Trung Quốc: Nhà khoa học gây sốc khi tuyên bố tạo ra cặp song sinh điều chỉnh gen đầu tiên trên thế giới

Thế giớiThứ Ba, 27/11/2018 12:02:00 +07:00

Một nhà nghiên cứu Trung Quốc gây sốc cho giới khoa học trong nước và quốc tế khi tuyên bố tạo ra cặp song sinh được điều chỉnh gen đầu tiên trên thế giới có khả năng miễn nhiễm với virus HIV.

Ông Hạ Kiến Khuê, nhà nghiên cứu tới thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc cho biết đã điều chỉnh phôi cho 7 cặp vợ chồng và một trường hợp cho ra kết quả thành công. Trong một video Youtube đăng ngày 26/11, nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết một trong các trường hợp mang thai đã thành công và hai đứa trẻ song sinh Lulu và Nana ra đời vài tuần trước. Ông cho biết cặp song sinh này sẽ có khả năng miễn dịch với HIV nhờ vào công cụ chỉnh sửa gen CPISPR. 

Ông Hạ khẳng định mục đích của mình không phải là để chữa trị hay ngăn ngừa một căn bệnh di truyền mà là cố gắng tạo ra một đặc tính mà ít người tự nhiên có được - khả năng miễn dịch với virus HIV. 

photo-1-15432052692272042365433

 Ông Hạ Kiến Khuê khiến cả giới khoa học chú ý với nghiên cứu mới đây của mình. (Ảnh: AP)

Nghiên cứu này của nhà khoa học Trung Quốc chưa được đăng tải trên bất cứ tạp chí nào và cũng chưa được xác nhận một cách độc lập. 

Chính Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam (SUSTECH), nơi ông Hạ đang làm việc cũng tỏ ra bất ngờ trước nghiên cứu trên, đồng thời tỏ rõ thái độ phản đối gay gắt. 

"Chúng tôi bị sốc trước nghiên cứu này và đã ngay lập tức nói chuyện với Tiến sỹ Hạ Kiến Khuê để làm rõ vấn đề", trường đại học này cho biết, đồng thời nhấn mạnh 3 điểm: 

1. Nghiên cứu được thực hiện bên ngoài khuôn viên trường. Chúng tôi không nhận được báo cáo nên  không hay biết gì về dự án nghiên cứu cũng như bản chất của nó. 

2. Ủy ban nghiên cứu sinh học SUSTECH tin rằng nghiên cứu của Tiến sĩ Hạ Kiến Khuê trong việc sử dụng CRISPR / Cas9 để chỉnh sửa phôi người đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức học thuật và các quy tắc ứng xử.

3. Tất cả các nghiên cứu được thực hiện tại SUSTECH đều phải tuân theo luật pháp và các quy định cũng như đạo đức và quy tắc ứng xử quốc tế.

"Trường đại học sẽ kêu gọi các chuyên gia quốc tế thành lập một ủy ban độc lập để điều tra vụ việc này và công bố kết quả cho công chúng", Đại học Khoa học và Công nghệ Phương Nam nói thêm. 

Một tuyên bố chung do hơn 120 nhà khoa học Trung Quốc ký tên đăng tải trên mạng xã hội Weibo đã chỉ trích nghiên cứu chỉnh sửa gen người của ông Hạ. “Như vậy quá trình đánh giá đạo đức y tế ở đây chỉ là hình thức. Trực tiếp thử nghiệm lên người thật là điên rồ, vì chắc chắn những chất được chỉnh sửa sẽ hòa lẫn vào bộ gen của con người.” Các nhà khoa học này cho rằng việc thử nghiệm đã “thổi bay” danh tiếng của ngành nghiên cứu y sinh Trung Quốc. “Thật không công bằng với các nhà khoa học Trung Quốc chăm chỉ, đổi mới và trung thành với các tiêu chuẩn đạo đức khoa học khác.”

legacy-doudna-750 3

Giáo sư Jennifer Doudna. (Ảnh: Berkeley News - UC Berkeley)

Jennifer Doudna, giáo sư tại Khoa Hóa học và Kỹ thuật Hóa học và Khoa Sinh học Phân tử và Tế bào tại Đại học California, Berkeley là một trong những nhà đồng phát minh ra CRISPR cùng nhiều nhà khoa học khác kêu gọi xác minh lại nghiên cứu này. 

"Nếu được xác nhận, công trình này sẽ phá vỡ cách tiếp cận thận trọng và minh bạch của CRISPR-Cas9 trong cộng đồng khoa học toàn cầu về chỉnh sửa gen của con người", bà Doudna cho hay. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Kiran Musunuru, chuyên gia biến đổi gien của ĐH Pennsylvania nói rằng đây là một thí nghiệm không thể chấp nhận được. 

Tiến sĩ Eric Topol, giám đốc Viện Nghiên cứu Scripps ở California, Mỹ thì cho rằng còn quá sớm để đưa ra bất cứ kết luận nào. 

Mặc dù vậy, vẫn có một số người ủng hộ nghiên cứu của ông Hạ khi cho rằng nó có thể là một gợi ý để đối phó với căn bệnh thế kỷ. 

“Tôi nghĩ nghiên cứu này là chính đáng”, nhà di truyền học George Church tới từ Đại học Harvard nói khi bảo vệ nỗ lực chỉnh sửa gen chống lại virus HIV, mối đe dọa ngày cáng lớn đối với sức khỏe cộng đồng. 

Chỉnh sửa gen trong phôi để mang thai bị cấm ở nhiều nơi trong đó có Mỹ. Tại Anh, việc chỉnh sửa này có thể được cho phép với mục đích nghiên cứu nhưng với điều kiện rất nghiêm ngặt. 

Song Hy, Phương Anh
Bình luận
vtcnews.vn