Trung Quốc toan tính gì khi triển khai tên lửa tới Trường Sa?

Thế giớiThứ Hai, 07/05/2018 11:26:00 +07:00

Liên quan đến hành động triển khai tên lửa hành trình ra Trường Sa của Trung Quốc, chuyên gia an ninh biển Collin Koh thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) đã đưa ra những nhận định về toan tính của Bắc Kinh đằng sau sự việc.

Theo ông Koh, động thái triển khai tên lửa tới Trường Sa là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang toan tính tăng cường khả năng kiểm soát của nước này trong khu vực, đồng thời làm ảnh hưởng tới hoạt động của Hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Sau khi triển khai tên lửa ở Trường Sa, Bắc Kinh sẽ luân phiên bố trí máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới đây như một phần trong kế hoạch tăng cường kiểm soát Biển Đông, ông Koh nhận định.  

9726376-3x2-940x627

Tên lửa  chống hạm YJ-12 của Trung Quốc.  

Theo ông Koh, sự hiện diện của tên lửa hành trình chống hạm YJ-12 với khả năng tấn công các tàu trên mặt nước trong phạm vi 546 km và tên lửa đất đối không HQ-9B có thể nhắm tới các mục tiêu trong phạm vi 296 km cho thấy Trung Quốc đang coi các đảo nhân tạo là những căn cứ chiến lược cần phải triển khai khí tài bảo vệ. Bắc Kinh được cho là đã xây dựng đường băng, căn cứ quân sự, cơ sở hỗ trợ tại các đạo nhân tạo tự bồi đắp nói trên. 

Nếu HQ-9 có khả năng nhắm vào các máy bay hoạt động trên toàn bộ quần đảo thì YJ-12 có thể giúp Trung Quốc can thiệp việc di chuyển qua lại của tàu thuyền trong một vùng biển rộng lớn, vị chuyên gia an ninh biển phân tích. 

Tờ The Drive nhận định sự xuất hiện đồng thời của 2 tên lửa hành trình chiến lược này sẽ tạo ra một vùng đệm quan trọng xung quanh các bãi đá trong quần đảo Trường Sa, chiếm một vị trí chiến lược với các bên tuyên bố lãnh thổ trong vùng biển tranh chấp. Nếu trong một cuộc xung đột vũ trang có thể xảy ra, nó sẽ tạo thành một vành đai đối với những nước muốn xâm nhập vào khu vực này. 

Video: Tên lửa Trung Quốc bốc cháy trên bầu trời Mỹ

Vị chuyên gia người Mỹ cho rằng hành động của Trung Quốc đương nhiên sẽ vấp phải sự phản đối của các nước trong khu vực nhưng vẫn không ngăn nổi Bắc Kinh theo đuổi những hành vi tương tự, thậm chí còn ngang ngược hơn trong tương lai. 

“Những gì Trung Quốc đang làm chính xác là chiến lược “Vùng xám” hay “chưa tới chiến tranh”. Đó là giữ cho các hành động của mình ở dưới ngưỡng lằn ranh đỏ có thể dẫn tới thù địch trong khi tính toán, đẩy đối thủ của mình vào thế việc đã rồi”, ông Koh nhận định. 

Các tên lửa, theo ông Koh cũng sẽ làm phức tạp thêm các hoạt động của chiến cơ và chiến hạm Mỹ di chuyển qua khu vực, bao gồm việc thực hiện các hoạt động điều hướng tự do. Cùng với đó, nó sẽ giúp Bắc Kinh mở rộng vùng chống tiếp cận, chống xâm nhập từ Trung Quốc Đại lục ra Biển Đông. 

Vào hôm 3/5 CNBC dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã âm thầm triển khai lắp đặt các hệ thống tên lửa không đối không và tên lửa chống hạm ra các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa.

Giữa tháng 4/2018, Wall Street Journal  đăng tải thông tin cho biết quân đội Trung Quốc đang sử dụng thiết bị chiến tranh điện tử được lắp đặt trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép để làm ảnh hưởng tới hoạt động của máy bay Mỹ trên không phận quốc tế Biển Đông. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn