Tự Long - Chú cá hề trong bể

Văn hóa - Giải tríThứ Tư, 30/05/2012 02:40:00 +07:00

Nhiều người cứ tưởng Tự Long được phong NSƯT với tư cách một danh hài, nên hỏi anh "Xuân Bắc đâu, sao Xuân Bắc không được?"...

Lúc ở sân khấu hài, Tự Long vui vẻ, "nhí nhảnh” và khuấy đảo bao nhiêu thì trên sân khấu chèo, anh giống như một cốc nước đã lắng mình xuống tới độ trở thành trong vắt, tinh khiết.

Tự Long yêu chèo lắm, nên tôi cứ hình dung thế này, mỗi khi Tự Long diễn hài trên sân khấu thì có một "Tự Long chèo" đã thoát ra ngoài để ngồi xem chính mình. Giống như một gã đã no đủ có thú vui thanh thản ngồi ngắm chú cá hề bơi tung tăng trong bể kính...

Khuôn đất mịn màng

Nếu bảo Tự Long - gã trai quê này là thuộc diện "con nhà" cũng không sai. Bởi vì cha anh - ông Vũ Tự Lẫm là một anh Hai nổi tiếng đất quan họ Bắc Ninh, đã từng đóng vai nam chính bên cạnh NSND Như Quỳnh trong bộ phim "Đến hẹn lại lên". Và mẹ anh, liền chị Hai Phức - một người mà hễ nhắc tới là người ta nhớ ngay đến cặp đôi liền chị Minh Phức - Lệ Ngải nổi tiếng của những canh hát ở làng Lim.

 

Sinh ra trong một gia đình yêu chèo, yêu quan họ, nên việc Tự Long yêu thích nghệ thuật từ nhỏ không là điều lạ. Có điều lạ là cha mẹ cấm đoán không cho anh theo nghệ thuật, Tự Long vẫn không chịu ngồi im. Anh bảo đất Bắc Ninh hình như không chỉ "vượng" về quan họ mà còn rất “vượng” cho những giọng chèo. Xuân Hinh, Quốc Trượng cũng từ đất ấy mà ra, xem họ diễn, thằng bé Tự Long cứ há hốc mồm trước sự "trơn môi" của các bậc đàn anh, và bởi thế mà anh quyết tâm trở thành "Long chèo"...

Long hát chèo hay đến mịn màng, người hát chèo rất thích được khen bởi từ “mịn màng” chứ không phải là “du dương”, hay “ngọt ngào” gì cả. Dùng cái tính từ ấy để khen một giọng hát chèo có lẽ là đắt nhất. Bởi khi nghe những "nhân tài" của đất Bắc Ninh như Xuân Hinh, Quốc Trượng, Tự Long hát, người ta có cảm giác như bàn tay mình đang được ve vuốt một chiếc bình gốm Phù Lãng mịn màng. Mang giọng hát mịn màng ấy ra thiên hạ mà kiếm ăn thì chẳng bao giờ lo đói.

Nhưng Tự Long lại không gặp may, bởi từ lúc anh quyết tâm hiến đời cho chèo, thì chèo bước vào giai đoạn thoái trào. Thế nên đã có lúc Long không tránh khỏi những lúc có cảm giác đời anh đang đi vào ngõ cụt. Bao nhiêu những "khuôn vàng thước ngọc" các bậc thầy trao truyền cho đành xếp lại để đó. Và Tự Long đến với hài.

Trái đã chín muồi

Hôm 27.5 vừa rồi, trong lễ trao Giải thưởng Nhà nước và danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Tự Long rất nghiêm túc trong bộ quân phục với cấp hàm đại úy (anh đang thuộc biên chế của Nhà hát Chèo Quân đội). Nhiều người cứ tưởng Tự Long được phong NSƯT với tư cách một danh hài, nên hỏi anh "Xuân Bắc đâu, sao Xuân Bắc không được?" vì họ đã quen thấy cặp bài trùng này xuất hiện cùng nhau.

Chàng đại úy bẽn lẽn cười và gục gặc cái đầu: "Tôi được danh hiệu cao quý này là vì những huy chương và những năm cống hiến trên sân khấu chèo, chứ không phải vì diễn hài đâu".

Chèo đã không phụ anh. Đã có lúc chạy sô diễn hài vất vả quá, một ý định đã le lói trong anh, hay là mình bỏ quách nhà hát chèo đi, ra ngoài diễn hài cho rảnh, để không còn phải bị bó buộc về thời gian. Nhưng cái máu chèo trong anh vẫn còn cuồn cuộn chảy...

Yêu mến Tự Long, hãy xem anh diễn chèo, vì chỉ ở đó, Tự Long mới chính là Tự Long, không bị lẫn vào bất cứ một người nào khác. Xem Tự Long diễn chèo thấy anh là một con người khác hẳn.

Khi thì anh là một ông Chúa Trịnh bị giằng giật giữa một bên là là bà phi yêu và một bên là tình phụ tử với Quận chúa Ngọc Lan trong “Chuyện người xưa”. Khi thì anh mê muội, biến chất với đại tá Hoàng Trọng Vinh - kẻ bị Bác Hồ đề nghị xử án tử hình trong "Đêm trắng". Có lúc anh lại hóa thân thành Kiều Công Tiễn - một đại gian thần cõng rắn cắn gà nhà, cầu viện quân Thanh, giết chúa phản quốc trong vở "Hùng ca Bạch Đằng giang"...

Qua mỗi vai diễn rất "khoai" ấy, Tự Long cứ chín dần lên. Lúc ở sân khấu hài, anh vui vẻ, "nhí nhảnh” và khuấy đảo bao nhiêu thì trên sân khấu chèo, anh giống như một cốc nước đã lắng mình xuống tới độ trở thành trong vắt, tinh khiết.

Tôi vẫn ấn tượng với phóng sự Tự Long về làng Khuốc (Thái Bình) để học các nghệ nhân chèo, phát sóng cách đây vài năm trên VTV. Lúc ấy anh đã nổi tiếng như một danh hài đắt sô, nhưng trước các nghệ sĩ nông dân, Tự Long vẫn ngoan như một cậu trò nhỏ. Ánh mắt anh hồn nhiên ngây thơ nhìn theo động tác cuốn tay của Nghệ nhân Hà Quang Ngạn, rồi anh nói: "Tôi may mắn vì học thêm được cái phóng khoáng của những nghệ sĩ nông dân nơi đây".

Mai An (Dân Việt)

Bình luận
vtcnews.vn