Trượt giá, tiền mừng tuổi thành nợ quay vòng

Tổng hợpThứ Bảy, 21/01/2012 08:33:00 +07:00

Tiền mừng tuổi là may mắn, lấy hên. Nhưng với sự mất giá của đồng tiền, cái hên cũng tăng lên theo mệnh giá.

Tiền mừng tuổi là may mắn, lấy hên. Nhưng với sự mất giá của đồng tiền, cái hên cũng tăng lên theo mệnh giá. Tết đến, co kéo chi tiêu để không quá khó khăn, mừng tuổi cũng trở thành nguyên nhân khiến không ít người viêm màng túi. Từ đó nảy sinh xu hướng mới: quay vòng tiền mừng tuổi như món nợ người lớn trả nhau.

Niềm vui khi có lì xì đúng ý nghĩa. Ảnh minh họa 

Trẻ  nhận tiền, mặt như bánh đa nhúng nước

Tết sắp đến, vợ  chồng anh Hải (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) sẽ về quê  ở Nam Định ăn Tết cùng với gia đình bên nội. Tính quà cáp và mừng tuổi hai bên, anh chị tê tái khi món tiền chém đứt hơn một tháng lương của hai vợ chồng, tầm 15-16 triệu.  

Chị Loan, vợ  anh Hải buồn xo: Cháu nhiều, năm ngoái lì xì tầm 20 nghìn mỗi đứa thì mặt chúng nó như  bánh đa ngấm nước. Năm nay, “cắn răng” chi mỗi đứa 50 nghìn đồng. Mang tiếng đi làm Hà Nội.”

Tết năm ngoài, chị Thành (Cầu Giấy) cho tiền mừng tuổi vào phong bao lì xì, tùy vào mức độ thân, sơ mà số tiền cũng cao thấp khác nhau. Ấy thế nhưng khi “phân phát” xong, cả đàn cháu, rồi em út bóc ngay ra và so sánh, lẩm bẩm làm chị “phát sốt” trước mặt mọi người.

Năm nay, nhiều người nhức nhối khi tờ tiền 10 nghìn đồng phải loại ra khỏi danh sách, vì đối với chuyện mừng tuổi, nó đã thành… mất giá. Không ít người đau đầu vì tiền mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ và nhất là đàn cháu chắt, em út. Đặc biệt, khi bọn trẻ, theo nhận xét của nhiều người lớn, ngày càng “thực tế” hơn khi chúng biết giá trị lớn nhỏ của đồng tiền. Nhiều bé chưa kịp cám ơn đã xé ngay phong bao để xem nhiều hay ít.

Như chuyện của chị  Hương (Giáp Bát- Hà Nội), năm ngoái cu con mới 5 tuổi, chưa biết tiền mệnh giá nào lớn, nhỏ . Thế nhưng, không biết nghe ai nói, thấy ông chú mừng tuổi 50 nghìn, bé bóc ra và giãy nãy: “Ứ đâu, con lấy 500 cơ, không lấy tờ này đâu!” làm cả nhà bẽ bàng. Đến khi chồng chị đưa cho bé mấy tờ 500 đồng đỏ, đẹp và mới cứng, cu cậu mới chịu!  

“Tận dụng” con nhỏ  để thu nhập mừng tuổi cao cũng được một số ông bố, bà mẹ áp dụng. Có những ngày thời tiết không tốt nhưng nhiều ông bố, bà mẹ vẫn cố mang con theo để nhận tiền mừng tuổi.  

Đôi khi, người lớn cũng rất vô tư trong chuyện người thân, bạn bè mừng tuổi con cháu. Chị Hương kể lại, năm ngoái trong gia đình chị có bà chị dâu bế cháu ngoại đi đâu cũng mang theo chiếc túi xắc nhỏ đeo bên người cháu để tiện…đựng tiền mừng tuổi.

Kết quả, bà đã làm gương cho nhiều cháu bé trong nhà khi các bé  nằng nặc đòi mang theo túi xách khi đi chơi cùng bố  mẹ. Nhiều ông bố, bà mẹ cũng vô tư  nịnh con đi chơi sẽ có tiền mừng tuổi nhưng lại quên mất chưa nói với con ý nghĩa của phong tục đẹp này.

Tiền mừng tuổi thành món nợ quay vòng


“Bà chị mình đi đâu cũng phải lôi con đi cùng, dù thời tiết không đẹp, cố  để “gỡ gạc” lại tiền mừng tuổi đã bỏ ra. Bố mẹ ở đâu là hai đứa phải có mặt ở đó ngay lúc cần thiết, như được huấn luyện một cách bài bản. Nghĩ mà nản! ”- chị Thành (Cầu Giấy-Hà Nội) kể thêm về những phiền muộn của tiền mừng tuổi.

Cô Minh (Thanh Hóa) chia sẻ: “Có phải con nhận tiền mừng tuổi là  bố mẹ vui đâu. Bây giờ mừng tuổi ít thì chúng nó không vui. Thế nên mình cứ liệu liệu xem bố mẹ nó mừng tuổi con bao nhiêu, rồi còn biết đường mà trả lại.”

Món nợ quay vòng này khiến cho tiền mừng tuổi đối với người lớn không mang giá trị tinh thần nhiều như xưa. Chuyện người lớn mừng tuổi trẻ con lại trở thành chuyện nhờ tiền mừng tuổi để “trả nợ nhau” cho có đi có lại.  

Cô Minh kể chuyện hi hữu ở quê mình, có những ông bố, bà mẹ thực tế đến nỗi quên cả cảm xúc và ánh nhìn ngây thơ của trẻ con. “Các cụ” vô tư “tịch thu” ngay phong bao khi con vừa nhận, đếm đếm và… rút bớt ra mừng tuổi cho đứa trẻ khác. Kết quả, những đứa nhỏ lăn ra… ăn vạ, còn đứa lớn thì mếu máo! Những gia đình có con nhỏ, chưa giữ được tiền thì hầu như, phong bao của con sẽ được bố mẹ quay vòng triệt để.

“Tệ nạn” mừng tuổi này khiến không ít người lớn cũng phải ngán ngẩm. Cô Minh cho biết, năm nay, họ hàng họp nhau chiều 30 Tết sẽ nhờ cụ cao niên yêu cầu các bố mẹ phải nói với con ý nghĩa của tiền mừng tuổi và chọn tờ 10 nghìn đồng lấy hên cho các cháu. Cô Minh giải thích, mình sẽ nịnh chúng, đây là tờ may mắn nhất, để các con có nhiều điểm 10 trong năm mới!

Để “lánh nạn” quay vòng này, chị Thu (Hà Nội) thì cho hay, sẽ phải dạy con từ chối những đồng tiền mệnh giá lớn, chỉ nhận có ý nghĩa tượng trưng và được bố mẹ  đồng ý.

Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn