Trung Quốc ngày càng bị cô lập trong vấn đề Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 30/08/2019 07:11:00 +07:00

Chiến lược ngoại giao pháo hạm, lấy mạnh hiếp yếu của Trung Quốc ngày càng khiến họ bị cô lập trong vấn đề Biển Đông.

Trong những ngày qua, Trung Quốc liên tiếp có những hành động làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Kể từ ngày 4/7, nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (HD-8) của Trung Quốc đã hai lần xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Lần thứ nhất diễn ra từ ngày 4/7 đến ngày 7/8. Lần tái diễn vi phạm thứ hai xảy ra sau đó chỉ ít ngày (ngày 13/8) và kéo dài cho tới nay.

Hành động đó của Trung Quốc phải đối mặt với sự lên tiếng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Mới đây nhất, trong một thông cáo phát đi ngày 28/8, người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định quan điểm của khối này về các diễn biến bất ổn trên Biển Đông thời gian qua. Theo đó, EU cho rằng “những hành động đơn phương trong các tuần qua trên Biển Đông đã gây leo thang căng thẳng và làm xấu đi môi trường an ninh hàng hải, cho thấy nguy cơ nghiêm trọng với sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực”.

Dk1

Nhà giàn DK1.

Mỹ và nhiều nước khác cũng liên tục lên án hành vi “bắt nạt, can thiệp mang tính áp bức của Trung Quốc nhằm vào các hoạt động dầu khí lâu đời của Việt Nam ở Biển Đông".

Bộ Quốc phòng Mỹ còn khẳng định, với cách hành xử như vậy Bắc Kinh “sẽ không thể giành được lòng tin của các nước láng giềng hay sự tôn trọng của cộng đồng quốc tế nếu như vẫn tiếp tục triển khai chiến thuật bắt nạt”.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 ở Thái Lan, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, trong đó có các hành động đơn phương như quân sự hoá, gia tăng tập trận quân sự, đặc biệt là tàu khảo sát HD-8 của Trung Quốc được các tàu hải cảnh và dân binh hộ tống xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tiến hành các hoạt động khảo sát trái phép.

Về phần mình, cũng tại Hội nghị trên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lại lên tiếng cảnh báo các nước bên ngoài khu vực không nên lợi dụng “những khác biệt vốn đã để lại từ quá khứ” để gieo rắc sự ngờ vực giữa Trung Quốc và các nước ASEAN; phản đối sự can thiệp của các nước bên ngoài khu vực trong vấn đề Biển Đông; coi ASEAN là một ưu tiên trong khu vực lân cận của mình; đồng thời ca ngợi về những tiến bộ liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Đánh giá về những diễn biến gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, TS Nguyễn Ngọc Trường, nguyên Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) cho rằng: “Trung Quốc đang bị cô lập trên trường quốc tế trong vấn đề Biển Đông. Trong thế cô lập ấy, họ sử dụng sức mạnh của ba thứ quân (hải quân, cảnh sát biển, ngư dân quân) hoạt động tại Biển Đông và hiện tại ở khu vực bãi Tư Chính, vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam và trong thềm lục địa phía Nam.

2

2

Hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông không phải là hành vi của một quốc gia có trách nhiệm, quan tâm đến vận mệnh chung của cộng đồng quốc tế.

TS. Nguyễn Ngọc Trường

Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh, đây là một sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc, Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016. Hành động của Trung Quốc cũng đi ngược lại các thỏa thuận cấp cao của lãnh đạo hai nước đề ra trong 5 năm qua. Hành động của Trung Quốc càng chứng tỏ họ là quốc gia không tuân thủ luật pháp quốc tế.

Những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại Biển Đông chính là minh chứng cho việc lấy mạnh hiếp yếu. Đó cũng chính là chính sách bá đạo của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây không phải là hành vi của một quốc gia có trách nhiệm, quan tâm đến vận mệnh chung của cộng đồng quốc tế”, TS. Trường khẳng định

Mặc dù Trung Quốc vẫn luôn thể hiện “bộ mặt thiện chí” trên bàn đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhưng theo TS. Nguyễn Ngọc Trường, đó chỉ là “những tuyên bố đánh lừa dư luận”.

“Trung Quốc đưa ra thời hạn 3 năm trong đàm phán COC nghe có vẻ thiện chí muốn giải quyết sớm vấn đề, nhưng thực chất là nhằm lợi dụng lúc chính quyền của Tổng thống Duterte của Philippines điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc (2018-2021), đồng thời tạo áp lực thời gian đối với các nhà đàm phán ngoại giao ASEAN, như đã từng tiến hành với một trong số nước trong các cuộc đàm phán phân định biên giới trên bộ, trên biển cuối những năm 1990” - chuyên gia nhận định.

TS. Nguyễn Ngọc Trường cho biết thêm: “Những hành động gây hấn của Trung Quốc cũng là nhằm gây áp lực lên các nước có lợi ích sát sườn tại Biển Đông trong khối ASEAN trên bàn thương lượng COC, thể hiện rõ ý đồ dùng COC để hiện thực hóa hiện trạng mới trái phép tại Trường Sa, Hoàng Sa và Biển Đông”.

Việt Nam bấy lâu nay vẫn luôn kiên trì đấu tranh bằng con đường hòa bình, nhưng có vẻ như đó không phải cách mà Trung Quốc muốn để giải quyết vấn đề. Những hành động hung hăng, không ngừng làm leo thang căng thẳng của Bắc Kinh tại Biển Đông đã cho thấy điều đó. 

“Việt Nam muốn có hòa bình, Trung Quốc cũng không muốn có chiến tranh. Tuy nhiên, để đối mặt với một Trung Quốc quen lấy mạnh hiếp yếu, chúng ta cần có những biện pháp kiên quyết, nhưng đồng thời phải hành động lý trí, dựa trên luật pháp quốc tế” - TS Nguyễn Ngọc Trường nhận định.

Theo chuyên gia, vì ý đồ và mục tiêu của Trung Quốc là không đổi, và Trung Quốc sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được những yêu sách của mình, cho nên những diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí và quá trình đấu tranh của Việt Nam, bao gồm cả đấu tranh dư luận và đấu tranh pháp lý. “Đấu tranh báo chí, dư luận kịp thời là hết sức cần thiết. Phải tiếp tục phi nhạy cảm hóa vấn đề Biển Đông và các sự cố trên biển” - Tiến sĩ nhấn mạnh.

Chúng ta cần đấu tranh dư luận, vận động quốc tế mạnh mẽ hơn nữa, nếu không muốn thấy Trung Quốc đẩy mạnh chiến thuật gây sức ép với Việt Nam, giống như đã từng làm với Ấn Độ tại khu vực giáp ranh biên giới giữa hai nước vào năm 2017. Việt Nam nên học tập bài học kiên định của Ấn Độ” - chuyên gia kết luận.

Căng thẳng Trung - Ấn bùng lên từ giữa tháng 6/2017, khi quân đội Trung Quốc điều lực lượng công binh và máy móc cơ giới tiến vào vùng tranh chấp ở Doklam giữa Bhutan và Trung Quốc để xây dựng các công trình giao thông. Phản đối bất thành, Bhutan đã đề nghị Ấn Độ đưa quân đội tới Doklam để ngăn cản các động thái từ phía Trung Quốc.

Ấn Độ sau đó triển khai vài trăm binh sĩ tới Doklam. Bắc Kinh cho rằng New Delhi phải rút quân vô điều kiện và ngay lập tức khỏi Doklam để giải quyết tình trạng đối đầu. Truyền thông Trung Quốc còn cảnh báo Ấn Độ sẽ phải đối mặt với thất bại tồi tệ hơn so với cuộc chiến biên giới năm 1962.

Sau đó, Trung Quốc còn cho triển khai tập trận ào ạt để uy hiếp Ấn Độ, nhưng Ấn Độ vẫn kiên quyết đóng quân ở lại. Cuối cùng, hai bên đã phải xuống thang, tiến tới đàm phán và đồng loạt rút quân.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn