Từ FIFA tới V-League: Thật thà hết đất sống

Thể thaoThứ Ba, 26/03/2013 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Có vẻ như nhiều người đang cố biến bóng đá thành một môn thể thao chứa đựng các yếu tố: ma mãnh, lừa dối, bịp bợm…

(VTC News) - Có vẻ như nhiều người đang cố biến bóng đá thành một môn thể thao chứa đựng các yếu tố: ma mãnh, lừa dối, bịp bợm…

Bóng đá có đẹp tựa thiên thần thế này? 

Mourinho không chỉ là người đặc biệt, hơn thế, ông ta là người đặc biệt và nổi tiếng. Vẫn biết Mourinho lắm chiêu trò nhưng người ta không tin ông này lại đi “đánh bóng” bản thân bằng chuyện tố FIFA gian lận trong cuộc bầu chọn HLV xuất sắc nhất năm 2012.
Vụ việc trở lên hấp dẫn hơn khi thủ quân tuyển Macedonia là Goran Pandev vào hùa khi nghi ngờ lá phiếu của mình bị giả mạo. Lời qua tiếng lại, FIFA tung ra bằng chứng là lá phiếu của Pandev trái ngược với cáo buộc của anh này. 

Phía “thân” Mourinho quả quyết chữ ký của Pandev là giả. Mới nhất thì trên mạng xã hội Twitter, Pandev lại tỏ ý xin lỗi FIFA vì nhớ “nhầm”. Vấn đề không ai biết chắc là Pandev trên Twitter với Pandev ở ngoài đời có phải là một hay lại là một câu chuyện…giả khác.

Thực tế thì FIFA cũng chẳng phải là tổ chức “siêu sạch” gì cho cam. Cũng đã có nhiều cáo buộc gian lận về bầu cử chức Chủ tịch FIFA, cáo buộc vể chuyện “mua phiếu” đăng cai World Cup cũng như mấy chuyện chẳng hay ho gì về chuyện bình chọn Quả bóng vàng hay HLV xuất sắc nhất.

Khi “nghi án” FIFA chưa qua, thì lại đến “nghi án” dàn xếp kết quả bốc thăm Champions League của UEFA .

 Cách MU phản ứng với trọng tài Cakir càng minh chứng cho tính chất căng thẳng, ăn thua của bóng đá hiện đại

Ông trọng tài người Thổ Nhĩ Kỳ có tên Ahmet Cakar (hy vọng không liên quan gì đến ông đồng hương Cuneyt Cakir – người từng bị “ném đá” tơi bời sau trận Manchester United – Real) đã nghỉ hưu. Vì đã nghỉ hưu nên ông có thể… nói thẳng nói thật. Và cũng vì đã nghỉ hưu nên ông Ahmet Cakar rảnh tới mức tố cáo UEFA dàn xếp các kết quả bốc thăm tại hai giải đấu cấp CLB lớn nhất của bóng đá Châu Âu. 
Để chứng minh kết quả bốc thăm hoàn toàn có thể dàn xếp từ trước, ông Ahmet Cakar đã chỉ ra mánh khóe là UEFA đã dùng những quả bóng bốc thắm gắn một thiết bị điện tử cảm biến rung. Những quả bóng có lá thăm của các CLB mạnh sẽ được cài chế độ rung đặc biệt, còn các CLB được đánh giá không mạnh sẽ được gắn một chế độ rung khác…

Ở Việt Nam, những chiêu trò này được gọi với cái tên ngắn gọn “cờ bạc bịp”.
Bóng đá hiện đại, khi đã biến thành một nghành công nghiệp không khói và hái ra tiền thì tính trung thực đã ngày càng trở nên là một thứ xa xỉ.
 Ban đạo đức VPF không kiên quyết trong vụ tiêu cực ở siêu cúp Quốc gia

Điều tai hại ở chỗ, tất cả những điều trên đã mang đến một quan niệm mới: sự bịp bợm, lừa lọc là một trong những yếu tố “buộc phải có” trong bóng đá và thay vì loại trừ người ta buộc phải vui vẻ sống chung với nó.

Bởi thế ở Việt Nam, một nơi rất xa FIFA lẫn UEFA thì câu chuyện “bóng đá sạch” vẫn mang hơi hướng viễn tưởng. Thậm chí, ở một trận đấu như Siêu cúp QG, khi đã có manh mối về chuyện một đội bóng “có vấn đề” thì chính cơ quan điều tra lại “rất sốt ruột” vì không thấy những nhà quản lý bóng đá có động thái gì hơn.

Và lấy độc trị độc, có lẽ lại là câu chuyện “nên hay không” có cá cược thể thao hợp pháp ở Việt Nam. Lý luận là “đã có thể đặt cược vào môn thể thao… của chó (đua chó) thì cũng có thể đặt cược vào môn thể thao của người” xem chừng cũng đơn giản quá.

Thực tế, cũng như trò xổ số được ưa thích vì quá trình quay số phải là quá trình trung thực và minh bạch.

Và cuối cùng cũng có thể là một câu chuyện buồn được báo chí đăng tải: cầu thủ Việt kiều Michal Nguyễn gần như không thể chơi bóng ở V.League vì đã quá thật thà khai mức lương của mình ở CH Czech chỉ tương đương 10 triệu đồng.

V.League chưa sẵn sàng cho điều như vậy và anh chàng Việt kiều sẽ mang sự thật ấy về CH Czech.
  
Có lẽ nào, bóng đá nói chung, nhìn từ nơi cao nhất là FIFA cho tới chỗ thấp nhất là V.League vẫn không phải là mảnh đất cho trung thực, thật thà?
Hãy trả bóng đá lại đây!


Song An (Thể thao 24h)

Bình luận
vtcnews.vn