Trung Quốc nhầm to khi nghĩ sẽ 'sống sót' dài lâu trong thương chiến với Mỹ

Thế giớiThứ Hai, 24/06/2019 17:27:00 +07:00

Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh tin rằng Trung Quốc sẽ trụ vững dài lâu giữa cuồng phong thương chiến với Mỹ, nhưng dường như họ đã nhầm.

Khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập gặp nhau cuối tuần này ở Osaka, có rất ít hy vọng rằng 2 bên sẽ đi tới một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài dai dẳng gần 1 năm qua. 

Đối với 2 nhà lãnh đạo, các vấn đề chính trị trong nước khiến họ dù muốn cũng khó có thể sớm thông qua một thỏa thuận. Thương chiến giữa 2 nền kinh tế do đó gần như chắc chắn sẽ nối dài bất chấp kết quả có hay không thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Nhật Bản. 

Ở thời điểm hiện tại, các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington và Bắc Kinh đều tin rằng nền kinh tế của họ sẽ trụ vững trước cơn bão thương mại. Nhưng theo SCMP, thái độ lạc quan đó có thể là một sai lầm. 

trump tap

 Mỹ-Trung khó có thể tiến tới một thỏa thuận thương mại vào cuối tuần tới. (Ảnh: USA Today)

Tại Washington, các quan chức chính quyền không vội vàng kết thúc thỏa thuận với Trung Quốc. Tổng thống Trump có lý do để tự tin bởi kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng vững chắc, Chứng khoán Phố Wall vẫn chứng kiến các mức kỷ lục và Cục Dữ trụ Liên bang Mỹ nói họ sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu nhận thấy thị trường bất ổn. 

Chừng nào nền kinh tế của Mỹ còn khỏe mạnh, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có thể dùng nó như một cách để xoa dịu các chỉ trích nhắm vào ông khi dàn quân đối phó với Trung Quốc. 

Kể cả khi nhận thấy nền kinh tế "bớt khỏe", ông Trump vẫn luôn có một cái thang để bước xuống. Ông có thể nhượng bộ, ký thỏa thuận với Bắc Kinh và tận mắt thấy chứng khoán khởi sắc trở lại sau nhiều lần lao đao giữa các đòn áp thuế lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Về phần mình, Trung Quốc cũng có vẻ không vội tiến tới một thỏa thuận với Mỹ. Nhưng Bắc Kinh không có một nền kinh tế khỏe mạnh như Washington để làm yên lòng dân và những nhà phê bình. 

Các quan chức chóp bu của Trung Quốc từng tin rằng nền kinh tế của họ đủ mạnh để "hấp thụ" những tác động tiêu cực trong vòng xoáy xung đột với Mỹ mà không bị thiệt hại. Nhưng có vẻ họ đã quá lạc quan. 

Các số liệu thống kê mới đây cho thấy tăng trưởng sản xuất công nghiệp - thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, khai thác và tiện ích giảm xuống mức là 5% trong tháng 5 so với 5,4% vào tháng 4 và thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế trước đó là 5,5%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2002.

Đầu tư tài sản cố định, chi tiêu cho các tài sản vật chất như bất động sản, cơ sở hạ tầng hoặc máy móc, tăng 5,6% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5/2019 tuy nhiên tính từ tháng 1 đến tháng 4 giảm 6,1%.

Doanh số bán lẻ, một chỉ số chính về nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc, tăng 8,6%, sau khi đạt mức 7,2% vào tháng 4 - mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 5/2003, nhưng vẫn thấp hơn mức 8,7% trong tháng 3.

"Các dữ liệu kinh tế Trung Quốc trong vài tháng qua không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 của Trung Quốc xuống 6,2% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và 6,0% cho năm 2020 (giảm 0,1 điểm phần trăm), một nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho biết. 

Khi xuất khẩu sang Mỹ, các công ty Trung Quốc phải cạnh tranh với các công ty tốt nhất thế giới. Sự cạnh tranh này buộc họ phải đổ tiền vào đổi mới, đầu tư để cải thiện năng suất của họ. 

Điều này sẽ tác động lớn tới nền kinh tế nội địa, tạo ra nhiều việc làm chất lượng hơn và tăng thu nhập cho người lao động. Hiệu ứng trên cũng sẽ khiến Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề dài hạn là họ sẽ sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ.

Điều đó đồng nghĩa với việc mức thặng dư thương mại của nước này sẽ tăng lên và càng làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Khi đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cần một cú hích đầu tư. 

Nếu khu vực tư nhân vốn không được chính quyền cho hưởng nhiều ưu đãi do lo sợ những rủi ro và không chịu bỏ tiền, gánh nặng sẽ đặt lên vai các doanh nghiệp trong nước, phân khu được chính quyền o bế và muốn là trụ cột chính trong kinh tế của đất nước.

Nhưng sự thật nhãn tiền là đầu tư từ khối doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc có năng suất thấp hơn đáng kế so với tư nhân và khối kinh tế tư nhân vốn tụ hội phần lớn các nhà xuất khẩu mới là nguồn chính thúc đẩy tăng trưởng việc làm và năng suất. 

Do đó, kể cả Trung Quốc có thể hạ nhiệt căng thẳng và đẩy mức tăng trưởng nhích lên trở lại, về lâu dài, chất lượng tăng trưởng vẫn sẽ bị ảnh hưởng, lợi tức đầu tư giảm và rủi ro tài chính tăng lên. 

Đây không phải là một vấn đề lớn trong năm 2019 nhưng nếu thương chiến Mỹ-Trung kéo dài, đây sẽ trở thành một vấn đề nan giải. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn