Trung Quốc xâm phạm ở Bãi Tư Chính nghiêm trọng gấp trăm nghìn lần sự việc HD981 năm 2014

Thế giớiThứ Bảy, 31/08/2019 11:35:00 +07:00

Chuyên gia đánh giá, việc Trung Quốc điều nhóm tàu khảo sát EEZ vào thềm lục địa Việt Nam nghiêm trọng gấp trăm nghìn lần vi phạm của giàn khoan HD981 năm 2014.

Ngày 13/8/2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 (HD8) cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc quay trở lại xâm phạm nghiêm trọng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam chỉ vài ngày sau khi rút (ngày 7/8).

Bộ Ngoại giao Việt Nam ngay lập tức lên tiếng phản đối hành vi tái vi phạm nghiêm trọng này của Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam. “Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

cuong

Thiếu tướng Lê Văn Cương. 

Trả lời phỏng vấn VTC News, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược/ Bộ Công an, phân tích mức độ nguy hiểm của hành vi tái xâm phạm vùng biển Việt Nam của nhóm tàu Trung Quốc.

- Mức độ nguy hiểm của hành vi tái vi phạm của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam vừa qua thế nào, thưa ông?

Phải khẳng định rằng, hành động đưa tàu khảo sát HD8 và nhóm tàu hộ tống liên tiếp xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thời gian vừa qua có tính chất nghiêm trọng gấp trăm nghìn lần hành vi vi phạm của giàn khoan HD981 từ 01/5 – 15/7 năm 2014.

Thứ nhất, tại khu vực mà HD981 ngang nhiên xâm phạm, có trữ lượng dầu khí không đáng kể. Thứ hai, tại thời điểm đó, đây là phép thử phản ứng của cộng động quốc tế, đồng thời là thực hiện mưu đồ “giương đông kích tây” của Trung Quốc, khi lôi kéo sự quan tâm của cả Việt Nam và dư luận thế giới tập trung vào HD981 để Trung Quốc thoải mái bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc đã triển khai bồi đắp và xây dựng phi pháp tổng cộng 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa. Sau khi đạt được mục đích thì Trung Quốc lập tức rút giàn khoan về. Còn lần này, với việc điều tàu khảo sát HD8 đến lô dầu khí 06.01 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc có nhiều mục đích hơn nhiều, trong đó có cả mục đích về kinh tế, chính trị ngoại giao.

 
Với việc điều tàu khảo sát HD8 đến lô dầu khí 06.01 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc có nhiều mục đích hơn nhiều, trong đó có cả mục đích về kinh tế, chính trị ngoại giao.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

- Mục đích cụ thể của Trung Quốc qua sự việc này là…?

Vị trí mà HD981 hạ đặt trong sự kiện năm 2014 thuộc trong lô dầu khí mà Việt Nam đánh số 143 và chưa thăm dò, khai thác, nhưng được đánh giá là ít trữ lượng dầu. Toàn bộ các bồn trũng dầu nằm trong tam giác Tư Chính – Vũng Mây – Nam Công Sơn mới là vựa dầu lớn nhất ở Biển Đông, mà Việt Nam có lịch sử khai thác suốt 35 năm qua.

Lần này, Trung Quốc kéo tàu vào khu vực Bãi Tư Chính chính là nhằm đánh thẳng vào “dạ dày kinh tế” của Việt Nam, với mục đích là phá Việt Nam về kinh tế. Đây là ý đồ cực kỳ nguy hiểm.

Song song với mục đích kinh tế là mục đích chính trị - ngoại giao. Năm 2017, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao lần thứ 25 Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng; từ ngày 11-13/9/2018, tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Hà Nội; đầu năm nay cũng tổ chức thành công mỹ mãn cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều; đến tháng 6 vừa qua, 192/193 quốc gia bầu cho Việt Nam vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Có vẻ như vị thế, vai trò của Việt Nam ở trong khu vực và trên thế giới đang lên. Và Trung Quốc muốn đánh thẳng vào đó đúng thời điểm này. Đây là một phép thử: nếu Việt Nam phản ứng không đầy đủ và quyết liệt thì thế giới sẽ có những đánh giá khác đi về Việt Nam.

Xét trên mọi phương diện, sự việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát HD8 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là cực kỳ nguy hiểm.

- Liệu động thái liên tiếp gây gia tăng căng thẳng ở Biển Đông có liên quan đến các vấn đề Trung Quốc đang gặp phải?

Kinh tế Trung Quốc đang rơi vào tình cảnh khó khăn. Trong mối quan hệ đối ngoại, nhiều nước cũng không còn tin vào Trung Quốc nữa, đặc biệt là liên quan đến cuộc thương chiến với Mỹ. Do đó, đây có thể là “đòn gió” để thử phản ứng của Mỹ, thử xem mối liên hệ giữa Mỹ và Việt Nam thế nào, thử phản ứng trước cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông, và cũng là phép thử đối với mối quan hệ, tình đoàn kết giữa các nước trong ASEAN.

- Trung Quốc có phải đang muốn leo thang căng thẳng với cả Việt Nam, Malaysia và Philippines tại Biển Đông không, thưa ông?

Những hành vi liên quan đến các nước khác như Malaysia và Philippines có tính chất khác. Chúng ta không nên đặt các sự việc này bên cạnh hành động của nhóm tàu Trung Quốc tại vùng biển Việt Nam. Trung Quốc sẽ bằng mọi cách lôi kéo Philippines và Malaysia về phía họ để cô lập Việt Nam. Không bao giờ họ lại “dại dột” gây căng thẳng cùng lúc với cả 3 nước này như nhau. Tính chất, quy mô và hậu quả là hoàn toàn khác nhau. Trung Quốc đủ tính táo để không đẩy cả 3 nước về phía đối địch.

- Trước ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc, chúng ta cần đối sách thế nào?

Việt Nam trên thực địa lần này đã có xử lý đúng mức: cho tàu ra ngăn chặn hoạt động quấy nhiễu của Trung Quốc. Với cách hành xử như vậy, tôi cho là tích cực. Về mặt ngoại giao, Nhà nước ta trao công hàm phản đối cho Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng đã có những phát ngôn chuẩn mực, mạnh mẽ và kịp thời. Trong tình huống chính trị hiện nay giữa Việt Nam với Trung Quốc, tôi cho rằng, những phản ứng như thế là đúng mức.

Nhiều người cho rằng Việt Nam phản ứng chưa đủ là không đúng. Đúng hay không đúng, đủ hay không đủ, mạnh hay yếu là phải tùy theo mối quan hệ chính trị. Tôi cho rằng, những phản ứng của Việt Nam là hợp lý khi thể hiện được thái độ kiên quyết, rõ ràng, mạch lạc. Nhà nước ta cũng cho báo chí đưa tin, phản ánh đúng tình hình, qua đó làm thức tỉnh 100 triệu người Việt Nam cần phải cảnh giác với Trung Quốc. Đây là phản ứng rất tích cực của chúng ta.

- Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, liệu chúng ta có nên đưa vụ việc ra Tòa án Quốc tế?

Việc kiện thì theo tôi thời điểm này chưa phải lúc. Chúng ta không nói không kiện Trung Quốc, vì kiện Trung Quốc cũng là một biện pháp đấu tranh hòa bình mà tất cả các nước trên thế giới này đều sử dụng, chứ không riêng Việt Nam. 

Chúng ta vẫn có sự chuẩn bị, nhưng chưa phải lúc. Phải chọn thời điểm, vì ta với Trung Quốc khác ta với Campuchia, Thái Lan: Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thời điểm lúc nào và kiện cái gì thì cần phải tính toán.

- Việc Việt Nam sẽ đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong thời gian tới phải chăng là yếu tố thuận lợi?

Năm 2020, chúng ta cùng lúc đảm nhiệm 2 vị trí quan trọng: Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là điều kiện thực sự quan trọng và lợi thế để Việt Nam phát huy vai trò tại khu vực và trên thế giới, trong đó có việc tiến hành cuộc đấu tranh bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, nhằm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của chúng ta trên Biển Đông.

Đây là điều kiện hết sức thuận lợi. Có thể thấy, trong năm 2019, mặc dù chúng ta chưa phải là chủ tịch ASEAN, nhưng những phát biểu của đồng chí Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) tại Băng Cốc đã có những tác động rất lớn. Năm tới, chúng ta chắc chắn sẽ còn phát huy được hơn nữa vị thế, vai trò của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Tường
Bình luận
vtcnews.vn