Trung Quốc mở tour tới Việt Nam: Những ngành hưởng lợi nhiều nhất

Thị trườngThứ Sáu, 10/03/2023 14:54:00 +07:00
(VTC News) -

Theo chuyên gia, khi lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, không chỉ du lịch mà nhiều ngành khác cũng sẽ khởi sắc như dịch vụ, hàng không, lưu trú...

Lý giải về nhận định trên, TS Lê Đăng Doanh cho biết, với Việt Nam, Trung Quốc luôn là thị trường gửi khách lớn nhất. Việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn từ ngày 15/3 sẽ kích cầu tiêu dùng rất lớn đối với các ngành, dịch vụ: hàng không, vận tải, lưu trú, ăn uốngvui chơi giải trí.

Khách Trung Quốc thường thích vùng du lịch miền Trung và ưa chuộng các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí bên biển hay các dịch vụ văn hóa, ẩm thực vùng miền. Bởi thế, ông Doanh dự báo, các điểm du lịch miền Trung sẽ hút khách hơn những nơi khác.

Mặt khác, thông tin này cũng khiến các hãng hàng không, các hãng vận tải giảm bớt gánh nặng, khi mà thời gian qua các ngành này gặp nhiều khó khăn do ;ượng khách quốc tế không đông như kỳ vọng, dù du lịch đã mở cửa từ lâu.

Đồng tình quan điểm này, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội phân tích, chi tiêu cho du lịch của khách Trung Quốc tại Việt Nam luôn được xếp vào mức cao. Theo kết quả điều tra khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019 của Tổng Cục Du lịch, khách Trung Quốc chi tiêu trung bình 1.022 USD cho 1 chuyến đi, cao hơn một số thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á. Với mức chi tiêu này, nguồn thu từ khách Trung Quốc năm 2019 đạt khoảng 5,9 tỷ USD, chiếm 18% tổng thu từ khách du lịch của Việt Nam.

"Khi mà khách không ngại chi tiền thì nếu tận dụng đúng thời cơ, nắm bắt trúng nhu cầu của khách, các dịch vụ sẽ có rất nhiều tiềm năng để phát", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Trung Quốc mở tour tới Việt Nam: Những ngành hưởng lợi nhiều nhất - 1

Thông tin Trung Quốc mở tour tới Việt Nam được đánh giá sẽ tác động tích cực tới nhiều ngành hàng, dịch vụ. (Ảnh minh họa: Người lao động)

Một lĩnh vực nữa được vị này dự báo có thể hưởng lợi lớn từ thông tin Trung Quốc sắp tổ chức những đoàn khách tới Việt Nam, đó là bất động sản nghỉ dưỡng. Hiện có rất nhiều địa điểm vốn được du khách Trung Quốc ưa chuộng tại Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng...Chắc hẳn nhiều người sẽ chấp nhận chi tiền để hưởng thụ những dịch vụ sang trọng, đẳng cấp.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội dự báo, ngoài những ngành kể trên thì các dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu tại chỗ cũng sẽ đón nhận thông tin tích cực.

Đồng tình với ý kiến này, song chuyên gia Vũ Vinh Phú khuyến cáo: Để tất cả các ngành nghề trên cùng phát triển hiệu quả thì cần phải làm du lịch một cách đồng bộ, tuy đa dạng nhưng phải thống nhất, dưới sự giám sát chặt của các cơ quan quản lý. "Khách du lịch thường mua hàng theo phong trào, nếu một khách mua một mặt hàng thì thường hàng loạt khách khác trong đoàn cũng theo đó mà mua. Do vậy, làm du lịch thì phải nghiên cứu tâm lý, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu con người. Như thế mới phát triển hiệu quả, bền vững”, ông Phú nói.

Nhiều thách thức

Dù lạc quan trước thông tin Trung Quốc mở cửa với du lịch Việt Nam nhưng các chuyên gia vẫn cảnh báo về việc nguồn khách truyền thống, quen thuộc này đang bị chia sẻ bởi nhiều "đối thủ" khác, khiến cuộc cạnh tranh thị phần trở nên khắc nghiệt. Cụ thể, các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore...đã đón khách đoàn Trung Quốc trước Việt Nam hơn 1 tháng, đã có cả booking series cho cả tháng. Việc Việt Nam được đưa vào thí điểm đợt hai, chậm hơn các nước, sẽ vấp phải cạnh tranh gay gắt ngay tại khu vực. Chưa kể, việc đi sau đón được lượng khách thế nào còn phụ thuộc vào tốc độ khôi phục đường bay, việc đàm phán liên hệ với đối tác để chuẩn bị sản phẩm, giá cả hợp lý, rồi công tác tiếp thị quảng bá...

Ngoài ra, một rào cản cần tháo gỡ ngay là vấn đề visa, vốn là nút thắt cổ chai đã được kiến nghị tháo gỡ rất nhiều lần. Cần mở rộng diện công ty được tiếp cận dịch vụ này, thay vì còn hạn chế số lượng như hiện nay. Hiện nay, chính sách visa với khách đoàn Trung Quốc thì không có nhiều lo ngại, nhưng với khách lẻ hay khách nhóm không thông qua công ty du lịch vẫn khó khăn như xin visa phải có thông tin về chương trình tour, hướng dẫn viên...

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc Trung Quốc cho phép mở lại tour khách đoàn, nên về nguồn khách, ban đầu hầu hết sẽ là các chuyến charter (chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách), do các công ty du lịch tại nước sở tại đưa tới, chứ chưa có khách đi theo các chuyến bay thương mại. Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam cần phải nhanh nhạy với thông tin này để cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp.

Chuyên gia Vũ Vĩnh Phú cũng thẳng thắn cho rằng, chúng ta phải kiên quyết xử lý dứt điểm nạn chặt chém du khách, gây mất lòng khách, đồng thời phải đặc biệt coi trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn làm "vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi"

"Đón khách du lịch giống như đi câu cá, anh có câu được hay không là một nghệ thuật, cần phải thận trọng, trách nhiệm và theo dõi rút kinh nghiệm, vướng chỗ nào thì phải tháo gỡ ngay cái đó”, ông Phú ví von.

Chiều 8/3, bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL) đã có buổi tiếp, làm việc với ông Bành Thế Đoàn, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Tham tán Bành Thế Đoàn thông báo về việc Chính phủ Trung Quốc quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II từ 15/3/2023. Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ, du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%.

Hồi cuối tháng 1/2023, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã cho phép nối lại các tour du lịch theo nhóm ra nước ngoài tới 20 quốc gia được chọn từ ngày 6/2. Trong danh sách đợt 1 không có Việt Nam.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp