Tư duy phát triển đô thị phải như nồi cơm Thạch Sanh

Kinh tếThứ Bảy, 10/11/2018 07:54:00 +07:00

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục cho rằng, để giải quyết bài toán áp lực gia tăng dân số tại khu vực nội đô hiện nay thì phải tư duy như nồi Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất.

Cuối giờ chiều qua (10/11) đã diễn ra buổi Tọa đàm Cafe Xanh về chủ đề: Đô thị Xanh & Con người Xanh. Vấn đề phát triển đô thị làm sao để không tăng áp lực về dân số được các diễn giả tranh luận sôi nổi.

thuc

Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục. (Ảnh: Ngọc Vy).

Theo Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, bài toán về áp lực dân số tại các khu vực đô thị hiện nay đang ngày càng căng thẳng. Nhiều ý kiến cho rằng nên dùng hộ khẩu, chính sách để cản trở sự di dân vào đô thị.

"Tôi cho rằng đó không phải là giải pháp hay. Tại sao phải ngăn người dân di cư vào đô thị khi họ có thể đóng góp rất nhiều cho đô thị đó.

Ví dụ như ở Anh, những người di cư vào thành phố đóng góp 40% GDP cả nước. Thực tế là, con người cũng có mưu cầu hạnh phúc, ở đâu có cơ hội phát triển, cơ hội việc làm tốt hơn họ sẽ đến là lẽ dĩ nhiên. Tại sao lại ngăn họ? Vậy vấn đề nằm ở đâu?", bà Thục đặt câu hỏi.

Theo bà, để giảm dân số, một là quản lý đô thị theo đặc thù của thành phố.

Chẳng hạn đặc thù của khu phố Cổ, khu phố Pháp... liên quan đến lịch sử; hay đặc thù của ngoại vi, liên kết với khu nông nghiệp thì khác, công nghiệp thì khác.

Ngoài ra, khi chúng ta phát triển vành đai xanh, không gian xanh thì chúng ta cần gì phải vào trung tâm như Hồ Gươm? Đây chính là sự giãn dân tự nhiên theo cơ thể của đô thị tốt đẹp.

45763810_514951425684317_7062583233006796800_n

 Phát triển đô thị xanh là một trong những giải pháp để giảm áp lực dân số. (Ảnh: Ngọc Vy).

Ở Singapore, họ phá hủy cả trung tâm để xây dựng ngoại vi, giải tỏa những nhà ổ chuột nghèo nàn ở trung tâm, chúng ta lại đang đi ngược với điều đó.

"Nhà đầu tư giờ khổ vô cùng, họ không có tiếng nói. Vấn đề giờ là thay đổi tư duy đô thị. Không phải cứ đất nông nghiệp là chúng ta đến, vì nông nghiệp là khí thở của chúng ta. Đô thị có tính chất liên kết, giống như cơ thể, có cả gan, tim, phổi... do đó không ai có thể bảo bỏ bộ phận nào", Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục nói.

Vấn đề là quản lý chức năng cần bắt buộc các nhà đầu tư phải đi vào tiện ích của người dân, dịch vụ kết nối, không gian mở,...

Video: Những lưu ý khi mua nhà đất

Thứ hai, nhà đầu tư phải tạo ra được tư duy đột phá mà tôi nghĩ vành đai xanh là việc làm cực kỳ cần thiết. Tư duy đô thị phải như nồi cơm Thạch Sanh để cho nhiều người cùng được ăn, được sống tốt nhất.

Muốn có công trình xanh, đô thị xanh thì chính sách phát triển phải đúng. Quy hoạch là công cụ được áp dụng sau. Về mặt tư duy, quy hoạch đáng nhẽ ra chỉ đến từng mảnh đất chứ không phải cả vùng như bây giờ.

"Tôi mong ước có tư tưởng đột phá cho đô thị Việt Nam, chứ không giẫm lên nhau rằng người ở tỉnh này, người ở tỉnh khác", bà Thục nhấn mạnh.

Để phát triển được các khu đô thị xanh, theo ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư Ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhà nước cần có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp làm công trình xanh.

"Tôi cho rằng, nếu làm công trình xanh sẽ được rất nhiều lợi ích và cộng đồng sẽ được hưởng lợi ích đó. Từ đó, nhà nước sẽ có những khuyến khích để nhà đầu tư làm công trình xanh. Nhà nước phải nhắm đến đơn vị nào đầu tư xanh thì ưu tiên cho bên đó.

Nhà nước cần có nhiều chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng công trình xanh. Ngay chính sách vay, hình thức vay cũng cần tạo ra cơ chế thông thoáng cho các nhà đầu tư. Một điều nữa là pháp luật cũng phải bắt buộc, có những khu vực cấp cho 20 ha chẳng hạn, quy định 5 - 7% xây dựng phải đạt tiêu chí công trình xanh. Không phải thích thì xây, không thích thì thôi", ông Chiến nhấn mạnh.

>>> Đọc thêm: Bên trong căn hộ rẻ nhất Hà Nội có gì?

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn