Trung Quốc tăng sức mạnh tuần duyên lấn át Nhật?

Thế giớiChủ Nhật, 26/01/2014 09:21:00 +07:00

Trung Quốc đang triển khai đóng những siêu tàu tuần duyên có sức mạnh lấn át tuần duyên Nhật Bản và được trang bị vũ khí.

Trung Quốc đang triển khai đóng những siêu tàu tuần duyên có sức mạnh lấn át tuần duyên Nhật Bản và được trang bị vũ khí.


Siêu tàu tuần duyên

Tờ Tri thức trẻ dẫn thông tin từ tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin ngày 23/1 vừa qua, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã tiếp nhận 2 tàu mới số hiệu 1401 và 3306 trong một phần kế hoạch mở rộng quy mô các lực lượng hành pháp trên biển của nước này.

Tờ báo nhận định hiện tại, so sánh với lực lượng tuần duyên Nhật Bản, Trung Quốc vẫn thua kém hơn bởi Nhật Bản đang sở hữu nhiều tàu lớn và hiện đại hơn.

Tuy nhiên cán cân này sắp có sự thay đổi về phía Trung Quốc khi nước này đang dự định đóng thêm vài chục tàu có lượng giãn nước từ 3.500 tấn đến 6.000 tấn.

Điều đặc biệt ở các tàu mà Trung Quốc đang đóng là việc nó được thiết kế có thể chịu được va chạm mạnh hoặc sử dụng để đâm húc. Đây là điều được Trung Quốc tính toán ngay trong lúc thiết kế.

Hai tàu tuần duyên số hiệu 1401 và 3306


Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiết lộ về loại tàu tuần duyên lớn nhất thế giới mà họ chuẩn bị đóng, với lượng giãn nước tới 10.000 tấn. Theo một số nguồn tin, tàu sẽ được trang bị 1 pháo cỡ nòng 76mm, 2 pháo 30 hoặc 23mm, sàn đáp trực thăng lớn cùng nhà chứa cho 1 trực thăng tuần tra và 1 trực thăng không người lái. Đặc biệt, con tàu này còn có khả năng tiếp nhiên liệu cho các tàu khác.

Đối đầu

Có thể thấy ngay trong nội dung của tờ Nhân dân Nhật báo, đối tượng mà Trung Quốc muốn đối đầu chính là Nhật Bản. Hiện tại, hai quốc gia đang trong tình trạng leo thang căng thẳng và không ngừng có những hành động khiêu khích nhau.

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản hiện tại đang có 13 tàu với lượng giãn nước trên 3.000 tấn, 38 tàu trên 1.000 tấn. Tuy nhiên, theo Nhân dân Nhật báo, hơn 40% số này được đóng từ những năm 80 của thế kỷ XX. Trung Quốc tự tin rằng sau khi hoàn thành kế hoạch thay máu lực lượng tuần duyên thì đội tàu của họ sẽ hiện đại hơn và có lượng giãn nước gấp 3-4 lần đội tàu của lực lượng tuần duyên Nhật Bản.

Thời gian qua, đầu tháng 1/2014, trong một diễn biến liên quan, tàu đổ bộ quân sự của Trung Quốc đã lao ra chặn đầu chiếc tàu tuần dương USS Cowpens của Mỹ, khi tàu này đang làm nhiệm vụ theo dõi tàu sân bay Liêu Ninh trên vùng biển quốc tế gần Biển Đông. USS Cowpens buộc phải bẻ lái khẩn cấp để tránh một cuộc va chạm đáng tiếc. Hành động này của Trung Quốc cho thấy sự liều lĩnh và bất chấp trong việc sử dụng đội tàu trên mặt biển của họ.

Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu hải giám Trung Quốc


Thiết kế thuận lợi cho việc đâm húc của các tàu tuần duyên mới của Trung Quốc cho thấy rằng lực lượng tuần duyên của quốc gia này này sẽ không ngại va chạm với tuần duyên của Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa với việc trong năm 2014, biển Hoa Đông sẽ tiếp tục là điểm nóng, ẩn chứa đầy rẫy những nguy cơ xung đột.


Nhiều nhà phân tích cho rằng, mục tiêu của Trung Quốc lúc này là chiếm được quyền sở hữu quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang thuộc Nhật Bản, phá chiến lược chuỗi đảo mà Mỹ đề ra nhằm vào quốc gia này.

Một cuộc đấu vòi rồng giữa lực lượng tuần duyên của hai quốc gia trên biển Hoa Đông


Trong nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai quốc gia, phía Nhật Bản đã nhiều lần đề nghị phía Trung Quốc ngồi lại bàn đàm phán song phương, nhưng chưa bao giờ nhận được lời hồi đáp.

Trong cuộc họp báo định kỳ hồi giữa tháng 1/2014, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã thẳng thắn bác bỏ đề nghị đối thoại của Nhật: "Chúng tôi (Trung Quốc) đã nhiều lần tuyên bố quan điểm của chúng tôi về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Nhật Bản đừng mơ có một cuộc gặp gỡ vô nghĩa khi vẫn từ chối nhìn nhận sau lần và tiếp tục đưa ra các nhận xét tiêu cực về Trung Quốc".

Không chỉ Hoa Đông?

Có thể nói, tuần duyên chỉ là một công cụ để Trung Quốc thúc đẩy những hành động đang theo đuổi nhiều năm trở lại đây. Nhưng liệu Trung Quốc có dừng lại ở Hoa Đông? Điều này rất khó khẳng định bởi lẽ Biển Đông cũng là nơi các hoạt động ngang ngược của tuần duyên, hải giám Trung Quốc diễn ra thường xuyên.

Đầu tháng 1/2014, Trung Quốc đã ban bố lệnh cấm đánh bắt hải sản và di chuyển trong vùng biển họ cho là chủ quyền (đường lưỡi bò phi lý và phi pháp). Và cũng không ít lần, tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm ngư dân của các quốc gia Đông Nam Á. 

Trung Quốc đang ngang ngược, đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế trong việc cấm đánh bắt Biển Đông. Nhưng với giới chức nước này, đây là hành động cần thiết để đảm bảo lợi ích của Trung Quốc ở vùng biển này, đồng nghĩa với việc từng bước hiện thực hóa giấc mơ Trung Hoa .

Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh trên biển có thể khiến phức tạp thêm tình hình và những hành động ngang ngược ngày càng gia tăng.
Bình luận
vtcnews.vn