Trường quốc tế tuyển sinh bằng cách quay số gây tranh cãi

Tin tức - Sự kiệnThứ Năm, 02/01/2020 16:29:00 +07:00

Trong bối cảnh bùng nổ trường tư và quốc tế, chính phủ Trung Quốc ban hành quy định kiểm soát đầu vào của các cơ sở đào tạo bằng cách quay số ngẫu nhiên.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Zheng Fuzhi cho biết, quyết định này nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, SixthOne đưa tin. Nó xuất phát từ thực trạng số lượng trường quốc tế tăng mạnh tại Trung Quốc, đặc biệt là những trường có trụ sở tại Anh.

Nhiều cha mẹ không đồng ý với quyết định này và lo ngại con cái sẽ không được hưởng môi trường học tập tốt nhất.

Cheng Lina, phụ huynh đăng ký cho con gái 5 tuổi vào lớp 1 trường dân lập năm tới, cho rằng chọn đầu vào bằng cách quay số khiến họ cảm thấy quá trình chuẩn bị của con tốt đến đâu cũng không mang lại kết quả. Tất cả chỉ dựa vào may mắn nên không công bằng.

Trường quốc tế tuyển sinh bằng cách quay số gây tranh cãi - 1

Chính sách mới của Bộ giáo dục Trung Quốc vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ phụ huynh. (Ảnh: Shutterstock)

“Với chính sách mới này, chúng tôi không biết nên chọn trường cho con như thế nào”, Cheng Lina nói.

Chuyên gia chính sách giáo dục Xiong Bingqi cũng phản đối việc tuyển sinh "kiểu xổ số". Ông cho rằng cách làm này bất hợp lý và vi phạm quyền lợi của phụ huynh trong việc lựa chọn nơi giáo dục cho trẻ. Nó có thể dẫn tới sự mất cân bằng trong giáo dục, chẳng hạn như việc cha mẹ hối lộ giáo viên, can thiệp vào quá trình quay số.

Những phụ huynh ủng hộ quyết định của Bộ giáo dục thì cho rằng điều đó sẽ giảm bớt áp lực cho con cái khi nộp đơn vào trường quốc tế. Theo SixthOne, Qin Yue, một bà mẹ tại Thượng Hải khác cho biết chính sách mới sẽ giúp phụ huynh không cần chi tiêu tốn kém cho con học thêm, nhồi nhét kiến thức.

Theo Richard Gaskell, Giám đốc Trung tâm Phân tích Giáo dục Quốc tế, cách làm trên nhằm hạn chế sự mất cân bằng học sinh giữa các trường công lập, dân lập và quốc tế. Ông khuyên các trường thuộc sở hữu nước ngoài nên tạm dừng kế hoạch mở rộng cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên, Gaskell cho rằng không nên đưa ra phương án kìm hãm như vậy, bởi người Trung Quốc có nhu cầu giáo dục rất lớn, trong khi chất lượng đào tạo từ phương Tây rất cần thiết.

Trước đây, Trung Quốc nới lỏng quy định về giáo dục, trẻ em được phép đăng ký học tại các trường quốc tế mà không cần tuân thủ bất kỳ ràng buộc nào. Chính vì thế, nhiều phụ huynh Trung Quốc cho con theo học các cơ sở giáo dục nước ngoài.

Những năm trước, trường quốc tế hầu như chỉ có con của người nước ngoài. Nhưng từ khi nhận thấy tiềm năng ở đất nước tỷ dân, nhiều trường dân lập và quốc tế thuộc sở hữu của Anh bắt đầu "mọc" lên. Số cơ sở đào tạo thuộc loại này đã lên tới 46 trường, tăng gấp đôi so với tổng số của năm 2017 và 2018 cộng lại.

ZingNews/SixthOne
Bình luận
vtcnews.vn