Từ 1/6, phí bảo trì đường bộ thu bao nhiêu?

Kinh tếThứ Năm, 05/04/2012 07:12:00 +07:00

(VTC News) - Theo Dự thảo Thông tư vừa hoàn thành Quỹ bảo trì đường bộ sẽ bắt đầu thu từ 1/6/2012, với ô tô sẽ chia làm 8 mức thu, với mô tô chia thành 4 mức.

(VTC News) - Theo Dự thảo Thông tư vừa được Bộ Giao thông vận tải hoàn thành, Quỹ bảo trì đường bộ sẽ bắt đầu thu từ 1/6/2012, với ô tô sẽ chia làm 8 mức thu, cao nhất lên đến gần 17 triệu đồng/năm; xe máy là chia làm 4 mức thu.

>> Bộ trưởng Thăng: 'Tôi không sợ tín nhiệm cao hay thấp'>> Bộ GTVT giải thích về Quỹ bảo trì đường bộ
>> Bộ trưởng Thăng: Chưa thu phí xe trong năm nay

Nếu được Bộ Tài chính chấp thuận và ký ban hành, thì đây sẽ là khung cơ sở để thực hiện thu Quỹ bảo trì đường bộ từ ngày 1/6 tới.

Mức cao nhất với ô tô là hơn 1 triệu đồng/tháng

Theo đó, mức thu với ô tô sẽ căn cứ theo số ghế ngồi trên xe (tính cả ghế lái) hoặc số trọng tải của xe (tính trọng lượng toàn bộ của xe) Bộ Giao thông vận tải chia thành 8 mức thu. Nếu các chủ phương tiện nộp phí cho kỳ đăng kiểm trên 6 tháng sẽ được chiết giảm với giá trị phí đã nộp từ tháng thứ 7 trở lên là 12%/năm. Cụ thể:

Nhóm 1: Xe chở người dưới 10 chỗ; xe tải (cả xe 4 bánh gắn động cơ 1 xi lanh), rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ dưới 4.000 kg mức thu theo các tháng là: 180.000 đồng/1 tháng; 540.000 đồng/3 tháng; 1.080.000 đồng/6 tháng; 2.090.000 đồng/12 tháng; 2.980.000 đồng/18 tháng; 3.990.000 đồng/24 tháng; 4.880.000 đồng/30 tháng.

Ô tô sẽ được chia làm 8 nhóm, với mức thu thấp nhất là 180.000 đồng/1 tháng và cao nhất là 1.044.000 đồng/1 tháng.
Nhóm 2: Xe chở người từ 10-24 chỗ; xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng trọng lượng toàn bộ từ 4.000kg đến dưới 8.500kg; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân dưới 8.500kg mức thu là: 270.000 đồng/1 tháng; 810.000 đồng/3 tháng; 1.620.000 đồng/6 tháng; 3.140.000 đồng/12 tháng; 4.470.000 đồng/18 tháng; 5.990.000 đồng/24 tháng; 7.510.000 đồng/30 tháng.

Nhóm 3: Xe chở người từ 24-40 chỗ; xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng trọng lượng toàn bộ từ 8.500kg đến dưới 13.000kg; xe đầu kéo có trọng lượng bản thân từ 8.500kg trở lên mức thu là: 396.000 đồng/1 tháng; 1.180.000 đồng/3 tháng; 2.376.000 đồng/6 tháng; 4.600.000 đồng/12 tháng; 6.560.000 đồng/18 tháng; 8.790.000 đồng/24 tháng; 11.020.000 đồng/30 tháng.

Nhóm 4: Xe chở người 40 chỗ trở lên; xe tải, rơ moóc và ô tô chuyên dùng trọng lượng toán bộ từ 13.000kg đến dưới 19.000kg mức thu là: 590.000 đồng/1 tháng; 1.770.000 đồng/3 tháng; 3.540.000 đồng/6 tháng; 6.860.000 đồng/12 tháng; 10.180.000 đồng/18 tháng; 13.500.000 đồng/24 tháng; 16.820.000 đồng/30 tháng.

Nhóm 5: Xe tải, rơ moóc và ô tô chuyên dùng trọng lượng toàn bộ từ 19.000kg đến dưới 27.000kg mức thu là: 720.000 đồng/1 tháng; 2.160.000 đồng/3 tháng; 4.320.000 đồng/6 tháng; 8.380.000 đồng/12 tháng; 12.440.000 đồng/18 tháng; 16.500.000 đồng/24 tháng; 20.560.000 đồng/30 tháng.

Nhóm 6: Xe tải, rơ moóc và ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên mức thu là: 1.440.000 đồng/1 tháng;  4.320.000 đồng/3 tháng; 8.640.000 đồng/6 tháng; 16.760.000 đồng/12 tháng; 24.880.000 đồng/18 tháng; 33.000.000 đồng/24 tháng; 41.120.000 đồng/30 tháng.

Nhóm 7: Sơ mi rơ moóc có trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên mức thu là: 720.000 đồng/1 tháng; 2.160.000 đồng/3 tháng; 4.320.000 đồng/6 tháng; 8.380.000 đồng/12 tháng; 12.440.000 đồng/18 tháng; 16.500.000 đồng/24 tháng; 20.560.000 đồng/30 tháng.

Nhóm 8:
Sơ mi rơ moóc trọng lượng toàn bộ từ 27.000kg trở lên mức thu là: 1.044.000 đồng/1 tháng; 3.120.000 đồng/3 tháng; 6.240.000  đồng/6 tháng; 12.100.000 đồng/12 tháng; 17.960.000 đồng/18 tháng; 23.820.000 đồng/24 tháng; 29.680.000 đồng/30 tháng.

Với mô tô, xe máy được chia làm 4 nhóm theo dung tích xi lanh, Thông tư sẽ chỉ đưa ra khung mức thu, còn số thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Khung mức thu cụ thể:

Với mô tô có dung tích xi lanh dưới 70cm3 mức thu từ 80.000-100.000 đồng/năm; Loại có dung tích xy lanh từ 70cm3 - 100cm3 là từ 100.000-120.000 đồng/năm; Loại có dung tích xi lanh trên 100cm3 - 175cm3 là từ 120.000-150.000 đồng/năm; Loại có dung tích xi lanh trên 175cm3 là 150.000-180.000 đồng/năm.

Mức thu cụ thể sẽ do Bộ Tài chính quy định và thông qua trong thời gian tới.

Một năm thu về 6.000 tỷ đồng

Theo số liệu tính toán của Bộ Giao thông vận tải, ô tô chạy trung bình mỗi ngày từ 80-100km, sử dụng 22 ngày/tháng, mức trung bình chạy/tháng là 1.800 km.

Quỹ bảo trì đường bộ chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu bảo trì Quốc lộ, và 70% cho đường địa phương. Ảnh minh họa Internet.
Như vậy, với đề xuất trên, trung bình mức thu xe con khoảng 100 đồng/km (khoảng 180 nghìn đồng/tháng). Với mức thu đó, hàng năm sẽ thu được qua đầu phương tiện ô tô khoảng 4.600 tỷ đồng, xe máy 1.600 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí tổ chức thu, dự kiến số phí sử dụng được chuyển vào quỹ khoảng 6.000 tỷ đồng/năm.

Dù vậy, theo Bộ Giao thông vận tải, số thu trên cộng với kinh phí ngân sách Nhà nước cấp hàng năm cũng chỉ đáp ứng được gần 80% nhu cầu bảo trì Quốc lộ, và 70% cho đường địa phương.
 
Về tác động của việc thu phí, Bộ Giao thông vận tải đánh giá khi thu phí sẽ làm tăng chi phí trong giá thành vận tải từ 1,5-2%. Đổi lại, chất lượng đường sẽ tốt hơn, giảm thiểu ùn tắc...

Việc thu phí bảo trì đường bộ với ô tô sẽ được thực hiện thu trực tiếp theo đầu phương tiện theo chu kỳ đăng kiểm cấp giấy kiểm định chất lượng và bảo vệ môi trường. Cơ quan kiểm định sẽ chịu trách nhiệm thu.

Trường hợp phương tiện chậm kiểm định, hoặc kiểm định trước thời điểm thu sẽ bị truy thu phí sử dụng đường bộ vào lần kiểm định kế tiếp.

Các xe ô tô Quốc phòng, Công an giao cho Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức thu và nộp về tài khoản của Quỹ bảo trì Đường bộ Trung ương. Trường hợp xe ô tô nước ngoài tạm nhập, cơ quan hải quan căn cứ chủng loại để thu hoặc ứng xử theo Hiệp định Vận tải Đường bộ (nếu có) với nước có ô tô tạm nhập.

Với mô tô sẽ giao cho các địa phương thực hiện thu.
 
Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn