Từ học sinh trường làng thành GS nổi tiếng thế giới

Tổng hợpThứ Năm, 04/11/2010 08:06:00 +07:00

(VTC News) - Từ một học sinh trường làng, Nguyễn Hồng Thái trở thành tiến sĩ khoa học ở Liên Xô năm 28 tuổi, giáo sư ở Ba Lan năm 33 tuổi.

(VTC News) - Từ một học sinh trường làng, Nguyễn Hồng Thái trở thành tiến sĩ khoa học ở Liên Xô năm 28 tuổi, giáo sư ở Ba Lan năm 33 tuổi.


Học sinh Nguyễn Hồng Thái đoạt huy chương đồng toán quốc tế năm 15 tuổi.

Nguyễn Hồng Thái đoạt huy chương đồng tại Olympiad Toán Quốc tế tại Bucharest, Romania năm 1978. Là học sinh ít tuổi nhất trong tất cả các học sinh được giải (15 tuổi), Thái được Đài Truyền hình quốc gia nước bạn mời đến trường quay. Đứng trước những ngọn đèn cực sáng, Thái vã mồ hôi trả lời các câu hỏi dồn dập về quá trình học toán của mình. Có biết bao điều muốn kể! Nhưng nên bắt đầu như thế nào đây? Thái lúng túng nói: "Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động bình thường như trăm nghìn gia đình khác trên đất nước chúng tôi. Ông nội tôi là một nhà nho nghèo. Cha tôi dạy sử ở trường đại học. Trong gia đình không có ai giỏi toán để kèm cặp tôi. Cuộc sống vật chất, điều kiện để học toán thiếu thốn trăm bề do đạn bom, sơ tán. Nhưng cái mà đất nước tôi không hề thiếu là tình thương. Ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè thương tôi nhiều lắm… Nhà trường bồi đắp kiến thức cho tôi và cho bao bạn trẻ".
 
Hơn một tuổi, cậu bé Thái đã phải sơ tán xa nội thành Hà Nội, về một làng nhỏ dưới chân núi Ba Vì đầy mây trắng bên con sông Đà xa vắng. Đến tuổi đi học, sáng sáng cậu đội mũ rơm, cắp sách đến lớp và chiều chiều đi cắt cỏ, bẻ ngô, hái rau lợn, nhặt củi khô. Mười tuổi, ngớt bom đạn Mỹ, Thái trở về nội thành, vào học lớp 6 (hệ 10 năm).
 
Cuốn nhật ký của Thái còn ghi lại: “10/9/1973: Đi học buổi đầu ở thành phố. Đến nhầm lớp nên không được vào học. Trở về nhà khóc thút thít, nằng nặc đòi bố mẹ cho quay trở lại học trường làng. 15/10: Sau hơn một tháng, vẫn chưa bắt thân được với bạn nào. Bị các bạn gái gọi là “cua đồng” vì quê kệch quá”.
 
Ít ai ngờ “cua đồng” bò nhanh dần và đến năm lớp 7 (lớp 9 hiện nay) trở thành học sinh giỏi toán nhất lớp. Năm sau, Thái thi đỗ vào lớp 8 chuyên toán Trường Chu Văn An nhưng không được nhận vào học vì thiếu những… hai tuổi! Thái khóc sưng cả mắt. Thương tình, thầy Trịnh Thế Vinh - giáo viên chủ nhiệm lớp mới linh động tạm nhận Thái vào học dự thính.
 
Bố là giảng viên sử học, chẳng quen chuyện làm thơ, nhưng vì thương con, bố mới cố “gò” nên mấy câu có vần cho Thái và cậu em trai của Thái dễ nhớ nhập tâm:

 Như mình từ chốn bùn đen
 Các con rồi sẽ vươn lên nắng trời
 Nắng trời đẹp lắm, con ơi
 Đừng quên, con, những quãng đời bùn đen!
 Từ bùn cây sẽ mọc lên
 Nở ngát thơm đóa hoa sen thắm hồng…

Hai tiếng “bùn đen” bố Nghĩa viết ở đây không phải là một biểu tượng ước lệ, mà là sự thật, theo nghĩa đen. Thời trẻ, ông từng phải vừa đi học vừa làm thêm vào buổi chiều việc nắm than quả bàng, hai bàn tay bê bết bùn…
GS. TSKH Nguyễn Hồng Thái.

Sau kỳ thi quốc tế, Thái được cử sang Liên Xô (cũ) học đại học. Anh bảo vệ luận án tiến sĩ năm 26 tuổi. Chỉ hai năm sau, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học - một học vị cao hơn và khó hơn nhiều.
 
Cầm trên tay bản luận án tiến sĩ khoa học của Nguyễn Hồng Thái, tôi không khỏi cảm phục. Công trình dày 350 trang khổ lớn, nghiên cứu một lĩnh vực mới mẻ: Các không gian lý tưởng của hàm véctơ: hình học, nội suy và những ứng dụng cho các toán tử và phương trình phi tuyến.
 
Những người phản biện cho bản luận án của anh đều là những nhà toán học lớn: V. P. Maslov, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô (cũ), Giải thưởng Lenin; M. A. Kranosensky, một trong những vị tổ sư của giải tích phi tuyến, tác giả 15 cuốn sách chuyên khảo được in bằng các thứ tiếng Nga, Anh, Đức… và trở thành sách “gối đầu giường” trong nhiều lĩnh vực khác nhau của giải tích phi tuyến; v.v.
 
“Nguyễn Hồng Thái làm cho tôi hết sức ngạc nhiên bởi vốn hiểu biết sâu rộng về toán học, cũng như tiềm năng sáng tạo và sự hiến dâng nồng nhiệt hết mình cho khoa học.”- GS, TSKH M. A. Kranosensky nhận xét như vậy về con người của nhà toán học Việt Nam trẻ tuổi.
 
Còn về nội dung bản luận án tiến sĩ khoa học của anh, thì các ý kiến phản biện đều nhất trí đánh giá tác giả của nó đã đưa ra “một cách đi mới lạ”, và đã xây dựng thành công “lý thuyết đầu tiên đẹp đẽ cho toán tử đa trị phi tuyến trong không gian hàm”.
 
Cần phải nói thêm rằng học vị doktor nauk (tiến sĩ khoa học) của Nga đòi hỏi rất cao: phải có 10-12 công trình mà tổng hợp lại mở ra một hướng mới trong chuyên ngành khoa học tương ứng. Do đó, hơn nửa thế kỷ qua, rất ít người Việt Nam bảo vệ thành công luận án doktor nauk trước 30 tuổi: Nguyễn Văn Hiệu (26 tuổi), Vũ Đình Cự (29 tuổi), Phan Đình Diệu (29 tuổi), Vũ Kim Tuấn (26 tuổi), Lê Hồng Vân (28 tuổi), Nguyễn Hồng Thái (28 tuổi).
 
Các kết quả ở luận án tiến sĩ khoa học của Nguyễn Hồng Thái đang được ứng dụng trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học tại Moskva, Saint Petersburg, Minsk, Novosibirsk, Voronezh…
 
Sau khi Thái bảo vệ luận án, bố Thái tâm sự, tôi có liên hệ với một số trường đại học và viện nghiên cứu ở trong nước để xin cho Thái một chỗ làm việc, nhưng đều được trả lời: “Cơ quan chúng tôi hiện chưa có chỉ tiêu!” Anh bạn tôi, một giáo sư toán học lão thành, cười thông cảm: “Thầy dạy toán già đời như tôi cũng đang thất nghiệp đây! Năm học này chỉ có ba học sinh nộp đơn thi vào khoa toán trường tôi! Tiến sĩ khoa học cũng đành “ngồi chơi xơi nước” thôi, chứ đào đâu ra sinh viên mà dạy! Hay là ông tạm thời xin việc cho cháu ở nước ngoài?...”. Vừa lúc đó, Ba Lan mời cháu sang làm giáo sư thỉnh giảng. Tôi đành để cháu “xuất ngoại”…
 
Đó là vào thời điểm nước ta chưa thoát khỏi cơ chế bao cấp.
 
Sau bốn năm giảng dạy và nghiên cứu ở Ba Lan, Nguyễn Hồng Thái được nước bạn chính thức công nhận chức danh giáo sư toàn phần (full professor) khi anh mới 33 tuổi.
 
Đạt được học vị tiến sĩ khoa học là một niềm vinh dự cao, nhưng Nguyễn Hồng Thái chỉ coi đó là bước đi vững chắc đầu tiên. Anh không ngơi nghỉ dấn bước trên con đường nghiên cứu toán học, công bố cho đến nay hơn 120 công trình trên các tạp chí quốc tế - một con số đáng nể. Cuốn sách 600 trang khổ lớn của anh Modun hàm số Banach, những ứng dụng cho phương trình phi tuyến và đa trị được nhiều nhà toán hoc Mỹ, Nga, Đức, Ý, Belarus…đánh giá cao.
 
Anh đã hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh Ba Lan viết luận án tiến sĩ và làm tư vấn cho một số người khác viết luận án tiến sĩ khoa học. Anh cũng đã cộng tác với Viện sĩ A. Khokholov người Nga xây dựng Mô hình toán học cho các hệ polymer tinh thể không thuần nhất về hướng và về sự phân bố trong không gian.
 
Anh mơ ước trở thành một nhà sinh học lý thuyết lỗi lạc về polymer sinh vật, tiến tới xây dựng một lý thuyết toán học đủ chính xác và tường minh cho sinh học phân tử trong một vài thập niên đầu của thế kỷ 21. Anh muốn tạo đựơc một đột phá trong chuyên ngành toán học mà mình chuyên sâu và để lại dấu ấn không phai mờ như GS Hoàng Tuỵ đã để lại được trong ngành tối ưu toàn cục.
 
Mấy năm gần đây, anh thường được một số trường đại học ở Mỹ, Tây Âu, Trung Quốc… mời làm giáo sư thỉnh giảng.
 
Hoạt động khoa học của anh rất sôi nổi và đa dạng. Thế nhưng, anh vẫn dành thời gian tham gia đội bóng đá nhà trường. Cao 1,72 mét, nặng 70 kg, Nguyễn Hồng Thái đang sung sức…
 
Và, dù sống và làm việc ở phương trời nào, nhà toán học ấy vẫn luôn hướng về nguồn cội. Người vợ yêu của anh vẫn sống tại Hà Nội và năm nào anh cũng sắp xếp thời gian về nước làm việc, sum họp gia đình vài ba tháng.

Hàm Châu
 Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.

Bình luận
vtcnews.vn