Trung tâm khí tượng: 'Tất cả các nước đều không dự báo đúng tốc độ suy yếu của bão số 16'

Thời sựThứ Tư, 27/12/2017 11:53:00 +07:00

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, tất cả các nước đều không dự báo đúng tốc độ suy yếu nhanh của bão số 16 (Tembin).

Cơn bão số 16 vừa qua là cơn bão muộn và mạnh chưa từng có hướng vào khu vực Nam Bộ. Thời điểm ban đầu, cơ quan khí tượng dự báo khi đổ bộ vào tối và đêm 25/12, bão sẽ vẫn mạnh cấp 10-11, thậm chí khi sang đến bờ biển phía Tây Nam Bộ vẫn giữ cấp 9, giật cấp 11.

15 tỉnh Nam Bộ đã lên kế hoạch di dời khoảng 1,2 triệu dân và chằng chống hơn 400.000 ngôi nhà.

Tuy nhiên từ sáng 25/12, bão số 16 di chuyển chậm lại và yếu nhanh. Đến 22h ngày 25/12, khi quét qua Côn Đảo, bão chỉ còn cấp 7-8, giật cấp 9 và đến rạng sáng 26/12 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Phía Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương giải thích, từ khi hình thành ngày 20/12 trên phía đông nam Philippines, các trung tâm dự báo bão quốc tế đều phát bản tin dự báo về cơn bão này.

bão số 16,cơn bão số 16,bão Tembin,cơn bão Tembin,dự báo bão,tin bão

Dự báo của các trung tâm dự báo quốc tế (trên) và của Việt Nam thời điểm 7h ngày 21/12 

Đến 7h ngày 21/12, sau khi cơn bão di chuyển vào Nam Philippines, Việt Nam bắt đầu phát bản tin bão gần Biển Đông.

Các đài dự báo của Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hồng Kông đều cho rằng bão số 16 sẽ đổ bộ và đất liền nước ta với sức gió mạnh nhất cấp 10-11, hướng vào Nam Bộ.

Các đài cũng thống nhất dự báo bão sẽ mạnh dần lên và đạt cường độ mạnh nhất khi vào quần đảo Trường Sa, sau đó sẽ yếu dần. Thực tế bão số 16 có diễn biến đúng như vậy.

Khi bão đi vào quần đảo Trường Sa, các nước xác định bão có sức gió mạnh nhất đến cấp 12-13, giật trên cấp 15.

Riêng Việt Nam, do có hệ thống quan trắc tại Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Huyền Trân, DK1/7, DK1/19 với tần suất 3 tiếng/lần nên xác định bão chỉ có gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Thậm chí khi bão vào quần đảo Trường Sa, sóng biển gây nước ngập nhà trạm 1m nhưng 5 quan trắc viên vẫn liên tục thực hiện quan trắc 30 phút/ca để gửi số liệu về trung tâm.

Đến trưa 25/12, Nhật Bản vẫn dự báo bão ở cấp 12, giật cấp 15, sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14 và sau đó ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió mạnh nhất cấp 9, giật cấp 11.

Việt Nam do có số liệu quan trắc ở bề mặt nên xác định vào thời điểm đó bão cấp 10-11, giật cấp 13 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Côn Đảo với sức gió cấp 9, giật cấp 12 và sẽ ảnh hưởng đất liền với sức gió cấp 8, giật cấp 11.

Đến đêm 25/12, hầu hết các trung tâm quốc tế đều xác định bão số 16 ở mức cấp 8 và sẽ ảnh hưởng trực tiếp Cà Mau với sức gió cấp 8, giật cấp 10. Tuy nhiên, Việt Nam xác định bão số 16 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và sẽ tiếp tục suy yếu nhanh trong các giờ tiếp theo và chỉ có thể gây gió giật mạnh cho đất liền.

Phía Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, các trung tâm lớn trên thế giới đều dự báo tốt bão số 16 về quỹ đạo và cường độ từ Philippines đến quần đảo Trường Sa.

“Tuy nhiên tất cả các nước đều không dự báo đúng diễn biến của bão từ sau đó, nhất là về tốc độ suy yếu nhanh của bão”, Trung tâm khí tượng nhận định.

Do có các trạm đo ở khu vực Biển Đông nên Việt Nam xác định vị trí, cường độ bão sát với thực tế cơn bão hơn. Tính tổng thể cả cơn bão 16, độ tin cậy về dự báo của Việt Nam tương tự như các nước.

Video: Bão số 16 tan, mưa lớn dồn đập đổ xuống miền Trung

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn