòm sao sáng giữa trùng khơi.

Nơi đó, khi Tổ quốc gọi tên, luôn có những người lính Hải quân thầm lặng canh cánh sóng, giữ yên biển, trời cho đất nước trọn niềm vui Xuân mới.

Kim Tiến
Bình luận
vtcnews.vn