Trung Quốc úp mở việc giám sát Biển Đông bằng vệ tinh

Thế giớiThứ Tư, 05/09/2012 05:00:00 +07:00

(VTC News) – Giới quân sự Bắc Kinh công khai lên tiếng tham vọng giám sát toàn bộ Biển Đông bằng vệ tinh, và vu khống một số nước ASEAN xâm chiếm lãnh thổ.

(VTC News) – Giới quân sự Bắc Kinh công khai lên tiếng tham vọng giám sát toàn bộ Biển Đông bằng vệ tinh, và vu khống một số nước ASEAN xâm chiếm lãnh thổ.

Hôm 3/9, Cục hải dương học Trung Quốc tuyên bố, họ đã đưa toàn bộ quần đảo Trường Sa, bãi đá Scarborough/Hoàng Nham vào 'tầm ngắm' của vệ tinh nước này. 
Thậm chí, quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản cũng được nói là “chịu sự giám sát” của vệ tinh Trung Quốc.
Theo Nhân dân nhật báo, vệ tinh Trung Quốc hiện có thể chụp hình rõ vật thể kích cỡ từ 0.5m trở lên, và bao phủ vùng biển có diện tích 500km2.
Tàu chiến Trung Quốc và Đài Loan tập trận chung 

Trang mạng quân sự Trung Quốc đưa tin, hệ thống giám sát vệ tinh được nước này xây dựng từ năm 2006, bắt đầu vận hành từ 2009. Đến năm nay, hệ thống này được kết nối chặt chẽ với mạng máy tính và lưu dưới dạng thông tin số hóa, cung cấp thông tin cho ngành hải sản và quân sự. 
Theo đó, Trung Quốc đang có nhiều vệ tinh làm nhiệm vụ giám sát chủ quyền lãnh hải, trong đó, nhiệm vụ chủ yếu được thực hiện bởi vệ tinh Tư Nguyên 01 và Tư Nguyên 03 do nước này tự sản xuất. 
“Đây là bước đi nằm trong chiến lược quốc phòng biển với mục đích xây dựng bản đồ số hóa toàn bộ vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc”, trang mạng quân sự Trung Quốc ngạo mạn nói.
 
Trung Quốc xây căn cứ quân sự chiến lược trên Biển Đông 
Liên quan tới những tranh chấp chủ quyền trên biển, Hồng Lỗi - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trắng trợn nói hôm 4/9: “Những căng thẳng trên Biển Đông là do một số quốc gia trong khối ASEAN đã xâm chiếm các đảo thuộc chủ quyền Trung Quốc”.
Được hỏi về vấn đề Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC), ông Hồng lập lờ nói: “Trung Quốc ủng hộ các cuộc đàm phán trên cơ sở tôn trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”.  
Ông Hồng cũng không quên kêu gọi Mỹ “giữ lời hứa về việc không ủng hộ bên nào” trong tranh chấp Biển Đông, được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói tại Bắc Kinh hôm 3/9 vừa qua.
Bài phát biểu của bà Hillary Clinton có đoạn nói, Mỹ phản đối mọi hành động ép buộc, khiêu khích và làm trái Công ước quốc tế về luật biển UNCLOS 1982. 
Tuy nhiên, các trang báo và trang mạng Trung Quốc đồng loạt ‘cắt xén’ ý này. Thay vào đó, họ dẫn lời bà Clinton về việc “Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc”.
Bắc Kinh đang cho thấy sự hai mặt trong cách giải quyết tranh chấp lãnh hải. Nước này luôn phớt lờ việc mọi chứng cứ lịch sử, luật pháp quốc tế công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Luận điệu “chứng cứ lịch sử” dựa trên đường lưỡi bò luôn được Trung Quốc dùng tới khi nói về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, với quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang căng thẳng với Nhật Bản, Trung Quốc lập tức viện dẫn UNCLOS 1982, với việc mỗi quốc gia có chủ quyền 200 hải lý tính từ thềm lục địa. Lý do là quần đảo này đều cách Nhật Bản và Trung Quốc khoảng 200 hải lý.
>> Click xem bài: Tướng Lê Văn Cương nói về 'tim đen' Trung Quốc

Trong diễn biến liên quan, hàng loạt quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc đang có chuyến công du các nước châu Á. 
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tư lệnh hải quân kiêm Ủy viên quân ủy trung ương Trung Quốc, tướng Ngô Thắng Lợi nói, quân đội hai nước "sẽ có những hoạt động giao lưu trong tương lai gần để tăng cường tình hữu nghị" .
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tướng Lương Quang Liệt cũng đang thảo luận về vấn đề phân định ranh giới và tuần tra biên giới chung giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới. 
Tờ India Today dẫn lời ông Lương nói, hải quân Trung Quốc và Ấn Độ “có thể sẽ có cuộc tập trận chung trong năm sau” trong khi quan hệ quân sự giữa hai nước đã ngưng lại từ năm 2010 vì Bắc Kinh từ chối cho chiến hạm Ấn Độ cập cảng. Trước đó, hai nước này có những cuộc tập trận chung, bắt đầu từ năm 2007.
Sau chuyến thăm Ấn Độ, ông Lương sẽ tới thăm Myanmar – quốc gia được báo chí phương Tây cho là đồng minh thân cận của Trung Quốc và Lào.

Văn Việt
Bình luận
vtcnews.vn