Trung Quốc xây đường băng trên Đá Chữ Thập của Việt Nam

Thế giớiThứ Sáu, 17/04/2015 01:40:00 +07:00

Sau khi cải tạo, Trung Quốc đang tổ chức xây dựng đường băng có thể dài tới 3.000m trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

(VTC News) - Sau khi cải tạo, Trung Quốc tổ chức xây dựng đường băng có thể dài tới 3.000m trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tạp chí quân sự IHS Jane's đưa ra những hình ảnh vệ tinh cho thấy công trình đang được xây dựng trên nền đất cải tạo ở đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Theo báo cáo của IHS Jane's, khu đất cải tạo có thể xây được đường băng dài tới 3.000m.
Đường băng bắt đầu xuất hiện trên Đá Chữ Thập
Đường băng bắt đầu xuất hiện trên Đá Chữ Thập 
Hình ảnh chụp vệ tinh ngày 23/3 cho thấy phần đường băng đã được trải nhựa nằm ở phía Đông Bắc đá Chữ Thập và các khu vực xung quanh đang được mở rộng mặt bằng.

Với chiều dài có thể lên đến 3.000m, đây là đường băng thích hợp cho mục đích quân sự khi so sánh với các đường băng quân sự thường dài từ 2.700 – 4.000m trên đất liền của Trung Quốc.

Hiện nay, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền một cách vô lý về những khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam trên đảo Trường Sa.

Mặc dù gặp phải nhiều phản đối về việc cải tạo trái phép các đảo chìm, nổi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Trung Quốc vẫn lu loa rằng công việc của mình là hợp pháp và để bảo vệ cái gọi là chủ quyền của họ ở Biển Đông.
đá vành khăn
Trung Quốc cải tạo Đá Vành Khăn 
Ngày 9/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ AshCarter lên tiếng bày tỏ quan ngại về vấn đề này khi các hình ảnh vệ tinh cho thấy quy mô cải tạo đất, cũng như xây dựng các công trình mới của Trung Quốc tại khu vực Đá Vành Khăn (gần đảo Trường Sa, Việt Nam).

Việc bồi đắp và nạo vét cát biển của Trung Quốc diễn ra với tốc độ chóng mặt. Trang New York Times cho biết, các hoạt động này chỉ bắt đầu từ tháng 1/2015, tuy nhiên, cho tới nay một khối lượng cát biển khổng lồ đã được đưa lên và tạo thành các hòn đảo rộng lớn.

Những hình ảnh từ vệ tinh cho thấy các công trình quân sự trên các hòn đảo nhân tạo này hiện trong giai đoạn hoàn thành và có sức chứa lên tới 500 - 800 binh lính, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực.

Người đứng đầu trang web nổi tiếng của châu Á, Maritime Transparency Initiative (Minh bạch hàng hải), Mira Rapp-Hooper nói: "Các hành động của Trung Quốc tại khu vực Đá Vành Khăn là bằng chứng rõ về mưu đồ lấn chiếm lãnh thổ của Bắc Kinh là hành vi là rõ ràng và có hệ thống".

"Trung Quốc sẽ có thể nhanh chóng tiến hành các động thái quân sự tại vị trí cách lãnh thổ của họ hàng nghìn km và điều này khiến căng thẳng trong khu vực Biển Đông ngày một leo thang" - bà Mira cho biết.

Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam

Hồi đầu tháng, Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang có hành động 'cải tạo đất đai chưa từng có' nhằm tạo ra 'vạn lý trường thành' bằng cát trái phép trên Biển Đông.

Phát biểu tại hội nghị hải quân ở Australia, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris nói 'Trung Quốc đang bơm cát vào những rặng san hô sống, trong đó có những vùng ngập nước rồi đổ bê tông và đã tạo ra được khu đất rộng 4km2 trên Biển Đông'.

Harris nhắc nhở rằng Biển Đông là nơi có những hòn đảo tự nhiên xinh đẹp nhưng hiện nay, ở đây đang có một sự thay đổi rõ rệt khi Bắc Kinh ra sức nạo vét cát và dùng các phương tiện để cải tạo trái phép.

Mối quan tâm của Mỹ đến động thái này của Trung Quốc vì những hòn đảo nhân tạo có khả năng được sử dụng về mục đích quân sự, bên cạnh đó là giúp Bắc Kinh đưa ra các tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông.

Mỹ kêu gọi tất cả các bên tuân thủ theo DOC, trong đó các bên cam kết "kiềm chế trong các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định".

Cuối tháng 3 vừa qua, các thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ cho rằng Washington cần có chiến lược chính thức để làm chậm và ngăn chặn quá trình này của Bắc Kinh.

Trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain và Bob Corker cùng thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jack Reed và Bob Menendez nói 'nếu không có một chiến lược toàn diện, những lợi ích lâu dài của Mỹ, cũng như của các đồng minh và đối tác (ở khu vực biển Đông) sẽ đứng trước rủi ro rất lớn'.

Video Trường Sa, Hoàng Sa qua tranh cát

Các thượng nghị sĩ cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo trái phép các đảo trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể tạo điều kiện cho Bắc Kinh mở rộng tầm hoạt động quân sự và đó là thách thức trực tiếp với không chỉ Mỹ mà còn cho khu vực và cộng đồng quốc tế.

Liên quan những việc làm ngang ngược của Trung Quốc tại Trường Sa và Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi việc làm của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là phi pháp và vô giá trị”.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, nghiêm túc thực hiện DOC, chấm dứt ngay việc cải tạo và xây dựng công trình, phá vỡ nguyên trạng quần đảo Trường Sa và không để tái diễn những hành động sai trái tương tự.

Tùng Đinh
(theo BBC)
Bình luận
vtcnews.vn