TS Mỹ cảnh báo dấu hiệu, cách phòng tử vong do động kinh: Nhiều người chưa biết

Bệnh và thuốcThứ Bảy, 20/11/2021 12:15:00 +07:00
(VTC News) -

Động kinh bao gồm một loạt các sự thay đổi về thể chất, cảm xúc và nhận thức; do vậy, có thêm hiểu biết về căn bệnh này có thể giúp bạn chẩn đoán chính xác về bệnh.

Co giật là triệu chứng đặc trưng của bệnh động kinh. Đây là một chứng rối loạn thần kinh gây ra bởi hoạt động bất thường trong não. Tuy nhiên, không phải cơn co giật nào cũng là do động kinh. Trên thực tế, bệnh động kinh thường chỉ được chẩn đoán sau khi một người có ít nhất hai cơn co giật mà không rõ nguyên nhân, theo Epilepsy Foundation.

TS Mỹ cảnh báo dấu hiệu, cách phòng tử vong do động kinh: Nhiều người chưa biết - 1

Việc chẩn đoán bệnh động kinh nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực chất chúng khá phức tạp. Các triệu chứng động kinh có thể khác nhau ở mỗi người, phần lớn là do bản thân các cơn động kinh thường thay đổi đáng kể. Chúng có thể gây ra một loạt các thay đổi về thể chất, cảm xúc và nhận thức mà đôi khi chính người bệnh và những người xung quanh cũng không thể nhận ra.

Việc nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của bệnh động kinh (co giật) có thể giúp bạn chẩn đoán bệnh chính xác và điều trị sớm. 

Các triệu chứng của bệnh động kinh

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, chứng động kinh còn được gọi là "rối loạn co giật", vì co giật là dấu hiệu chính của bệnh này. Nhưng việc biết ai đó đã từng bị co giật hay chưa, bị co giật như thế nào không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Co giật được định nghĩa là do sự gia tăng xung điện trong não, gây ảnh hưởng đến các chức năng do não kiểm soát, bao gồm cảm giác, ý thức và cử động cơ thể.

Dưới đây là một số triệu chứng động kinh phổ biến, theo Mayo Clinic. 

  • Mất ý thức
  • Nhận thức kém
  • Co giật tay và chân không chủ ý
  • Nhầm lẫn tạm thời
  • Nhìn chằm chằm vào phía trước
  • Cứng cơ
  • Cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc buồn bã
  • Có vấn đề về thị giác (mắt mờ hoặc nhìn thấy đèn nhấp nháy)
  • Cảm giác ngứa ran
  • Lặp lại liên tục các hành động như như xoa tay, chớp mắt nhanh hoặc chu môi
  • Mất kiểm soát cơ
  • Co giật
  • Mất kiểm soát bàng quang
    TS Mỹ cảnh báo dấu hiệu, cách phòng tử vong do động kinh: Nhiều người chưa biết - 2

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng động kinh và co giật mà người bệnh phải trải qua phụ thuộc vào từng loại bệnh động kinh cụ thể, liên quan đến phần bắt đầu xung điện và cách lan truyền trong não. Trong một số trường hợp, các phản ứng xảy ra rất nhẹ hoặc kỳ lạ đến mức họ không nhận ra mình đang bị co giật.

"Tôi đã từng gặp trường hợp một người phụ nữ bị tai nạn xe hơi. Trong vòng 5 năm kể từ hôm đó, cô ấy thấy nhiều lúc mình bị ngừng chú ý (một trạng thái chỉ người bệnh không nghe, không thấy và mất cảm giác về mọi thứ xung quanh trong một thời gian ngắn)", Bác sĩ Derek Chong, Phó Chủ tịch khoa thần kinh tại Bệnh viện Lenox Hill (New York, Mỹ) chia sẻ trên Tạp chí Health.

"Cô ấy không hiểu, thậm chí không thể nhớ điều gì sẽ xảy ra. Mãi đến sau này khi bị co giật, cô ấy mới biết đó là những triệu chứng động kinh", Bác sĩ Derek Chong cho biết.

Nếu các triệu chứng co giật hoặc động kinh của bạn kỳ quặc, tái diễn và rập khuôn (xảy ra giống nhau), đó có thể là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác nhất.

Làm thế nào để biết rằng liệu mình có bị động kinh?

Các triệu chứng bạn gặp phải trước, trong và sau cơn động kinh có thể giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị động kinh hay không. Bác sĩ có thể hỏi bạn một loạt câu hỏi về tiền sử bệnh, thời gian nghi ngờ diễn ra trạng thái co giật, tình trạng sức khỏe như có bị căng thẳng, đang dùng thuốc hoặc ngủ không ngon hay không.

Các bác sĩ cũng muốn nắm cụ thể những gì đã xảy ra trong và sau khi xảy ra cơn động kinh. Nếu bạn không nhớ những gì đã trải qua, có thể dẫn theo người đã chứng kiến cơn động kinh của bạn đến gặp bác sĩ.

Tuy nhiên, chỉ riêng các triệu chứng động kinh thường không đủ để chẩn đoán chính xác bệnh. Theo Mayo Clinic, bác sĩ có thể chỉ định làm một số xét nghiệm để xác định xem bạn có bị động kinh hay không. Các xét nghiệm bao gồm:

  • Khám thần kinh
  • Xét nghiệm máu
  • Điện não đồ (EEG)
  • Điện não đồ mật độ cao
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • MRI chức năng (fMRI)
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET)
  • Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT)
  • Các xét nghiệm tâm lý thần kinh

Danh sách các xét nghiệm cần thực hiện có thể khá dài, bởi thực chất không có một xét nghiệm nào có thể xác định chắc chắn liệu một người nào đó có bị chứng động kinh hay không. Nhưng nếu bạn bị co giật không rõ nguyên nhân, bạn nên cố gắng tìm hiểu xem liệu nguyên nhân có phải do bạn mắc chứng động kinh hay không. Nếu có, hãy cố gắng điều trị tình trạng.

Động kinh khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hơn, nguyên nhân có thể do các chấn thương bên ngoài hoặc do hiện tượng SUDEP - tình trạng người bệnh động kinh đột ngột tử vong mà không rõ nguyên nhân. Hiện tượng này khiến 1/1000 người bệnh động kinh tử vong mỗi năm, theo CDC.

TS Mỹ cảnh báo dấu hiệu, cách phòng tử vong do động kinh: Nhiều người chưa biết - 3

"Không ai có thể giải thích được vì sao lại xảy ra tình trạng SUDEP. Nhưng điều này khiến các bác sĩ có thêm động lực để kiểm soát cơn co giật của bệnh nhân, giúp họ giảm nguy cơ tử vong", TS.BS Vikram Rao, Phó Giáo sư Thần kinh học tại Đại học California, San Francisco, Mỹ cho biết.

Ngoài ra, có một số vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến chứng động kinh đáng để lưu tâm. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Epilepsy & Behavior cho thấy, có tới 30% người bị động kinh có các triệu chứng trầm cảm. Họ cũng có tỷ lệ tự tử cao hơn đáng kể so với những người không mắc bệnh.

Hiểu được mức độ ảnh hưởng của chứng động kinh đối với sức khỏe tâm thần có thể giúp bạn phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm và nhận được sự hỗ trợ sớm nhất có thể.

Làm thế nào để điều trị hoặc kiểm soát bệnh động kinh?

Nếu bạn được chẩn đoán bệnh động kinh, bạn nên có kế hoạch điều trị bệnh ngay lập tức. "Tuyến phòng thủ" đầu tiên là thuốc chống động kinh.

Những loại thuốc này hoạt động theo nhiều cơ chế khác nhau, nhưng tất cả đều có điểm chung là lọc bỏ xung điện trong não nhằm ngăn chặn cơn động kinh xảy ra", TS Rao chia sẻ trên tạp chí Health.

Hiện nay, có khoảng hơn 30 loại thuốc chống động kinh có sẵn. Mặc dù bạn có thể phải thử một vài loại thuốc trước khi tìm thấy loại thuốc với công thức và liều lượng phù hợp nhất với tình trạng của mình, nhưng một nửa số người được chẩn đoán mắc bệnh động kinh cho biết, loại thuốc đầu tiên họ thử đều kiểm soát thành công các cơn co giật của họ.

Tuy nhiên, theo Quỹ động kinh Hoa Kỳ, không may rằng, thuốc lại không có tác dụng kiểm soát các triệu chứng động kinh cho khoảng 1/3 người lớn mắc bệnh. Với những trường hợp đó (thường được gọi là động kinh kháng thuốc), bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ phần não nơi xảy ra các cơn co giật.

Nhiều phương pháp điều trị khác, bao gồm kích thích dây thần kinh phế vị, chế độ ăn ketogenic, kích thích não sâu và kích thích thần kinh đáp ứng... cũng có thể được sử dụng nhằm tăng khả năng kiểm soát các triệu chứng động kinh.

Không có phương pháp nào trong số này là phương pháp điều trị hoàn hảo, nếu không chúng tôi đã có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh động kinh. Nhưng tất cả các thông tin trên đều là những thông tin hữu ích với người bệnh", TS Rao kết luận.

Bảo Anh(Nguồn: health.com)
Bình luận
vtcnews.vn