Trường tư đua nhau mở ngành sức khoẻ: Lo ngại đào tạo bác sĩ như 'lò ấp' trứng

Tuyển sinhChủ Nhật, 17/01/2021 07:39:00 +07:00
(VTC News) -

Các chuyên gia, bác sĩ lo lắng chất lượng đào tạo không đạt chuẩn khi các trường tư thục ồ ạt tuyển sinh khối ngành sức khỏe.

Nhiều trường đại học ngoài công lập chuyển từ tập trung đào tạo ngành kinh tế sang các ngành sức khoẻ như: Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen, Đại học Hồng Bàng, Đại học HUTECH, Đại học Nguyễn Tất Thành...

Việc ồ ạt mở ngành này thời gian gần đây khiến xã hội lo lắng. Theo các chuyên gia, chất lượng đào tạo và đầu ra phải được kiểm soát chặt, nếu không, hậu quả sẽ khó lường.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoàng Dương phản đối việc các trường tư "chạy đua" mở đào tạo khối ngành sức khoẻ. Ông cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, thì chỉ 2-3 năm nữa sẽ có những "lò ấp" sản xuất bác sĩ ra đời, khó có thể kiểm soát được chất lượng nhân lực. 

Trung bình, mỗi sinh viên đầu tư từ 100 đến 200 triệu đồng cho 6 năm học ngành y dược. Nếu chất lượng đào tạo không chuẩn, khi các em tốt nghiệp ra trường thì không thể vượt qua được kì thi đánh giá năng lực khám chữa bệnh và hành nghề. "Vậy khi đó, nhà trường có trả lại tiền học cho các em hay không và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những lứa bác sĩ ra đời từ "lò ấp" gà công nghiệp đó?", vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Ở Mỹ, hàng năm số chỉ tiêu tuyển dụng bác sĩ vô cùng lớn, thậm chí nhiều vùng khó khăn rất khan hiếm. Nhưng không vì thế mà họ hạ tiêu chuẩn đào tạo bác sĩ. Nhiều bệnh viện sẵn sàng chi tiền để thuê bác sĩ nước ngoài làm việc khám chữa bệnh thay vì hạ chuẩn.

Trường tư đua nhau mở ngành sức khoẻ: Lo ngại đào tạo bác sĩ như 'lò ấp' trứng - 1

Sinh viên thảo luận. (Ảnh minh hoạ: T.T)

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ tư vấn Ủy ban đổi mới giáo dục - đào tạo của Chính phủ, các trường đại học tư tham gia mở, đào tạo khối ngành sức khỏe không phải là vấn đề đáng lo ngại. Quan trọng phải là kiểm soát chất lượng chương trình, đội ngũ giảng viên đủ trình độ và điều kiện thực hiện đào tạo khối ngành sức khoẻ. Trong đó, điều kiện đầu tiên là các trường cần đảm bảo có đủ bệnh viện, bác sĩ, giảng viên kèm sinh viên khi đi thực hành lâm sàng. 

Các điều kiện đảm bảo mở ngành được quy định chi tiết, chặt chẽ trong thông tư liên Bộ GD&ĐT và Y tế. Tuy nhiên, lâu nay chất lượng đào tạo ở các trường đại học tư luôn có vấn đề, người dân chưa hoàn toàn tin tưởng. Như vậy rõ ràng vẫn còn tồn tại lỗ hồng trong khâu hiện thực hoá chính sách tuyển sinh và đào tạo ở các trường.

Ông bày tỏ, nhu cầu về tuyển dụng nhân lực các ngành chăm sóc sức khoẻ của nước ta vẫn còn lớn. Do vậy, nên khuyên khích các trường đại học tư mở ngành đào tạo sức khỏe. Nhưng phải kiểm soát tốt khâu kiểm định trước khi mở ngành. Bởi các trường đại học tư thục hoạt động vì mục đích lợi nhuận, trong đó đào tạo ngành y là siêu lợi nhuận, tránh tình trạng chạy đua xin mở ngành này.

Để tránh các trường đại học mở ngành ồ ạt, ông Vinh cho rằng, cần phải xây dựng quy trình hướng dẫn mở ngành đào tạo như nhiều quốc gia phát triển khác đang làm.

Khi đó, Hội đồng trường căn cứ vào quy định để xây dựng các hạng mục, tìm kiếm minh chứng, sau đó xin phê chuẩn. Hội đồng trường có thể xem xét kế hoạch tuyển sinh, đào tạo, hợp tác với những doanh nghiệp hay bệnh viện, huy động nguồn lực tài chính, nhân lực trong bước lập kế hoạch xem có khả thi không.

Hội đồng trường phải gồm những thành viên biết làm việc và liêm chính, không chịu sức ép từ phía nhà đầu tư. Đây là trách nhiệm giải trình trước xã hội. Cơ quan quản lý sẽ hậu kiểm xem hội đồng trường có làm việc nghiêm túc hay không.

Trường tư đua nhau mở ngành sức khoẻ: Lo ngại đào tạo bác sĩ như 'lò ấp' trứng - 2

Sinh viên y khoa thực hành nghiên cứu. (Ảnh minh hoạ: T.T)

Bác sĩ Nguyễn Thái Hoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) bất ngờ và lo lắng khi nhiều trường đại học tư thục đua nhau tuyển sinh ngành sức khoẻ. Theo chị, đào tạo ngành y khác với các ngành nghề khác. Không thể chỉ cần một giảng đường cho 500- 600 sinh viên ngồi học là xong, mà còn cần các trang thiết bị để hỗ trợ, cần bệnh viện để thực hành lâm sàng trong quá trình học.

Ở các nước, điều kiện tiên quyết để mở trường/khoa y là phải có đủ giảng viên cơ hữu đạt chuẩn và bệnh viện thực hành. Bởi thời gian học ở bệnh viện chiếm khoảng 60% tổng thời lượng đào tạo. 

Việc đào tạo ngành sức khoẻ phải dựa trên quy trình phối hợp nhà trường, sinh viên với bệnh viện. Cần đảm bảo các em sinh viên được các bác sĩ - giảng viên trực tiếp hướng dẫn lâm sàng tại bệnh viện và giám sát việc này.

Điểm yếu nhất trong đào tạo y khoa hiện nay là khâu thực hành kỹ năng do bệnh viện thiếu bác sĩ hướng dẫn, trường không có sẵn đội ngũ giảng viên đang làm việc tại bệnh viện.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn