Trung Quốc quyết tâm xây dựng tàu sân bay hạt nhân?

Quân sựThứ Ba, 11/10/2022 09:16:30 +07:00
(VTC News) -

Ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc đã đạt được những bước tiến quan trọng cho phép nước này nghĩ đến việc xây dựng một tàu sân bay hạt nhân.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời các chuyên gia quân sự nhận định tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều này phù hợp với những mục tiêu của ngành công nghiệp đóng tàu Trung Quốc trong 5 năm tới.

Sở hữu tàu sân bay hạt nhân vào năm 2027?

SCMP dẫn lại kế hoạch của Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC) cho biết mục tiêu của công ty này là đạt được bước đột phá trong công nghệ động cơ đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vào năm 2027.

Tuy nhiên vẫn có những ý kiến cho rằng CSSC và các công ty thành viên có thể đảm nhận việc đóng một tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân vẫn chưa đủ năng lực lẫn công nghệ cần thiết cho nhiệm vụ đặc biệt này.

Các chuyên gia cũng cho rằng tàu sân bay chạy bằng động cơ diesel vẫn phù hợp hơn với kế hoạch phát triển của hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc quyết tâm xây dựng tàu sân bay hạt nhân? - 1

Tàu sân bay Phúc Kiến cho thấy rõ mục tiêu của hải quân Trung Quốc trong tương lai với nhiều cải tiến cho một tàu sân bay hạt nhân. (Ảnh: CNN)

Thông tin Trung Quốc sẽ xây dựng tàu sân bay hạt nhân rộ lên ngay sau khi Bắc Kinh hạ thủy tàu sân bay thứ 3 - Type 003 (Phúc Kiến), cùng với đó là các công nghệ cần thiết cho việc chế tạo tàu sân bay thứ 4.

Tàu sân bay Phúc Kiến được hạ thủy vào tháng 6/2022, cho đến nay là tàu sân bay lớn nhất, hiện đại nhất và mạnh nhất của hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn thiết kế cho tàu sân bay thứ 4 (tạm đặt là Type 004) và nó dự kiến sẽ được hạ thủy trong năm 2025 hoặc 2027. Các nguồn tin của SCMP cho biết Type 004 dự kiến vẫn sử dụng hệ thống động cơ đẩy thông thường.

Một tàu sân bay chạy bằng động cơ diesel cần ít bảo trì hơn và chi phí vận hành thấp hơn so với chạy bằng năng lượng hạt nhân. Nhưng tàu sử dụng năng lượng hạt nhân có tầm hoạt động xa hơn và đáp ứng đủ năng lượng cho các máy phóng máy bay điện tử hoặc hơi nước.

Cho đến nay, chỉ có hai quốc gia trên thế giới là Mỹ và Pháp sở hữu tàu sân bay hạt nhân gồm các lớp Nimitz và Gerald R Ford của Mỹ, và Charles de Gaulle của Pháp.

Trung Quốc quyết tâm xây dựng tàu sân bay hạt nhân? - 2

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp tập trận cùng tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower (Mỹ) trên biển Địa Trung Hải năm 2012. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Trung Quốc cần tàu sân bay hạt nhân

Malcolm Davis, một nhà phân tích an ninh cấp cao từ Viện chính sách chiến lược Australia lại có ý kiến khác giới chuyên gia Trung Quốc và đưa ra nhận định tàu sân bay tiếp theo của Bắc Kinh rất có thể sẽ được trang bị động cơ đẩy hạt nhân vì hai lý do sau:

Thứ nhất, Trung Quốc đang hướng tới việc hoàn thiện một lực lượng hải quân nước xanh xứng tầm siêu cường, điều này quyết định bởi khả năng tác chiến tầm xa của hải quân Trung Quốc.

“Một tàu sân bay thông thường yêu cầu hỗ trợ hậu cần lớn bao gồm tàu tiếp tế và các căn cứ chuyển tiếp lý tưởng để duy trì hoạt động của tàu sân bay, trong khi các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân gần như không cần hỗ trợ”, Malcolm Davis nhấn mạnh.

Cũng theo vị chuyên gia này nhìn từ thực tế và hoạt động của hải quân Trung Quốc, ông cho rằng Bắc Kinh sẽ tiến tới việc trang bị tàu sân bay hạt nhân, ngoài ra sử dụng năng lượng hạt nhân cho phép con tàu được trang bị thêm các hệ thống điện tử tiên tiến vốn đòi hỏi cần nhiều năng lượng.

Thứ hai, tàu sân bay hạt nhân là một “tài sản uy tín”, thật khó có thể chấp nhận việc Trung Quốc tuyên bố trở thành siêu cường hải quân nhưng lại không sở hữu tàu sân bay hạt nhân hoặc tàu ngầm hạt nhân.

“Các tàu sân bay hạt nhân có ý nghĩa rất lớn về mặt hoạt động và uy tín toàn cầu, và sẽ củng cố nhận thức về một lực lượng hải quân mang tầm vóc siêu cường toàn cầu của Trung Quốc”, ông Davis nói.

Trung Quốc quyết tâm xây dựng tàu sân bay hạt nhân? - 3

Trung Quốc cần tàu sân bay hạt nhân không chỉ để nâng cao khả năng tác chiến tầm xa mà còn hiện thực hóa mục tiêu trở thành siêu cường toàn cầu. (Ảnh: SCMP)

Hiện nay Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân từ tàu ngầm tấn công hạt nhân cho đến tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.

Chuyên gia Davis kết luận nếu tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc sử dụng động cơ đẩy thông thường thì tàu sân bay thứ 5 chắc chắn sẽ sử dụng động cơ đẩy chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Brad Martin, một nhà nghiên cứu chính sách cấp cao tại Tổ chức nghiên cứu chính sách phi lợi nhuận – RAND cho biết, tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

“Các thiết kế cho tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc liên quan đến các hệ thống máy phóng máy bay điện tử đòi hỏi nguồn điện lớn, điều một tàu sân bay chạy bằng động cơ diesel không thể đáp ứng được”, ông Brad Martin nói.

“Hải quân Trung Quốc đang vận hành các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và do đó họ có kinh nghiệm vận hành các hệ thống như vậy. Tôi kết luận rằng hạm đội tàu sân bay trong tương lai của Bắc Kinh có thể sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân”, chuyên gia của RAND nhấn mạnh.

Khi được hỏi về kế hoạch cho các tàu sân bay tiếp theo trong tương lai vào tháng 7/2022, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các kế hoạch như vậy sẽ được thực hiện tùy theo nhu cầu và khả năng an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Trà Khánh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn