TS Nguyễn Sĩ Dũng: 'Quản trị nhân lực công' - giải pháp chống chạy chức, chạy quyền

Thời sựThứ Năm, 03/10/2019 06:38:00 +07:00

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phân tích về ''quản trị nhân lực công'' trong công tác cán bộ để chống chạy chức, chạy quyền.

Khái niệm “công tác cán bộ” ở ta tương ứng với khái niệm “quản trị nhân lực công” ở nhiều nước trên thế giới. Nguồn nhân lực của một nước thường được chia thành nhân lực công và nhân lực tư. Nhân lực công phục vụ đời sống công; nhân lực tư phục vụ đời sống tư.

Đã là một quốc gia-dân tộc, là một cộng đồng dân cư, thì đời sống công là rất quan trọng. Không có đời sống công, không thể có quốc gia-dân tộc, không thể có cộng đồng.

nguyen sy dung

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Nhân lực công được chia thành bốn loại: loại thứ nhất là các chính khách (politicians); loại thứ hai là các công chức (civil servants); loại thứ ba là các viên chức (public servants); loại thứ tư là các thẩm phán (judges).

Các chính khách là nguồn nhân lực cao cấp nhất và có lẽ cũng quan trọng nhất. Đây là những người cung cấp cho đất nước tầm nhìn, chiến lược phát triển, chính sách và pháp luật. Đây là những người cảm nhận được thời đại, cảm nhận được lòng người và dẫn dắt được quần chúng.

Họ thường là những nhà lãnh đạo của Đảng, của các tổ chức quần chúng-nhân dân. Được lựa chọn thông qua bầu cử, nên họ phải trong sạch, phải được mến mộ, phải có một hình ảnh công chúng hấp dẫn và lôi cuốn.

Các chính khách là những người nắm giữ các chức vụ cao cấp của Nhà nước, bao gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Nước; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng; các vị đại biểu dân cử; các Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và các thành viên UBND.

Cơ chế để tuyển chọn những chính khách tài giỏi chính là tranh cử. Tranh cử cũng chính là cách thức để chống chạy chức, chạy quyền ở đây.

Các công chức là nguồn nhân lực không kém phần quan trọng. Đây là những người vận hành thể chế và thực thi pháp luật. Họ là những người bảo đảm cho quyền lực công được thực thi trên thực tế (họ không có quyền ban hành chính sách, pháp luật, nhưng sẽ bảo đảm cho chính sách, pháp luật được thực thi trung thực, khách quan và hiệu quả).

Các công chức này không chỉ nắm rất vững pháp luật trong lĩnh vực mình phụ trách, mà còn khả năng áp dụng pháp luật rất nhanh chóng, hiệu quả để xử lý những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Các cơ quan quyền lực công mà các công chức này làm việc là cảnh sát, hải quan, thuế vụ…

Một số công chức không trực tiếp thực thi quyền lực công, nhưng lại đảm trách việc vận hành thể chế.

Ví dụ, công chức của Văn phòng Quốc hội mới là những người hiểu biết sâu sắc nhất về việc tổ chức một phiên họp toàn thể của Quốc hội thì phải như thế nào? Tổ chức một phiên điều trần của Ủy ban thì phải ra làm sao? Ở nghĩa này, công chức chính là bộ nhớ của thể chế.

Đây cũng là lý do tại sao công chức được tuyển dụng theo biên chế, chứ không phải theo chế độ hợp đồng. Để bảo đảm chất lượng của nguồn nhân lực này, thì công chức phải được tuyển chọn thông qua việc thi tuyển quốc gia.

Truyền thống khoa bảng chính là nền tảng để lựa chọn các công chức và cũng chính là cách thức để chống chạy chức, chạy quyền ở đây.

Video: Hà Nội sẽ quán triệt tình thần "chống chạy chức, chạy quyền"

Viên chức là những người cung cấp các dịch vụ công. Họ là những nhà chuyên môn, hiểu biết và có kỹ năng cung cấp dịch vụ công theo chuyên môn của mình. Số lượng viên chức nhiều hay ít phụ thuộc vào việc các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp lớn đến đâu.

Thông thường y tế và giáo dục là hai lĩnh vực có lực lượng viên chức lớn nhất. Cơ chế tuyển chọn viên chức là ký hợp đồng trên cơ sở thi thuyển công khai. Đây cũng chính là cách thức để chống chạy chức chạy quyền ở đây.

Thẩm phán là nguồn nhân lực công được nhắc đến cuối cùng hoàn toàn không phải vì đây là nguồn nhân lực ít quan trọng. Đây là nguồn nhân lực quan trọng không kém gì các chính khách. Lý do là vì các thẩm phán cung cấp công lý cho người dân.

Không có công lý cuộc sống không thể tốt đẹp, xã hội không thể ổn định và hài hòa. Đối với các thẩm phản, liêm chính và tinh thần phụng sự công lý đến cùng là những phẩm chất quan trọng nhất.

Cơ chế để tuyển chọn các thẩm phản tài giỏi là lấy nguồn từ các luật sư danh tiếng không chỉ về chuyên môn, mà còn về sự trong sạch và đạo đức nghề nghiệp. Cách tuyển chọn này cũng giúp chống lại việc chạy chức, chạy quyền ở đây.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng
Bình luận
vtcnews.vn