Trận Điện Biên Phủ trên không, Trung tướng Trần Hanh: Bom B52 ném xuống thành tấm thảm rực cháy Thủ đô

Thời sựThứ Bảy, 02/12/2017 22:30:00 +07:00

Nói về trận đánh Điện Biên Phủ trên không, Trung tướng Trần Hanh hồi tưởng, ông nhìn thấy rõ những vệt bom B52 trải dài ném xuống, thành tấm thảm rực cháy tại Thủ đô.

Chiều 2/12, buổi họp mặt kỷ niệm 45 năm chiến thắng "Hà Nội Điện Biên Phủ trên không" diễn ra tại Hội trường Sư đoàn Không quân 370 (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM).

Buổi họp mặt có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các lãnh đạo, thủ trưởng của các đơn vị thuộc lực lượng quân chủng phòng không không quân. Ngoài ra, còn có sự tham gia của nhiều phi công đã trực tiếp tham gia trận đánh Điện Biên Phủ trên không vang dội năm 1972.

Tại buổi họp mặt, Trung tướng Trần Hanh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ những câu chuyện về các phi công anh dũng, cảm tử hy sinh. Trong số đó, có phi công trẻ Vũ Xuân Thiều, hy sinh vào đêm 28/12/1972 sau khi tiêu diệt một máy bay địch.

IMG_5612

Trung tướng Trần Hanh chia sẻ câu chuyện tại buổi gặp gỡ. 

"Chiến thắng đã diễn ra 45 năm, nhưng tôi vẫn nhớ những khoảnh khắc lịch sử ấy...Tôi đã nhìn thấy rõ những vệt bom B52 trải dài ném xuống, tàn phá ác liệt nhà cửa ở Thủ đô Hà Nội. Nó trải thành tấm thảm rực cháy tại Thủ đô, tôi chảy nước mắt và hạ quyết tâm chiến đấu, chiến thắng. Phi công tiêm kích của ta được lệnh liên tục cất cánh từ sân bay Nội Bài và đã bắn rơi nhiều máy bay của địch...", Trung tướng Hanh chia sẻ.

Trước khi phi công Thiều được lệnh xuất kích, các thủ trưởng đã đến thăm anh. Lúc này, người chiến sỹ ấy vừa chỉ ngoài 20, vốn là sinh viên của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đang viết thư cho người yêu trên một tờ giấy màu hồng.

IMG_5572 3

 Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự buổi lễ.

"Thiều được lệnh cất cánh từ sân bay dã chiến Cẩm Thủy. Sở chỉ huy Thọ Xuân cho Thiều đi hướng tây để sẵn sàng đón đánh tốp B-52 vào theo hướng này. Các chỉ huy tính toán và quyết định dẫn MiG của Thiều vào đánh B-52, lệnh cho Thiều lấy độ cao, bay tránh tốp tiêm kích hộ tống.

Lúc 21h52, chỉ huy lệnh Thiều vòng phải, bay hướng 360 độ, thông báo mục tiêu phía trước 50 độ, cự ly 15km, nhưng do nhiễu quá nặng, Thiều vẫn chưa phát hiện được mục tiêu. Lúc 21h58, khi đến Sơn La, phát hiện mục tiêu, anh lập tức báo cáo và tăng tốc độ bám sát", Trung tướng Hanh hồi tưởng.

IMG_9745 7

 Trung tướng Phạm Tuân, người đầu tiên của Việt Nam và Châu Á bay lên vũ trụ.

Khi 2 quả tên lửa được bắn ra, chiếc B-52 bùng cháy, rơi xuống gần khu vực bản Cò Nòi, Sơn La cũng là lúc phi công trẻ Vũ Công Thiều hy sinh anh dũng.

Trước những chia sẻ của Trung tướng Hanh, cả hội trường gần như lặng đi. Thiếu tướng Lâm Quang Đại, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định: "Các cựu phi công chiến đấu anh dũng làm nên những chiến công hiển hách, và là nhân chứng của lịch sử.

Duy nhất trên thế giới chỉ có những phi công Việt Nam và MiG 17, MiG 21 đã chiến thắng những chiếc B-52 hiện đại cùng với các phi công sừng sỏ của không lực Hoa Kỳ".

Nhật Linh - Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn