Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua

Tư liệuThứ Bảy, 16/05/2020 06:24:00 +07:00
(VTC News) -

Nhà sư Shionuma Ryojun là người thứ hai hoàn thành phép tu khắc nghiệt kéo dài 1.000 ngày trong lịch sử 1.300 năm của chùa Kinpusen-ji ở tỉnh Nara.

Ở Nhật Bản có một nghi thức cầu nguyện có tên Goma – tức hộ ma hoả cúng. Đây là hình thức đốt những thanh gỗ có ghi lời cầu nguyện của mọi người để gửi đến thần phật qua ngọn lửa thiêng. 

Thầy Shionuma Ryojun, 51 tuổi, một trong những người thực hiện nghi thức này là Dai-Ajari, giáo phẩm cao nhất dành cho những vị cao tăng hoàn thành phép tu 1.000 ngày leo núi tại các sườn núi ở Nara. Trong lịch sử 1.300 năm của phép tu đầy cam go, gian khổ này chỉ có 2 vị cao tăng thành công. 

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 1

Thầy Ryōjun Shionuma.

“Sau 1 tháng tu khổ hành, ngón tay ngón chân chỉ cần sờ nhẹ thì đã vỡ rồi, qua tháng thứ 3 thì cơ thể tôi tiều tuỵ, thể lực sụt giảm rất nhiều. Tôi đi tiểu ra máu khoảng 1 tuần. Mỗi ngày, tôi phải đi bộ 48km, có những đoạn đường rất nguy hiểm, hoặc có khi phải lên gần đỉnh núi, đường rất xấu nếu mà lơ đễnh sẽ bị ngã lăn xuống vực mấy chục mét, vô cùng gian khổ”, thầy Shionuma nói về 1.000 ngày tu khổ hạnh. Thầy bắt đầu phép tu này lúc 23 tuổi.

Tỉnh Nara cách Tokyo khoảng 400km về phía Tây, tỉnh này có chùa Kinpusen-ji nơi thầy Shionuma tu khổ hạnh. Tu khổ hạnh tiếng Nhật là Shugendo là phép tu đặc biệt của Nhật Bản phát sinh từ sự kết hợp tín ngưỡng miền núi có từ xa xưa với thần đạo, phật giáo…

Người tu khổ hạnh đi sâu vào núi và thực hiện những phép tu nguy hiểm để được giác ngộ, thầy Shionuma tu tập ở vùng núi Omine nơi chùa Kinpusen-ji.

Video: Thầy Shionuma vượt qua thử thách '1000 ngày leo núi'

Từ khoảng 1.300 năm trước vùng núi này được tôn sùng như thánh địa, từ đó đến nay đa số những người tu khổ hạnh, tiếng Nhật gọi là Shugenda khổ luyện tại vùng núi này.

Trong tu khổ hạnh, gian khổ nhất là phép tu Sennichi Kaihogyo, tạm dịch là ‘1.000 ngày leo núi’, theo phép tu này trong khoảng 16 tiếng/ngày, người tu phải hoàn thành chuyến khứ hồi đường núi nguy hiểm 48km, kể cả chuyến leo lên đỉnh núi cao 1.300 mét và phải đi 1.000 ngày như thế.

Núi này mỗi năm chỉ cho phép leo 120 ngày và trong thời gian này, người tu phải leo mỗi ngày, không được nghỉ ngày nào. Như thế, phải mất 9 năm để hoàn thành thử thách vô cùng gian khổ đó.

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 2

Thầy Shionuma Ryojun trong một lần leo núi. (Ảnh: NHK)

Người tu khổ hạnh thì nhiều, nhưng không mấy ai dám đương đầu với thử thách 1.000 ngày leo núi, ly do là phép tu này có giới luật rất nghiêm, nếu bỏ dở chừng sẽ không được tha thứ, có nghĩa là sẽ phải chết.

“Theo phép tu 1.000 ngày leo núi, nếu người tu quyết định bỏ dở nửa chừng thì phải thực hiện nghi thức dùng đoản kiếm mổ bụng hoặc có thể chọn cách thứ 2 là treo cổ bằng dây thừng do người tu mang theo, phải chọn 1 trong 2 cách này.

Luật nghiêm như thế là để mọi người không dám coi thường phép tu này. Đoản kiếm ngắn được mang theo là để khuyến cáo một cách mạnh mẽ”, thầy Shionuma chia sẻ. 

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 3

dai.jpg

Theo phép tu 1.000 ngày leo núi, nếu người tu quyết định bỏ dở nửa chừng thì phải thực hiện nghi thức dùng đoản kiếm mổ bụng hoặc có thể chọn cách thứ 2 là treo cổ bằng dây thừng do người tu mang theo.

Nhà sư Shionuma Ryojun

Thầy Shionuma nói rằng đây không phải là coi thường mạng sống mà là sự nhắc nhở về tầm quan trọng của việc giữ lời hứa với thần phật.

Vì hiểu luật này nên khi bắt đầu phép tu 1.000 ngày leo núi thầy khởi hành lúc 12h30 khuya để có thể trở về trong ngày. Tới năm thứ 5 của phép tu này thầy có nguy cơ phạm giới luật.

“Tôi khởi hành vào buổi sáng ngày 494 với tình trạng đầu óc chập chờn, nửa tỉnh nửa mê, tôi bị sốt cao và hầu như không ăn được gì. Cứ đi vài trăm mét thì tôi phải ngồi xổm, sau đó cứ đi vài chục mét thì tôi lại ngồi như thế.

Tôi nghĩ có lẽ cái ngày định mệnh đã đến, cái ngày mà nếu tôi không tiến lên phía trước được nữa thì chỉ còn con đường duy nhất là rút đoản kiếm mổ bụng, và thế là xong”, lúc đó mắt ông nhắm lại.

Thầy Shionuma thấy hàng loạt hình ảnh lạ lùng và âm thanh của ký ức thời thơ ấu xuất hiện trong tâm trí, giống như đang xem phim.

Đầu tiên, thầy thấy lối tu khổ hạnh mà hồi nhỏ thầy xem trên TV và mong ước một ngày nào đó sẽ trở thành vị cao tăng tuệ giác cao vời để cứu rỗi chúng sinh. Thế rồi khi lên 19 tuổi, thầy rời gia đình quy y tại chùa Kinpusen-ji, ngôi chùa tu khổ hạnh nhiều nhất Nhật Bản với mục tiêu là trở thành cao tăng.

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 4

Thầy Shionuma thực hiện hành trình leo núi 1.000 ngày trong suốt 9 năm.

Từ những âm thanh trong tâm trí đó, thầy lại nghe lời mẹ dạy vào buổi sáng, khi thầy rời nhà quy y tại chùa Kinpusen-ji.

“Hãy nghĩ là con không còn nơi để trở về, vì con theo phép tu 1.000 ngày leo núi trong lối tu khổ hạnh. Từ giờ trở đi con phải trải qua gian khổ như thể đang ăn cát, hãy đứng vững trên đôi chân của mình. Những lời của mẹ vẫn còn trong tâm trí và tôi nghĩ, quả thật mình vừa nghe lại.

Tôi nhận ra mình vẫn chưa từ bỏ tất cả, tôi vẫn chưa đối diện với gian khổ như là ăn cát vì vậy mà tôi bốc ít cát cho vào mồm. Thế rồi thay vì nản chí khiến tôi bị vắt kiệt 99% nghị lực, tôi quyết tâm đứng lên, không thể bỏ cuộc tại đây.

Tôi nhớ từ trước đến nay, nhiều người giúp đỡ tôi và tôi có những ước mơ to lớn cho tương lai, tôi đứng dậy và biết là mình phải tiến về hướng những mơ ước ấy. Tôi hét lớn và lại nhắm mục tiêu là ngọn núi. Hôm đó, cơn sốt và những điều lạ lùng trong đầu tôi giảm dần, thế rồi cơ thể tôi khoẻ mạnh trở lại”, thầy chia sẻ. 

Năm 1999, thầy Shionuma vượt qua phép tu cam go nhất và trở thành vị cao tăng thứ 2 trong lịch sử hoàn thành phép tu 1.000 ngày leo núi, kéo dài 9 năm gian khổ. Lúc đó thầy 31 tuổi.

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 5

Thầy Shionuma là minh chứng cho nghị lực phi thường của con người.

Qua phép tu 1.000 ngày leo núi, thầy Shionuma xây dựng cho mình nghị lực phi thường, khi tu tập trên núi có một giới luật là không được nói chuyện với ai, thầy cho biết trong 9 năm tu tập, thầy cảm thấy vui khi sinh hoạt một mình. Nhưng một bài học của vị sư phụ giúp thầy trở thành như hiện nay.

“Thầy tôi dạy rằng, tu trong xã hội quan trọng hơn tu trên núi, tu trên núi không bị ngoại cảnh chi phối, hành giả càng kiên trì tu tập, bản thân càng được khai sáng, tuệ giác càng rộng mở, nhưng nếu chỉ ở mãi trên núi thì sẽ trở thành tiên, vì thế điều quan trọng đối với một tu sĩ là hãy tái hội nhập vào xã hội để tiếp tục cải thiện bản thân thông qua giao tiếp với đủ hạng người.

Trong quá trình giao tiếp với mọi người, tôi nghĩ về những điều khiến chúng tôi vui nhất. Tôi nghĩ mọi người cảm thấy thoả mãn nhất là sự hoà hợp của con tim thông qua sự tương tác giữa người với người", thầy Shionuma nói. 

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 6

Thầy Shionuma làm nghi thức cầu nguyện tại chùa.

Vì đã đạt đến trình độ này nên năm 2003, thầy Shionuma xây ngôi chùa riêng Jigenji tại Sendai, quê hương thầy và bắt đầu thuyết pháp trên khắp Nhật Bản. Thầy muốn truyền đạt đến mọi người điểm đặc biệt mà thầy trải nghiệm trong 9 năm leo núi, đó là sự nhận thức.

“Khi tâm trí tôi rối bời, nghĩ rằng mình chắc không đi được nữa thì lúc đó một đoá hoa nhỏ chợt hiện ra trước mắt tôi, đoá hoa tuyệt đẹp đó đã nở trong vô thức, có ai đó nhìn thấy và dùng nó để cứu rỗi tâm thân rã rời của tôi.

Nhìn xung quanh, tôi thấy có nhiều đoá hoa nhận thức khác. Những đoá hoa đó không ghen ghét, ganh tỵ nhau vì nở thật đẹp lên không trung, tôi bỗng ngộ ra rằng, con người thấp kém hơn những đoá hoa nhỏ bé này, bản thân cuộc sống vốn vui vẻ, vì thế chúng ta phải sống tích cực, lạc quan, yêu đời. Nếu chúng ta xóa bỏ những tư tưởng bi quan, tiêu cực, tiếp tục sống theo hướng tích cực thì tương lai sẽ tươi sáng hơn”, thầy cho hay. 

Trong 5 năm qua, thầy Shionuma tham gia nhiều buổi thuyết pháp tại New York, Hawaii, Canada... Người nghe hầu hết là dân địa phương, thầy hy vọng nhận thức mà thầy có được trong quá trình tu khổ hạnh sẽ góp phần làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

Bí ẩn thử thách phép tu 1.000 ngày, suốt 1.300 năm chỉ 2 vị cao tăng vượt qua - 7

Thầy Shionuma Ryojun trong một lần thuyết pháp ở New York. (Ảnh: NHK)

“Nhiều người nói lời giảng của tôi giúp họ tiếp tục suy nghĩ và hành động một cách tích cực, nhờ đó đời sống tinh thần của họ được cải thiện. Chúng ta thường ghét nhau khi có điều gì đó khiến mình không hài lòng, nhưng nếu chúng ta thay đổi phần đó thì tính cách của chúng ta sẽ trở nên tốt hơn.

Ở nước ngoài, khi nghe tôi nói như vậy thì mọi người thích thú vỗ tay. Nhiều nền văn hoá và tôn giáo sản sinh từ những vùng khác nhau trên thế giới, mặc dù trong đó có nhiều giáo lý và học thuyết khó nhưng tất cả đều dựa trên nền tảng lòng thương người và cầu nguyện.

Vì thế tôi nghĩ nếu mọi người trên thế giới đến với nhau trên cơ sở đó thì rất tốt. Chúng ta là một phần trong thiên nhiên bao la nên phải cùng sống với thiên nhiên. Do đó, chúng ta hãy suy nghĩ theo điểm nguyên thuỷ này”, thầy chia sẻ. 

Như Ngọc/VOVGT
Bình luận
vtcnews.vn