Trường mầm non bao giờ mới nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi?

Tổng hợpThứ Ba, 29/11/2011 01:39:00 +07:00

Trong văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội về giáo dục mầm non, Bộ GDĐT khẳng định...

Trong văn bản trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội về giáo dục mầm non, Bộ GDĐT khẳng định, sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp để trường mầm non tiếp nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Tập trung trường, lớp trong khu công nghiệp, khu dân cư mới
ĐBQH Đinh Thị Bạch Mai (TP. Hồ Chí Minh) nêu vấn đề: Theo pháp luật về lao động, phụ nữ sinh con được nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ 4 tháng. Trên thực tế, phần đông các trường mầm non không nhận nuôi giữ, chăm sóc trẻ dưới 18 tháng tuổi và đa số gia đình cũng không đủ thu nhập để thuê người trông giữ trẻ. Vậy Bộ có giải pháp gì trong thời gian tới để đảm bảo cho trẻ dưới 18 tháng tuổi được nuôi giữ, chăm sóc tốt hơn và giúp phụ nữ đi làm được yên tâm?
Trẻ dưới 18 tháng tuổi chủ yếu phải gửi ở các cơ sở trông giữ tư nhân 

Bộ GDĐT cho biết, Điều lệ trường mầm non quy định: “Tổ chức thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi theo Chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành; Đối với trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi, nếu không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh bẩm sinh nguy hiểm, được nhận vào các nhà trường, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập”. Như vậy, về nguyên tắc, các trường, lớp mầm non phải có nghĩa vụ nhận các cháu ở các độ tuổi.
Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố, thị xã, nơi đông dân cư, khu công nghiệp, do khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, thiếu phòng học và giáo viên, nên việc thu nhận trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 18 tháng tuổi tại các trường công lập còn nhiều hạn chế. Hiện nay, cả nước chỉ có một số trường mầm non đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ để tiếp nhận, chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi như Trường Mầm non 20-10 (quận Hoàn Kiếm), Mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) - Hà Nội; Trường Mầm non Thu Hương (thành phố Bắc Giang) - tỉnh Bắc Giang; Mầm non 19-5 (Quận 1), Mầm non Thành phố (Quận 3) – TP. Hồ Chí Minh.
ĐBQH Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh) chất vấn: Theo Điều lệ trường mầm non thì trường mầm non là nơi thu nhận các cháu từ 3 đến 72 tháng tuổi. Tuy nhiên, hiện nay các trường mầm non công lập chỉ nhận các cháu từ 12 tháng tuổi trở lên. Xin Bộ trưởng cho biết lý do vì sao không nhận các cháu đủ tháng tuổi theo quy định. Hướng sắp tới Bộ sẽ giải quyết như thế nào khi thực tế nhu cầu xã hội rất cần.
Trả lời câu hỏi này, Bộ GDĐT cho biết, Bộ hết sức chia sẻ nhu cầu chính đáng của các bậc cha mẹ và đang tích cực tổ chức thực hiện những giải pháp để khắc phục, song vẫn chưa giải quyết ngay được vấn đề này.
Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Bộ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 60 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2011-2015. Trong đó, đặc biệt quan tâm trường, lớp để đón các cháu dưới 18 tháng tuổi ở các khu dân cư mới, khu công nghiệp; Tuyển dụng, hợp đồng giáo viên, nhân viên đối với các trường mầm non công lập để đáp ứng từng bước nhu cầu gửi trẻ dưới 18 tháng tuổi; Thực hiện các chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, dân lập.
Thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non mới,  trong đó quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ dưới 18 tháng tuổi; Chỉ đạo các Sở GDĐT tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi nhỏ, để các bậc phụ huynh có thể lựa chọn hình thức nuôi dạy con tại gia đình, góp phần giảm tải cho các nhà trường.
Sẽ có định mức biên chế cho cô nuôi
Một số ĐBQH phản ánh, hiện nay giáo viên mầm non vừa phải đứng lớp giảng dạy, vừa phải làm cả các công việc lao động phổ thông (vệ sinh, phục vụ...) nguyên nhân do các lớp không có chức danh bảo mẫu. Vì sao không có chức danh trên, trong khi việc dạy học và chăm sóc các cháu là hai công đoạn quan trọng như nhau?
Việc không có chức danh bảo mẫu trong trường mầm non do các thông tư và nghị định của Chính phủ, Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ quy định, trong đó nói rõ, định mức biên chế sự nghiệp trong cơ sở giáo dục mầm non công lập bao gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong các nhà trẻ, trường mẫu giáo và trường mầm non công lập;  không bao gồm các chức danh hợp đồng.
Trên thực tế, một số địa phương vận dụng thực hiện chế độ hợp đồng với người lao động để làm công việc vệ sinh, phục vụ tại cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, hiện nay, tốc độ tăng dân số cơ học ở các thành phố, đô thị lớn ngày càng nhanh cùng với sự phát triển ồ ạt của các khu công nghiệp, nên số lượng trẻ đến trường là tương đối lớn. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách về điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ là rất lớn ngoài giáo viên dạy chuyên môn, cần có những người không chỉ lo chuyện ăn, uống, ngủ nghỉ của trẻ mà còn rèn kỹ năng tự phục vụ, văn hóa ăn uống, xếp hàng… trong việc phát triển nhân cách của trẻ.
Hiện nay, Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch số 71/2007/TTLT-BGĐĐT-BNV quy định định mức biên chế sự nghiệp các trường mầm non công lập, trong đó có nội dung điều chỉnh định mức biên chế cho cô nuôi (bảo mẫu) theo yêu cầu thực tế, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12.2011.
Theo Lao động
Bình luận
vtcnews.vn