Trưởng bản ở Điện Biên: 'Có thể vẫn cho học sinh chui túi nilon vượt suối'

Giáo dụcThứ Sáu, 07/09/2018 12:08:00 +07:00

Trưởng bản Huổi Hạ (Điện Biên) cho biết, trong trường hợp nước vẫn tiếp tục chảy xiết, có thể vẫn phải sử dụng phương án cho các em vào túi nilon đưa qua suối, sau đó cùng các giáo viên, phụ huynh hỗ trợ đưa các em về lại trường.

Video: Học sinh Điện Biên chui túi nilon, vượt suối lũ đến trường

Hình ảnh một số học sinh ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang (một trong những bản xa và khó khăn nhất của huyện Mường Chà, Điện Biên) phải chui vào túi nylon vượt suối đến trường đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Trả lời PV VOV, cô Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Na Sang, xã Na Sang cho biết: Tổng số học sinh của nhà trường ở bản Huổi Hạ là 54 em. Trong số 51 em đã đến trường nhận lớp học, có 5 em vừa được bố mẹ đưa đến nhận lớp trong sáng 6/9.

Đến trưa 6/9, vẫn còn 3 học sinh năm nay lên lớp 6 chưa thể về trường do nước suối vẫn còn cao và chưa có người dân, hay bố mẹ đưa ra.

vov_dienbien_xybg 4

Phương án cho học sinh đi bè được người dân cho biết rất nguy hiểm khi nước suối lên cao, chảy xiết.

Hiện nay, trời đã ngớt mưa, nhà trường cử cán bộ giáo viên vào lại điểm bản để đưa các học sinh này ra ngoài.

Cô giáo Trần Thị Vinh, Hiệu trường Trường Tiểu học số 1 Na Sang cho biết: "Hiện tại vẫn còn 25 học sinh lớp 4, lớp 5 ở bản Huổi Hạ chưa đến được trường. Trong số 4 học sinh có mặt tại trường thời điểm hiện tại, có 2 em học sinh mới về lại trường trong buổi sáng 6/9.

Hiện, nhà trường đang lên phương án cùng các giáo viên vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường kịp thời nhập học đúng lịch.

Ông Vừ A Giống, Trưởng bản Huổi Hạ cho biết, trời đã không còn mưa, nước suối Nậm Chim đã rút bớt, song còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, do đó, bà con tiếp tục cân nhắc, có nên hay không sử dụng phương án đi lại qua suối bằng bè tre, căng dây thừng qua suối, bởi nước suối Nậm Chim chảy rất xiết, khi bè ra giữa dòng bị nước dìm xuống, chòng chành rất nguy hiểm. Nếu học sinh rơi xuống nước sẽ không cứu kịp.

Do đó, trong trường hợp nước vẫn tiếp tục chảy xiết, có thể vẫn phải sử dụng phương án cho các em vào túi nilon đưa qua suối, sau đó cùng các giáo viên, phụ huynh hỗ trợ đưa các em về lại trường.

Sau khi VOV phản ánh vẫn còn tình trạng học sinh phải chui túi nilon qua suối đến trường, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo UBND huyện Mường Chà, các sở có liên quan khẩn trương rà soát đánh giá lại hiện trạng giao thông của khu vực này.

Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: "Trong sáng 6/9, đoàn công tác của Sở GTVT tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các phòng ban chuyên môn của huyện khảo sát thực tế lại hiện trạng giao thông tại đây.

Trước đó, năm 2015, huyện Mường Chà cũng là địa phương nằm trong phê duyệt đề án phát triển kinh tế xã hội 29 xã biên giới theo chỉ đạo của Bộ Chính trị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xây dựng một số cây cầu, một số tuyến đường trong đó có tuyến đường đi bản Nậm Pó và Huổi Hạ. Tuy nhiên, do chưa bố trí được nguồn vốn cho dự án này nên chưa thể thực hiện được.

Cũng theo ông Phú để làm cầu ở những nơi có địa hình phức tạp như Huổi Hạ phải xây dựng những cây cầu sắt mang tính kiên cố, lâu dài với kinh phí khoảng 6 – 7 tỷ đồng.

vov_dienbien1_ynwj 6

Nếu được cấp kinh phí cho đề án phát triển kinh tế xã hội 29 xã biên giới, huyện Mường Chà sẽ ưu tiên làm con đường dài 20km trước, đảm bảo đi lại cho khoảng 1.000 người dân 2 bản Nậm Pó và Huổi Hạ.

Tuy nhiên, khi có kinh phí được phân bổ, chính quyền địa phương cũng sẽ ưu tiên cho việc nâng cấp tuyến đường khoảng 20km qua các bản Nậm Pó và Huổi Hạ đảm bảo đi lại cho khoảng 1.000 dân cư đang sinh sống trong khu vực. Sau đó sẽ cân đối đến việc làm loại cầu gì cho phù hợp với kinh phí và thực tế ở địa phương.

Đối với các thông tin trái chiều trên mạng xã hội, cho rằng phóng viên VOV sắp đặt hình ảnh học sinh chui vào túi nilon qua suối lũ đến trường khai giảng, ông Nguyễn Minh Phú cho biết đây là những hình ảnh rất đau lòng, nhưng lại là thực tế diễn ra trên địa bàn trong thời gian qua.

chui_nilon_sdvk 4

Một số ý kiến cho rằng phóng sự VOV.VN đăng tải ngày 5/9 có sự dàn dựng, sắp đặt. Hai học sinh nam trong phóng sự là một người. Tuy nhiên, đây là 2 cậu bé khác nhau. 1 em đã chui vào túi nilon vượt suối, còn 1 em đi bè qua suối. Hiện 2 em đã kịp đến trường khai giảng và vào học.

Hiện, không chỉ Huổi Hạ mà còn rất nhiều bản làng trên địa bàn huyện còn gặp rất nhiều khó khăn trong đi lại khi mùa mưa lũ đến. Ông Phú cho biết đã nhận được chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên và yêu cầu các trường, chính quyền cơ sở không bất chấp mưa lũ để đưa các cháu ra ngoài bằng mọi cách. Khi nước suối rút bớt, sẽ phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em khi đi qua.

Trước đó, tối 5/9, trả lời phóng viên VOV, ông Lê Văn Quý, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết: "Ngay sau khi VOV phản ánh, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các ngành liên quan và huyện Mường Chà kiểm tra và báo cáo thực trạng này. Kết quả khẳng định, những thông tin VOV phản ánh về học sinh bản Huổi Hạ phải chui túi nilon vượt suối lũ đến trường là hoàn toàn chính xác. UBND tỉnh Điện Biên sẽ sớm tìm phương án khắc phục thực trạng.

Đối với cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên có những lời lẽ không đúng trên mạng xã hội, UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên kiểm điểm cán bộ này, yêu cầu gỡ bỏ các bài viết trên mạng xã hội và chính thức xin lỗi VOV trong thời gian sớm nhất.

VOV.VN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

(Nguồn: VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn