Từ chiến trường Khu V: Nghe và viết tin cho Đài Phát thanh Giải Phóng

Thời sựThứ Sáu, 07/09/2018 08:42:00 +07:00

Những bản tin chiến sự nóng hổi được gửi ra biên tập, phát trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam đã có tác động tinh thần lớn lao.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đài Phát thanh Giải Phóng (mật danh là CP90) đã đóng góp quan trọng trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam.

Các cán bộ, phóng viên kỹ thuật viên ra đi từ “Mái nhà chung” 58, Quán Sứ, Hà Nội vào chiến trường miền Nam viết tin bài gửi về đất Bắc, hoặc xây dựng Đài Phát thanh Giải Phóng địa phương.

Từ chiến trường khu 5, những bản tin chiến sự nóng hổi được gửi ra biên tập, phát trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam đã có tác động tinh thần lớn lao với chiến trường khói lửa. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng những cán bộ trở về từ chiến trường năm xưa vẫn nguyên vẹn tình yêu đối với làn sóng Tiếng nói Việt Nam.

nguyen_dinh_an_vov_yybo

Ông Nguyễn Đình An, Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng, nguyên cán bộ phụ trách báo Quảng Đà. 

Đến bây giờ, bà Nguyễn Thị Anh Trang, người đầu tiên đọc bản tin giải phóng Đà Nẵng trên Đài Phát thanh Đà Nẵng vẫn nhớ như in những kỷ niệm làm báo phát thanh ở chiến trường Khu 5 ác liệt.

Bà Anh Trang kể: Năm 1973, bà được phân công vào chiến trường với nhiệm vụ là phóng viên của Đài Phát thanh Giải Phóng phản ánh tinh thần chiến đấu, nổi dậy đánh chiếm căn cứ địch, mở rộng vùng giải phóng của bộ đội và nhân dân Quảng Nam.

Hình ảnh những cô giao liên nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn dũng cảm ghi dấu ấn đậm nét nhất trong tim người phóng viên chiến trường.

Bà Trang nhớ lại: Sau khi viết xong tin bài, người viết bỏ vào phong bì và tùy theo mức độ khẩn cấp mà đề nghị giao liên chuyển đi. Nếu phong bì có ghi “hỏa tốc” thì giao liên phải chạy bộ từ những vùng ven giải phóng để chuyển về Ban Biên tập ở Khu ủy Khu 5, sau đó được chuyển ra Hà Nội để phát trên Đài Tiếng nói Việt nam.

Theo bà Trang, chính nhờ vậy mà khí thế tấn công, nổi dậy của quân và dân Quảng Nam được chuyển đi kịp thời và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, làm nức lòng quân dân cả nước.

“Những năm tháng đó cực kỳ vất vả. Nhưng là một phóng viên ở trên mặt trận lúc nào cũng nghĩ rằng mình phải hoàn thành nhiệm vụ, là phải đưa cho được tinh thần của bà con nhân dân ở vùng giải phóng lúc nào cũng hướng về cách mạng. Và đó là một niềm vui, một niềm cổ vũ động viên đối với người phóng viên lăn lộn với gian khổ”, bà Trang nhớ lại.

Cùng thời với bà Anh Trang, Nhạc sĩ Trần Hồng, nguyên phóng viên văn nghệ, Đài Phát thanh Giải Phóng nhớ mãi những tin bài phát thanh phải vượt qua bom đạn mới đến được Ban Tuyên huấn Khu ủy Khu 5.

Sau khi qua kiểm duyệt, mới được truyền về Hà Nội bằng mật mã morse để phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Gian khổ, thiếu thốn đã rèn luyện cho những nhà báo phát thanh ở chiến trường khu 5 có sức chịu đựng bền bỉ, tính cẩn thận trong chuyên môn.

Suốt những năm ở chiến trường, ông Trần Hồng miệt mài sưu tầm, ghi chép cẩn thận những điều tai nghe mắt thấy. Nhờ vậy, sau 25 năm về hưu, ông đã xuất bản 15 đầu sách về văn nghệ dân gian. Trong đó có tác phẩm đạt Giải thưởng Nhà nước của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như “Âm nhạc kịch dân ca”; “Nhạc đàn dân ca”.

tran_hong_vov_ubby

Nhạc sĩ Trần Hồng, Nguyên phóng viên văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng. 

Đến bây giờ những kỷ niệm khi tác nghiệp trên chiến khu trong lòng nhạc sĩ Trần Hồng vẫn còn nguyên vẹn.

“Hồi trên núi xuống đồng bằng, ban đêm đi công tác ban ngày nấp dưới hầm. Các mẹ chị xuống hầm nuôi mình, mình khơi gợi các bà già hát bài chòi cho mình nghe, hát hò khoan, dân ca Quảng Nam, nói vè Quảng, nhất là hát sắc bùa, ghi chép rất nhiều. Sau này, in thành tập sách hát sắc bùa. Những sưu tầm được đã in thành quyển dân ca Quảng Nam, dân ca Quảng Ngãi, dân ca Bình Định”, nhạc sĩ Trần Hồng kể.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng, nguyên cán bộ phụ trách Báo Quảng Đà cho biết, những năm 1966 đến 1970, trên chiến trường Khu 5 đầy gian khó, Đài Phát thanh Giải Phóng như tiếp thêm nguồn động lực cho đồng bào, chiến sĩ.

Những ngày đói cơm lạt muối, khi làm rẫy, lúc lên rừng, ông đều mang theo chiếc radio để nghe Tiếng nói Việt Nam.

Chiến tranh ác liệt như vậy nhưng ông còn nghe cả nhạc giao hưởng, nghe kỹ từng làn điệu dân ca.

Qua Đài Phát thanh Giải Phóng, ông vơi bớt nỗi nhớ quê nhà. Khi cơ quan Báo Quảng Đà đóng trong nhà dân, người dân ở chiến khu cũng cùng nghe Đài với cán bộ.

Theo ông Nguyễn Đình An, Đài Phát thanh Giải Phóng lúc đó như một chính trị viên, lúc lại như một đoàn văn công.

Ông rất tự hào khi các bản tin mình viết được phát trên Đài phát thanh Giải phóng.

“Làm cái tin rồi mình điện cho Đài Phát thanh Giải Phóng hay là điện cho Hà Nội, vừa mới điện xong buổi sáng, buổi trưa đã nghe phát rồi nên phấn khởi lắm. Thấy như mình được ghi nhận được cổ vũ. Lúc bấy giờ thông tin tiếp nhận được chủ yếu là do Đài, sinh hoạt tinh thần cũng nhờ Đài”, ông An nói.

Còn ông Trần Thận, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, năm nay đã bước qua tuổi 95. Ông vẫn còn nhớ ngày 17/7/1966, Bác Hồ đọc lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập tự do" trên Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam.

Sau 2 mùa khô ác liệt trên chiến trường Khu 5 và 2 năm Mỹ đánh phá miền Bắc, rải bom vùng giải phóng, lời kêu gọi của Bác như một mệnh lệnh đấu tranh cho chân lý.

tran_than_vov_xtuq 3

Ông Trần Thận, Nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà luôn gắn bó với Tiếng nói Việt Nam. 

Ông Trần Thận nhớ lại, khi nghe Bác Hồ ra lời kêu gọi, ông đã viết lại tin chậm rồi phổ biến cho cán bộ chiến sĩ Khu ủy Quảng Đà. Sau đó, Đặc khu ủy ra Nghị quyết phát động tất cả những nhà dân vùng giải phóng đều in câu khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Mỗi cán bộ chiến sĩ Quảng Đà đều có câu khẩu hiệu này đeo trên ngực. 

“Tôi viết lại tin chậm để phổ biến cho tất cả cán bộ chiến sĩ, bất chấp địch càn quét đánh phá gì người dân cũng đoàn kết một lòng tiến lên giành độc lập, tự do. Nghe Đài Phát thanh Giải Phóng luôn, lúc nào rảnh thì nghe thôi. Có chuyện hàng ngày của mình đánh Mỹ, đánh Mỹ ở miền Nam tin tức thắng lợi”.

Những cán bộ chiến sĩ năm xưa trên chiến trường khu 5 ác liệt, hiện nghỉ hưu tại Đà Nẵng nay đã tuổi cao sức yếu. Ai cũng có chung niềm vui trước sự phát triển không ngừng của Đài Tiếng nói Việt Nam trên mọi phương diện. Trong tim họ vẫn nóng hổi tình yêu Tiếng nói Việt Nam.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn