Truyền hình trả tiền Việt Nam: Cạnh tranh gay gắt, quá nhiều thách thức

Thị trườngThứ Hai, 04/10/2021 17:05:00 +07:00
(VTC News) -

Thị trường truyền hình trả tiền đang chuyển biến mạnh mẽ, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ cạnh tranh nhau gay gắt.

Tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: Truyền hình cáp (Analog, Truyền hình số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình di động (Mobile Tv) và truyền hình qua mạng Internet.

Trong đó, khoảng hơn 10 triệu thuê bao truyền hình cáp; gần 1 triệu thuê bao truyền hình số mặt đất; gần 1,8 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh; hơn 1,2 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 800.000 thuê bao truyền hình di động. Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 191 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng.

Chuyển biến mạnh mẽ...

Quá trình chuyển biến từ truyền thống sang hiện đại khiến thị trường truyền hình buộc phải phân chia lại thứ tự xếp hạng. Một điều rõ ràng là những doanh nghiệp tiến trước và có chiến lược đúng đắn thì sẽ là những người dành chiến thắng. Cứ 35 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền thì 20 doanh nghiệp chọn cung cấp dịch vụ truyền hình Internet.

Tính đến tháng 8/2020, có tổng cộng 30 triệu lượt người tải và đăng ký ứng dụng xem truyền hình của các doanh nghiệp trong nước. So với giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu từ truyền hình qua Internet (OTT) tăng gấp 5 lần.

Truyền hình trả tiền Việt Nam: Cạnh tranh gay gắt, quá nhiều thách thức - 1

Người dùng có xu hướng tiếp cận truyền hình Internet thay thế cho truyền hình truyền thống. (Ảnh: Thủ đô Multimedia).

Theo sách trắng ngành Thông tin & Truyền thông năm 2020, Việt Nam hiện có 14,8 triệu thuê bao băng rộng cố định nhỉnh hơn không nhiều so với số thuê bao truyền hình trả tiền (13,8 triệu). Chứng tỏ, người dân có xu hướng tiêu dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bằng đường truyền cáp quang Internet. 

Thống kê của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam đạt 8.600 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu của thị trường này hiện đạt 4.400 tỷ, tăng 5,7% so với con số 4.160 tỷ đồng ở thời điểm cùng kỳ năm trước. Số lượng thuê bao sử dụng dịch vụ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm 2019.

... nhưng còn nhiều thách thức

Tuy có những chuyển biến mạnh mẽ nhưng có thể thấy, doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền Việt Nam đang ở mức rất thấp. ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng, trong khi Việt Nam chỉ đạt hơn 18.333 đồng/thuê bao/tháng, tức là dưới 1 USD/thuê bao/tháng.

Đây là hệ quả của cuộc đua giảm giá thuê bao kéo dài từ năm 2014 đến nay của các nhà cung cấp như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+… nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp sử dụng chiến thuật bù chéo dịch vụ, xây dựng 1 gói cước tổng hợp gồm 2 - 3 dịch vụ, phổ biến là kết hợp gói cước Internet và truyền hình trả tiền, áp dụng chính sách dùng Internet được miễn phí truyền hình hoặc ngược lại.

Ngoài ra, tình trạng ăn cắp bản quyền trên mạng Internet đang ngày càng gia tăng với nhiều phương thức tinh vi, phức tạp cũng gây ra những tác động tiêu cực tới doanh thu và sự phát triển của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước.

Không chỉ phải cạnh tranh quyết liệt với nhau để dành thị phần, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền tại Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh căng thẳng với những dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền dịch vụ Internet mà Netflix là một đối thủ đánh gờm nhất.

Hướng đi nào?

Theo chuyên gia, Việt Nam cần đề ra các chiến lược thúc đẩy thị trường truyền hình trả tiền theo phương châm “phát triển đi đôi với quản lý tốt” dưới sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Một mặt vừa làm tăng số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền về quy mô và phạm vi tác động, mặt khác thúc đẩu nâng cao chất lượng về nội dung thông tin, hướng tới người tiêu dùng.

Muốn cạnh tranh lành mạnh, Việt Nam cần áp dụng cơ chế kiểm soát thị trường về vấn đề sở hữu và giá thành dịch vụ truyền hình trả tiền. Mỗi doanh nghiệp nên cung cấp 1 loại hình dịch vụ và đẩy mạnh, kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ để cạnh tranh lành mạnh với các dịch vụ truyền hình trả tiền khác.

Truyền hình trả tiền Việt Nam: Cạnh tranh gay gắt, quá nhiều thách thức - 2

Trải nghiệm người dùng dịch vụ truyền hình trả tiền Việt Nam là mục tiêu cốt lõi để phát triển. (Ảnh: FPT Telecom Huế).

Thứ hai, Việt Nam cần thiết lập hành lang pháp lý đủ mạnh để đối phó với tình trạng doanh nghiệp xuyên biên giới. Các sản phẩm truyền hình ngoại phát sóng tại Việt Nam phải được kiểm duyệt, biên tập, biên dịch đúng theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh, quy định thuế tương tự như các doanh nghiệp trong nước.

Trước vấn đề bản quyền chương trình truyền hình, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, bổ sung quy định, chế tài để kiểm soát tình trạng này và thúc đẩy kinh doanh nội dung truyền hình phát triển, lành mạnh hóa thị trường.

Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền đúng với tôn chỉ mục đích đường lối chính trị Việt Nam, góp phần định hướng dư luận xã hội. Kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong thị trường truyền hình trả tiền.

Thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam còn nhiều cơ hội để biến khó khăn thành cơ hội để có những bước đi đột phá và sáng tạo từ các doanh nghiệp kinh doanh. Chính vì thế, hành lang pháp lý là cơ sở rạch ròi để tạo nên một trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng.

HẢI DƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn