Trung Quốc sẽ khiến bóng đá thế giới xoay trục?

Thể thaoThứ Tư, 28/12/2016 18:26:00 +07:00

Những bước đi đầu tiên trong dự án trở thành siêu cường đầy tham vọng, Trung Quốc đang khiến bóng đá thế giới chao đảo.

Từ lúc dự án phát triển bóng đá Trung Quốc còn nằm trên bàn giấy, nó đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ đấy là một dự án thật sự tham vọng, tham vọng đến mức vĩ cuồng và nhận được sự hậu thuẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Cụ thể, mục tiêu là Trung Quốc sẽ trở thành siêu cường của bóng đá thế giới vào năm 2050.

Trung Quốc sẽ khiến bóng đá thế giới xoay trục

Trung Quốc sẽ khiến bóng đá thế giới xoay trục

Các bước thực hiện dự án đầy tham vọng này như sau: sẽ có 50 triệu trẻ em và người lớn nước này chơi bóng đá, đầu tư vào cơ sở hạ tầng để có ít nhất 20.000 lò đào tạo và 70.000 sân bóng đồng thời trở thành cường quốc bóng đá châu Á vào năm 2020, có khoảng 10.000 cầu thủ chuyên nghiệp vào năm 2030.

Đội tuyển quốc gia Trung Quốc chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, khi vẫn đang đứng ở vị trí thứ 82 trên bảng xếp hạng FIFA, tuy nhiên các CLB Trung Quốc đã bắt đầu lũng đoạn túc cầu thế giới, bằng tiền. Khác hẳn Ấn Độ, Trung Đông hay MLS, những nơi được xem là sân sau để các danh thủ sau khi hết thời tại châu Âu sang dưỡng già, giải CLB Trung Quốc đang cạnh tranh trực tiếp với các CLB bóng đá châu Âu.

Oscar sang Trung Quốc dưỡng già ở tuổi 25

Oscar sang Trung Quốc dưỡng già ở tuổi 25

Mới đây, Shanghai SIPG chiêu mộ Oscar, một tiền vệ sáng giá của Chelsea với giá 70 triệu euro, ký hợp đồng kèm mức lương 750.000 euro/tuân với Tevez. Ngoài ra, những danh thủ lẫy lừng khác như Rooney, Di Maria, Pepe và Arda Turan cũng được các CLB Trung Quốc ve vãn bằng mức thu nhập tầm Tevez.

Trước đó, những Jackson Martinez, Lavezzi, Pelle, Hulk... đa phần đều dưới tuổi 30 đều lũ lượt kéo đến Trung Quốc chơi bóng kèm mức lương kếch xù.

Một minh chứng điển hình cho thấy sự cạnh tranh giữa các CLB Trung Quốc và các ông lớn tại châu Âu là thương vụ Alex Teixeira. Mùa Đông 2015, chân sút người Brazil này rời Shakhtar Donetsk để gia nhập Jiangsu Suning với mức giá 50 triệu euro trong ánh mắt cay đắng của Liverpool, đội bóng đã ra giá 32 triệu euro và suýt chút nữa đã đạt được thỏa thuận.

Và thống kê cho thấy, riêng kỳ chuyển nhượng này (tại Trung Quốc kỳ chuyển nhượng đóng cửa vào ngày 26/2 và giải VĐQG khai mạc vào đầu tháng 3), các CLB Trung Quốc đã đốt hơn 400 triệu euro. Nên biết, suốt kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2016 vừa qua, các đội bóng La Liga, bao gồm cả hai gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona cũng chỉ đốt tổng cộng 492 triệu euro.

Những bước đầu tiên trong dự án đầy tham vọng của Trung Quốc được thực hiện bằng tiền

Những bước đầu tiên trong dự án đầy tham vọng của Trung Quốc được thực hiện bằng tiền

Tất nhiên, khi mà những quả bom tấn rung chuyển túc cầu giáo kể trên mới chỉ nằm trong bước khởi đầu của dự án “Hóa rồng bóng đá Trung Quốc”, chắc chắn mọi thứ sẽ chưa dừng lại. Tiền sẽ được rót nhiều hơn nữa, kỷ lục về lương, về phí chuyển nhượng nhiều khả năng sẽ bị xô đổ. 

Và, triết lý “thứ gì không mua được bằng tiền có thể mua bằng rất nhiều tiền” mà Trung Quốc đang thực thi có thể khiến bóng đá thế giới xoay trục. 

(Nguồn: Tạp chí Bóng đá)
Bình luận
vtcnews.vn