Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và những chuyện chưa kể ngày giải phóng miền Nam

Phóng sựThứ Tư, 29/04/2020 08:30:00 +07:00
(VTC News) -

Dù đã ở cái tuổi xế chiều, nhưng những ký ức về một thời chiến đấu hào hùng cùng đồng đội giải phóng hoàn toàn miền Nam vẫn còn vẹn nguyên trong ông.

45 năm đã trôi qua, ký ức về những ngày tháng chiến đấu ác liệt để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) vẫn còn in đậm trong tâm trí của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – khi ấy là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3, trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975; sau này, ông đảm nhiệm vị trí Tư lệnh Quân khu 4; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tục (VIII, IX, X).

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và những chuyện chưa kể ngày giải phóng miền Nam - 1

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. (ảnh: KT)

Đột biến về chiến lược để giải phóng Miền Nam

Người lính năm xưa bắt đầu câu chuyện của mình về trận đánh mở màn – một “cú sốc” cho kẻ địch đó là chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4/3 - 3/4/1975) đã tiêu diệt và đập tan toàn bộ hệ thống phòng ngự của Mỹ, nguỵ ở Tây Nguyên, tạo ra đột biến về chiến lược và điều kiện thuận lợi để tiến hành cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Ngày 4/3/1975 chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Bằng nghệ thuật và cách đánh tài tình, đến ngày 3/4/1975, quân ta giải phóng được các tỉnh của Tây Nguyên và 3 tỉnh của Trung Trung bộ. Như vậy, chiến trường miền Nam của địch bị cắt ra làm 3: Huế - Đà Nẵng và Bình Trị Thiên ở phía Bắc; Sài Gòn, Nam bộ trở vào, còn đoạn giữa hoàn toàn quân ta làm chủ từ Bình Định đến Khánh Hòa. Cùng thời gian đó, Bắc Đà Nẵng được giải phóng, rồi đến Bình Trị Thiên và Quảng Nam, Quảng Ngãi.

“Như vậy thời cơ chúng ta tập trung hết lực lượng để giải phóng miền Nam đã đến. Quân khu 1, quân khu 2, quân đoàn 1, quân đoàn 2 của địch bị hoàn toàn tiêu diệt, chỉ còn quân đoàn 3, quân đoàn 4 tại Nam Bộ. 2 sư đoàn thủy quân lục chiến và lữ đoàn dù, tức lực lượng tổng dự bị của địch đang tập trung ở phía Bắc để đối phó với chủ lực của ta.

Như vậy, thực tế chủ lực miền Nam của ngụy lúc bấy giờ không còn bao nhiêu. Quyết tâm của Bộ Chính trị trước đây là sẽ giải phóng miền Nam trong 2 năm, nhưng chiến dịch tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột đã mở ra một đột phá, tạo ra điều kiện tất yếu không thể khác được, phải giải phóng miền Nam trước mùa mưa” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và những chuyện chưa kể ngày giải phóng miền Nam - 2

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. (ảnh: TTXVN)

Sau khi giải phóng Tây Nguyên, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Trong 27 ngày, quân ta tập trung huy động toàn lực lượng của 4 quân đoàn và 1 lực lượng tương đương quân đoàn để chớp được thời cơ. Nếu không đánh nhanh thì địch sẽ có điều kiện, thời gian để củng cố lại lực lượng thì khi đó tình hình chiến sự sẽ gặp khó khăn, phức tạp hơn.

Trong bối cảnh đó, quân ta cũng gặp vô vàn khó khăn, riêng về hậu cần cũng rất phức tạp. Xe ở đâu để huy động được trên 10 vạn quân từ phía Bắc vào Sài Gòn? Hàng vạn xe ô tô để chở quân, hàng nghìn xe tăng, xe thiết giáp, hàng vạn xe pháo binh cơ giới lấy ở đâu? Trong khi đó, xăng dầu đều được lấy từ nguồn miền Bắc vào.

Cho nên, việc huy động từ miền Bắc, tập trung dồn hết tất cả nguồn lực để giải phóng miền Nam là một cố gắng, nỗ lực rất lớn của quân dân ta.

Theo vị tướng quân đội, khó khăn là thế nhưng phía ta cũng gặp được những thuận lợi nhất định đó là sự quyết tâm, khát vọng giải phóng bằng được miền Nam thống nhất đất nước. Ý chí của Đảng đã quy tụ được toàn dân, toàn quân từ Nam tới Bắc đồng lòng ủng hộ dồn hết sức lực để có ngày 30/4 toàn thắng.

“Nhân dân miền Nam khát vọng lắm. Lúc vào Sài Gòn, tôi đi với mũi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu về Dinh Độc lập thì mới biết người dân miền Nam đang chờ mong, nóng ruột chờ bộ đội ta vào. Lúc đó không khí căng thẳng, xúc động lắm” – tướng Thước chia sẻ.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, quân ta tạo bất ngờ bằng lực lượng áp đảo, tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cùng lực lượng địa phương trong địa bàn chiến dịch. Một mặt chúng ta hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch lại không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn bộ binh chủ lực của địch phòng thủ vòng ngoài; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven và đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã chọn trong nội thành Sài Gòn.

Ngày 30/4/1975, các binh đoàn của ta đã thọc sâu tiến chiếm ngay các mục tiêu chiến lược, bắt toàn bộ nội các bù nhìn của địch, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng…

 “Khoảng 11h đến 11h30, cả 5 mục tiêu của Sài Gòn đều được giải phóng cùng một lúc, điều đó nói lên nghệ thuật điều binh, khiển tướng của 5 quân đoàn của ta và cùng vào 5 mục tiêu đã tạo nên lịch sử oai hùng. Tài nghệ của Bộ Chỉ huy chiến dịch, quyết tâm của các mũi tấn công đã làm nên sức mạnh giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đơn vị nào cũng có một quyết tâm là vào Sài Gòn chiếm lĩnh mục tiêu nhanh nhất và cuối cùng 5 đơn vị đều bằng nhau. Khí thế bộ đội là như vậy” – tướng Thước kể lại.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và những chuyện chưa kể ngày giải phóng miền Nam - 3

Xe tăng của Lữ đoàn tăng - thiết giáp 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. (Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN)

Nuối tiếc những đồng đội hy sinh trước giờ toàn thắng

Kể về ngày 30/4/1975, trong ánh mắt của vị Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên năm xưa ánh lên niềm tự hào vì được góp một phần công sức trong cuộc chiến giành lại hòa bình, thống nhất cho dân tộc. Với ông, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh về những người đồng đội, đồng chí hy sinh gan dạ trước giây phút hòa bình là một điều khiến ông nuối tiếc và day dứt nhất.

“10 năm chống Mỹ, Quân đoàn 3 có gần 3 vạn người đã hy sinh. Nhưng hơn 1 giờ trước giây phút hòa bình, hơn 120 đồng chí đã ngã xuống để dành lại nền độc lập cho đất nước này. Nếu Dương Văn Minh đầu hàng sớm hơn, vào lúc 9h45 sáng 30/4/1975 thì Quân đoàn 3 đã cứu được hơn 120 đồng chí liệt sỹ. Chứng kiến khung cảnh đó, chúng tôi rất đau đớn”– nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 chia sẻ.

Sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, tiếng súng ở các nơi trong nội đô Sài Gòn thưa dần, nhưng trận đánh tại khu vực Lăng Cha Cả vẫn diễn ra ác liệt.

Khi cùng đồng đội đi thọc sâu từ đường Lăng Cha Cả, đường Lê Văn Duyệt, mặc dù hai bên ta và địch còn đánh nhau nhưng ông Nguyễn Quốc Thước thấy hai bên đường, người dân từ già trẻ, gái trai, thậm chí còn có các cháu nhỏ chạy ra đường vẫy cờ hoa, đón bộ đội, tiếp tế những nắm cơm vắt với thức ăn, trứng gà cho vào giỏ của độ đội.

“Trên con đường 4km như vậy tràn ngập cờ hoa dưới hai làn đạn của hai bên ta và địch. Nhân dân ta là như vậy, không sợ bom đạn mà lao ra đường cổ vũ, tiếp tế cho bộ đội. Họ không sợ chết bởi khát vọng hòa bình đã được họ chờ đợi hơn 30 năm, sự dồn nén đó được bùng ra một cách quyết liệt” – vị tướng kể lại.

Theo Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, những khó khăn, vất cả trong hàng chục năm chiến đấu dường tan biến khi ông cùng đồng đội chứng kiến giờ phút Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, hai miền Nam Bắc thu về một mối. Người dân reo hò, vẫy cờ hoa dọc hai bên đường đón đoàn quân giải phóng vào Sài Gòn trong niềm tự hào, phấn khởi không tả xiết.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và những chuyện chưa kể ngày giải phóng miền Nam - 4

Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường, nồng nhiệt chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố. (Ảnh: TTXVN)

“Đêm 30/4 là một đêm không ngủ của Tư lệnh, chính ủy, cho tới các chiến sỹ. Chúng tôi thức trắng để hàn huyên với nhau, phấn khởi reo hò với nhau. Sáng hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát của đồng chí Phạm Tuyên: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”.

Bài hát khiến chúng tôi rất xúc động, trong giờ phút thống nhất, Bắc Nam xum họp như vẫn có Bác ở đây, nghe lời Bác dặn đánh thắng được giặc Mỹ, chúng ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước kể lại.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã lùi vào quá khứ, nhưng những giá trị truyền thống và bài học lịch sử của nó vẫn còn nguyên giá trị.

Đó là bài học về sức mạnh của đường lối dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Miền Bắc đã dồn hết sức người, sức của cho miền Nam và miền Nam quyết tâm cùng miền Bắc, cùng quân đội tiến hành giải phóng.

Nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên cho rằng, còn một bài học không thể không nhắc đến đó là trong bất kỳ nhiệm vụ nào, trong chiến tranh hay trong hòa bình, trong bảo vệ Tổ quốc hay xây dựng đất nước đều phải có được sức mạnh của toàn dân.

Bài học này chúng ta thấy rất rõ trong thời gian gần đây khi đại dịch COVID-19 hoành hành, mặc dù Việt Nam còn khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước có chủ trương, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”.

Quyết tâm của Đảng, Nhà nước đã được toàn dân đồng lòng ủng hộ nên nước ta đã hạn chế rất nhiều tổn thất mà thế giới hiện nay đang học tập.

“Bài học đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa Đảng với dân, quân và dân chung một ý chí thì chắc chắn việc gì chúng ta cũng sẽ làm được” – Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhấn mạnh.

Kim Anh/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn