Trường dạy học sinh tái chế rác, cấm phụ huynh tặng hoa để giảm nilon

Giáo dụcThứ Tư, 31/07/2019 06:55:00 +07:00

Trường Spring Hill dạy trẻ phân loại rác ngay sau bữa ăn, chế biến rác thải thành nước tẩy rửa sinh học, không nhận hoa phụ huynh ngày lễ để bảo vệ môi trường.

Thông điệp "khai giảng không bóng bay" của cô bé 11 tuổi gửi tới 40 trường ở Hà Nội mang ý nghĩa bảo vệ môi trường đang tạo ra hiệu ứng tốt trong môi trường giáo dục

Mới đây, thầy Nguyễn Đức Quang - người điều hành và sáng lập trường Spring Hill (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cho hay, trường chưa bao giờ thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng. Việc coi rác thải là tài nguyên, hạn chế sử dụng nilon, nhựa một lần được thực hiện hàng ngày tại trường.

Làm nước tẩy rửa sinh học từ rác

Trong một hội thảo vừa tổ chức tại Hà Nội, thầy Quang từng kể lại câu chuyện ở Ý về một con cá voi đang mang thai bị chết, trôi dạt vào bờ biển vùng Sardinia. Khi mổ bụng nó, người ta phát hiện bào thai cá voi con và gần 22 kg rác thải nhựa, với rất nhiều túi rác, các loại dây, ống nhựa, túi đựng nước giặt tẩy…

Như vậy, hành vi bình thản vứt rác "vô tội vạ" của con người đang khiến các loài sinh vật trên Trái Đất phải trả giá.

springhill1 10

Rác vỏ hoa quả, củ sẽ dùng làm enzyme, cùng một lượng đường không đáng kể, bỏ vào bình nhựa để lên men thành nước tẩy rửa sinh học.

Với mong muốn bảo vệ môi trường, giải cứu Trái Đất, học sinh trường Spring Hill từ mầm non 2 tuổi đến cấp hai thực hiện dự án “Enzyme - nước tẩy rửa sinh học” từ cuối năm 2018. Thầy cô phát động mỗi học sinh mang đến trường một bình nhựa, sau đó được hướng dẫn làm Enzyme, hiện trên bàn học mỗi học sinh đều có sản phẩm này.

Mỗi ngày tại trường, học sinh tự phục vụ bữa ăn, phân loại rác ngay sau khi sử dụng phần ăn của mình. Xương thịt thừa sẽ cho động vật ăn, rau cỏ dùng ủ phân bón. Rác vỏ hoa quả, củ sẽ dùng làm enzyme, cùng một lượng đường không đáng kể, bỏ vào bình nhựa để lên men thành nước tẩy rửa sinh học.

Nước của bình lên men đầu tiên sẽ được sử dụng để làm mồi (không cần dùng đường). Dự án không tiêu tốn nguyên liệu của Trái Đất, tái sử dụng vỏ chai nhựa, hạn chế xả rác để bảo vệ môi trường.

springhill5 7

Học sinh trường Spring Hill từ mầm non 2 tuổi đến cấp hai đều thực hiện dự án “Enzyme - nước tẩy rửa sinh học” từ cuối năm 2018.

Rác thải từ nhà bếp khi vận chuyển ra nơi xử lý sẽ có mùi hôi thối, khó chịu. Rác thải nhựa khó phân hủy và gây hại đến môi trường, sinh vật biển nói chung. Đó chính là lý do dự án ra đời. Từ sản phẩm nước tẩy rửa sinh học, các thành viên tham gia dự án mong muốn thay đổi thói quen sử dụng của cộng đồng để bảo vệ Trái Đất.

Trong bài học tái chế rác thải, giáo viên hướng dẫn học sinh mỗi ngày mở nắp bình 2 lần vào buổi sáng và tối để quan sát khí bay ra, quan sát áp suất bên trong làm bình phình ra, theo dõi sự chuyển biến màu sắc và mùi của nước trong bình lên men, sự chuyển biến của vỏ quả trong bình.

Sau 3 đến 5 tháng ngâm, các em sẽ có sản phẩm nước enzyme được tạo ra từ rác vỏ quả phục vụ giặt quần áo, cọ sàn nhà, rửa bát. Điều quan trọng học sinh không chỉ học các môn học mà còn hình thành đạo đức, ý thức, hành vi với môi trường.

Một nhóm học sinh trường Spring Hill thu hoạch những mẻ enzyme đã làm, rồi đóng vào các chai nhựa phát cho 40 người sử dụng miễn phí, sau đó sẽ tổng hợp ý kiến cảm nhận để lan tỏa dần dự án. Thầy Nguyễn Đức Quang cho hay, tiến tới nhà tường sẽ cho học sinh thử nghiệm phun nước enzyme lên các chuồng vật nuôi để giảm mùi hôi.

springhill2 6

Học sinh trường Spring Hill vừa thu hoạch những mẻ enzyme mới làm để phát cho 40 người dùng miễn phí.

Chưa từng thả bóng bay, không nhận hoa từ phụ huynh

Nhà trường hạn chế sử dụng túi nylon, thậm chí thầy Nguyễn Đức Quang – người sáng lập và điều hành trường còn “cấm” phụ huynh tặng hoa trong các dịp lễ vì sẽ có nhiều rác thải, túi nylon. 

springhiil3 9

Học sinh thích thú với những ý tưởng bảo vệ môi trường được dạy trên lớp.

Đây cũng là ngôi trường không có truyền thống thả bóng bay vào các ngày lễ và nhà trường không khuyến khích học sinh bọc vở và nhãn vở vì số lượng học sinh không lớn, tự ý thức các em giữ gìn tài sản.

“Tôi cảm thấy xót xa khi đi đâu cũng thấy rác thải nhựa, vì vậy mong muốn học trò cùng thay đổi”, thầy Nguyễn Đức Quang bày tỏ.

Sắp tới, một trong những hoạt động ngoại khóa của trường là cho học sinh nhặt rác ở khu vực xung quanh để người dân biết giữ nơi ở sạch sẽ. Cùng với đó học sinh sẽ phát nước enzyme cho người dân sống xung quanh trường dùng thử, thuyết phục họ tự làm để hạn chế chất tẩy rửa, bảo vệ môi trường.

Nhiều trường khuyến khích học sinh không sử dụng nilon bọc vở

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Hà Nội thông báo: “Năm học này, để chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng nilon, nhựa, nhà trường quy định giáo viên và học sinh không sử dụng nilon để bọc vở. Cô giáo nhờ các bố mẹ cùng nhắc nhở con thực hiện tốt điều này vì một cuộc sống xanh, sạch, đẹp”.

Học sinh trường Đoàn Thị Điểm – Hà Nội cũng tiên hành thống kê số vở bọc nylon khổng lồ dùng trên cả nước cho mỗi năm học, qua đó kêu gọi các trường không quy định bọc vở bằng nylon để bảo vệ môi trường.

Hạ Vũ - Ngọc Anh
Bình luận
vtcnews.vn