Trường hợp nào không được đề nghị đặc xá?

Thời sựThứ Tư, 08/08/2018 19:06:00 +07:00

Đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp "Trước đó đã được đặc xá” hoặc “Có từ 2 tiền án trở lên”.

Sáng 8/8, tại Hà Nội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc Phiên họp thứ 26 và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTPQH) Lê Thị Nga cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá 14 đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) (gọi chung là dự thảo Luật).

QH1

Khai mạc phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Quốc hội).

Đồng thời, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, UBTPQH đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Về thời điểm đặc xá, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt.

Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.

Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Ủy ban Tư pháp đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Về các trường hợp không đề nghị đặc xá, Chủ nhiệm UBTPQH Lê Thị Nga chỉ ra rằng, một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, không đề nghị đặc xá đối với người “trước đó đã được đặc xá” hoặc “có từ 02 tiền án trở lên”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và một số tội khác trong Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, đại diện UBTPQH cho biết: Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp "Trước đó đã được đặc xá” hoặc “Có từ 2 tiền án trở lên”. Quy định này là chặt chẽ, phù hợp và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 12 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, theo đó giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên.

Đồng thời, bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một số tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của Bộ luật Hình sự.

Về thực hiện quyết định đặc xá đối với người nước ngoài, Chủ nhiệm UBTPQH Lê Thị Nga nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để không làm phát sinh thêm điều kiện đặc xá với phạm nhân là người nước ngoài và tránh cách hiểu có sự phân biệt đối xử giữa phạm nhân là người Việt Nam với phạm nhân là người nước ngoài, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng cơ bản giữ lại quy định của Điều 19 Luật hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 5 Điều 14 của dự thảo Luật: Đối với người nước ngoài, trong hồ sơ đề nghị đặc xá cần có văn bản đồng ý tiếp nhận của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người đó là công dân nếu được đặc xá.

Về đặc xá trong trường hợp đặc biệt, Chủ nhiệm UBTP nêu rõ, theo Báo cáo tổng kết Luật Đặc xá, trong 10 năm qua chỉ có 14 người được đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước và quá trình thực hiện không phát sinh vướng mắc.

Do đó, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị tiếp tục giao cho Chủ tịch nước quyền chủ động quyết định mà không quy định cụ thể thế nào là “trường hợp đặc biệt”.

Đồng thời, Điều 22 của dự thảo Luật chỉnh lý đã quy định rõ các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt gồm: người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân để phân biệt với các đối tượng được đặc xá nhân ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước.

 

Đa số đồng tình

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những tiếp thu, giải trình của UBTPQH.

Phát biểu ý kiến, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra rằng, theo dự thảo Chính phủ trình thì một năm có 03 thời điểm đặc xá: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc quy định 3 thời điểm này là hơi dày. Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc đưa ra quan điểm nên quy định thời điểm đặc xá vào 02 thời điểm, đó là Tết Nguyên đán và Tết Độc lập.

Cũng quan tâm về thời điểm đặc xá, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng thời điểm “sự kiện trọng đại của đất nước” hiện chưa có văn bản nào quy định, do đó đề nghị xem xét, nếu có thể sẽ quy định thế nào là sự kiện trọng đại trong Dự thảo Luật, hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề các sự kiện trọng đại.

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn