Truyền hình Trung Quốc đang xâm lược nước Mỹ ra sao?

Thế giớiChủ Nhật, 09/08/2015 11:54:00 +07:00

Người Mỹ đang cảm giác CCTV America như một cái gì rất Mỹ, cũng chẳng khác gì đó là hambuger chứ không phải là món đậu phụ thối.

(VTC News) - Người Mỹ đang cảm giác CCTV America như một cái gì rất Mỹ, cũng chẳng khác gì đó là hambuger chứ không phải là món đậu phụ thối. 

Không chỉ hung hăng xâm lấn, gây hấn với các nước láng giềng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, Trung Quốc còn đang tìm cách áp đặt lối chơi trên mặt trận thông tin. Ngay chính tại nước Mỹ, người Trung Quốc cũng thiết lập kênh truyền hình riêng để từng bước 'ép buộc'  khán giả Mỹ tiếp nhận thông tin theo cách mà Bắc Kinh muốn. 
VTC News giới thiệu bài viết của nhà báo, chuyên gia Bùi Chí Trung về truyền hình Trung Quốc tại Mỹ. Ông Trung tốt nghiệp chuyên ngành báo chí tại Đại học Tổng hợp QG Moscow Lomonoxop và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền hình. 
Dưới đây là bài viết của nhà báo Bùi Chí Trung:
CCTV America tuyên bố đã nắm được 30 triệu thuê bao truyền hình tại Mỹ. Tạm tính mỗi hộ trung bình có 4 người thì ít nhất có 120 triệu người mà CCTV America có thể ảnh hưởng. 
CCTV America tuyên bố đã nắm được 30 triệu thuê bao truyền hình tại Mỹ.
CCTV America tuyên bố đã nắm được 30 triệu thuê bao truyền hình tại Mỹ.  
Đó là một phần ba dân số Mỹ (với 317 triệu). Chắc chắn nó sẽ không ngừng tăng. 
Tròn 3 năm kể từ ngày thành lập hôm 6/2/2012, CCTV America đã khiến người Mỹ ngấm đòn. Chủ đề về CCTV bắt đầu xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, trong nhiều nghiên cứu về truyền thông chính trị - Public Diplomacy.
Phát cả trên hạ tầng cáp của COMCAST hay Time Warner Channel, phát cả trên hệ thống truyền hình số mặt đất DISH TV ở kênh 279. 
Thứ đập ngay vào mắt mọi người là sự chuyên nghiệp, bóng bẩy của hệ thống giao diện và đồ họa, là nguồn thông tin dồi dào phong phú, là những phóng sự độc quyền, là những guơng mặt rất hot, đến từ nhiều kênh truyền hình lớn khác. Và hơn hết, ở đó ẩn chứa một sự thâm trầm, sâu sắc, rất Á Đông. Nói thẳng luôn là… rất thâm nho.
Nơi phát đi kênh sóng 24/24h bằng tiếng Anh của CCTV America nằm ở một tòa nhà cao tầng trung tâm Washington chứ không phải từ trụ sở chính của họ ở Bắc Kinh, hay hàng chục văn phòng đại diện của CCTV trên toàn thế giới. 
Trụ sở truyền hình Trung Quốc tại Mỹ
Trụ sở truyền hình Trung Quốc CCTV America tại Mỹ 
Còn nơi nào hấp dẫn hơn là được lên sóng ở Washington DC – từ chính chính thủ đô nước Mỹ, và bằng chính thứ tiếng bản địa. 
Dù họ chỉ gọi đó là “văn phòng” thôi, nhưng thực chất nguồn lực và công nghệ, thiết bị ở đây sẽ làm cho nhiều mạng lưới truyền hình lớn phải đỏ mặt vì xấu hổ. 
Và dù ở Mỹ có hàng ngàn phương tiện truyền thông, với đủ mọi tiếng nói đa chiều thì sự hiện diện của CCTV America vẫn có một sự khác biệt đáng kể khi so sánh với BBC, Russia Today, France 24, Al jazeera - những kênh truyền hình ngoài Mỹ phát sóng toàn cầu.
Lương một phóng viên Mỹ vào khoảng 50 - 65 nghìn USD một năm (đấy là loại thường, chưa kể gương mặt 'hot'). 
Trả cho 400 người như vậy mỗi năm quỹ lương sẽ vào khoảng 20 triệu. Cần thêm gấp rưỡi con số này cho chi phí sản xuất và gấp đôi số đó cho hạ tầng kỹ thuật, mỗi năm ít nhất cũng phải cần 50 triệu USD cho 8.760 giờ phát sóng. 
Cái khó chưa chắc đã phải là tiền, 50 triệu USD thì huy động Ngũ bang Hoa kiều tại Mỹ ủng hộ thì xong ngay. Chính phủ Trung Quốc cũng không đặt vấn đề kinh doanh, thu lợi từ CCTV. Vấn đề chính là chiến lược nội dung và con người.
Những gương mặt hot của Mỹ được mời về làm ở CCTV America
Những gương mặt 'hot' của Mỹ được mời về làm ở CCTV America 
General News – với những tin nóng (breaking news) từ khắp nơi trên thế giới, cùng với những điểm nhấn đặc biệt cho vùng Bắc và Nam Mỹ. 
Phillip Yin được mời về từ CNBC để chủ trì "Biz Asia America" chương trình hàng ngày với thời lượng một giờ, năm đêm một tuần, thực sự như một bức tranh toàn cảnh tin tức tổng hợp trong ngày. 
Với trọng tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, kinh doanh, vì nó liên quan đến Bắc và Nam Mỹ, cùng với điểm nhấn từ Trung Quốc và cầu truyền hình trực tiếp từ New York với gương mặt Michelle Makori hào hoa.
Mike Walter, nhà báo tài danh đến từ CBS, gương mặt chính “The Heat” - một chuơng trình đối thoại về những vấn đề nóng, diễn ra vào tối thứ Bẩy hàng tuần.
Barbara Dury - người từng được giải thưởng với chương trình “60 phút” kinh điển cũng về đây phụ trách chuyên đề Americas Now – một chuyên đề dành riêng cho những mâu thuẫn đa chiều của lục địa. 
Có vẻ như CCTV America xây dựng mô hình sản xuất nội dung theo kiểu hình tháp. Quy trình sản xuất nội dung với những thao tác thông thường, thậm chí là những gương mặt đại diện để giao diện với công chúng thì cũng do người Mỹ bản địa làm tới 90%. 
Người Mỹ đang quen dần với CCTV America
Người Mỹ đang quen dần với CCTV America 
Nhưng cái gì thực sự là triết lý, là định hướng, là phần hồn phần cốt thì nhất thiết phải do người Hoa nắm.
Không đầu gấu tuyên chiến với những quan điểm chính trị nước Mỹ như Russia Today. Không vỗ ngực kiêu căng rằng ta “đông chữ”, rằng ta khác biệt về văn hóa như France 24. 
Không a dua bợ đỡ cho những quan điểm của chính phủ nước nhà như BBC. Không đưa những thứ “quá tả” hoặc “quá hữu” như Al jazeera, nhưng cũng không trung dung nhạt nhòa như DW-TV của Đức. 
Cái khôn của người Trung Quốc trong cách làm truyền hình ở CCTV America là định vị khá “ổn” trong lòng nước Mỹ, bằng đúng chiến lược “giấu mình chờ thời” kinh điển. 
Người Mỹ đang cảm giác CCTV America như một cái gì rất Mỹ, cũng chẳng khác gì đó là hambuger chứ không phải là món đậu phụ thối. 
Nhưng chớ có đùa, thử xem một ngày kia nếu có “chỉ thị”, ai biết rằng sẽ có những gì hay ho xuất hiện trên màn hình.
CCTV America thẳng thừng tuyên bố về sứ mệnh của mình, giúp cho khán giả Anh ngữ một cách nhìn khác về thế giới thật đơn giản nhưng chi tiết nhất (Our Mission: to provide English-speaking viewers everywhere a different way to see the world by simply covering more of it). 
Thế nào là “một góc nhìn khác về thế giới này”, chẳng qua là nó sinh ra là để bảo vệ quyền lợi của một quốc gia đang trỗi dậy và đang có nhiều xung đột với nước Mỹ.
MA JING - Tổng giám đốc CCTV America phát biểu trước báo giới rằng: "Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã có tới 42 kênh, nắm được 1,2 tỷ khán giả ở đại lục". 
Thị trường trong nước là gần như bão hòa, đó là lý do để CCTV hướng tới thị trường truyền hình toàn cầu. Có vẻ câu trả lời về giấc mơ toàn cầu hóa này chưa thực sự thuyết phục. 
Thế nên GS. David Shambaugh - giám đốc Chương trình Chính sách Trung Quốc tại Đại học George Washington khi theo dõi về tiến trình phát triển của CCTV America mới nhận định rằng: "Điều căn bản nhất mà họ (Trung Quốc) muốn, đó là phá vỡ những gì họ cho là sự độc quyền trong việc giải thích tin tức về Trung Quốc bởi các phương tiện truyền thông phương Tây".
Ai bảo chú Sam tự bó buộc mình vào khung luật tự do báo chí, tự do ngôn luận, ai cũng được ra báo, ra đài. 
Đưa bộ máy truyền thông tới cơ quan đầu não đối thủ, ví như kế “Ám độ Trần Thương” - chọn con đường, cách thức mà không ai nghĩ tới để dành thắng lợi. 
Và đâu chỉ có CCTV America, một bộ máy như vậy, một chiến lược như vậy đã được dựng lên tại Nairobi, Kenya để hướng tới châu Phi.

Chí Trung
Bình luận
vtcnews.vn