Trung Quốc mở rộng lực lượng khai thác dầu xa bờ chưa từng có

Thế giớiThứ Hai, 04/08/2014 09:33:00 +07:00

(VTC News) - Báo Mỹ nói Trung Quốc đang tăng cường lực lượng khai thác dầu khi xa bờ đồng nghĩa với gia tăng khả năng xung đột với các nước láng giềng.

(VTC News) - Tờ Wall Street Journal - WSJ nói TQ đang tăng cường lực lượng khai thác dầu khi xa bờ đồng nghĩa với gia tăng khả năng xung đột với các nước láng giềng.

Theo tờ báo này, Trung Quốc đang mua thêm giàn khoan, tàu và tăng cường tàu bảo vệ bờ biển nhằm tiến đến các nguồn năng lượng biển xa bờ.

Các công ty Trung Quốc, từ khổng lồ như Tập đoàn dầu khi quốc gia cho đến những doanh nghiệp nhỏ đang đặt làm thêm nhiều tàu và giàn khoan mới để khai thác xa bờ trong 6 tháng đầu năm 2014.

Trung Quốc đang mở rộng quy mô cho lực lượng khai thác dầu khí xa bờ - Ảnh minh họa

Số lượng này lớn hơn chỉ số cả năm của tất cả các năm từ 2010 đến nay, WSJ trích tài liệu của Cơ quan tư vấn thông tin hàng hải - IHS Maritime.

Ngoài ra, Trung Quốc còn sở hữu những giàn khoan khổng lồ, như Hải Dương 981 nặng đến 30.000 tấn và còn 2 chiếc nữa đang được sản xuất theo kế hoạch.

WSJ nhắc lại việc Bắc Kinh ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trong hơn 2 tháng, gây ra những căng thẳng giữa các bên liên quan trước khi thầm lặng rút lui giữa tháng 7 vừa qua.

Biểu đồ bên trái cho thấy tổng trọng lượng các tàu, giàn khoan Trung Quốc đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2014 đã lớn hơn chỉ số cả năm của tất cả các năm từ 2010 đến nay 

Hiện nay, việc thúc đẩy xây dựng lực lượng khai thác dầu khí xa bờ được cho là nhu cầu tất yếu của Trung Quốc khi đang chịu sức ép về năng lượng. Đây là nhiệm vụ nhằm tìm kiếm sự thay thế cho các lĩnh vực năng lượng khác đang trì trệ trong đất liền Trung Quốc.

Theo WSJ, sự phát triển các lực lượng này sẽ đem đến cho Trung Quốc khả năng làm việc xa bờ và thời cơ đánh dấu lãnh thổ đối với những khu vực mà Bắc Kinh ngang nhiên đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Philip Andrews, chuyên gia an ninh năng lượng của Viện nghiên cứu năng lượng Singapore nói 'việc mở rộng quy mô là một phần chính sách quốc gia của Trung Quốc, nơi mà mục tiêu chính trị và an ninh năng lượng của Bắc Kinh đang chồng chéo lên nhau'.

Philip nói: "Tôi chắc chắn rằng họ sử dụng giàn khoan như một tuyên bố chính trị kèm theo hình thức thăm dò đơn giản".

Theo nhà phân tích Gary Li của IHS Maritime, chiến lược của Bắc Kinh đã lộ rõ khi họ ngang nhiên hạ đặt Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Đi kèm theo nó là hàng trăm tàu các loại như tàu kéo, tàu hỗ trợ, tàu đánh cá và tàu có vũ trang.

Video báo chí quốc tế nói về giàn khoan mới của Trung Quốc


WSJ nói việc khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu là xu thế toàn cầu hiện nay, theo đó việc tìm ra mỏ dầu nước sâu có trữ lượng cao sẽ tạo ra một bước ngoặt cho an ninh năng lượng Trung Quốc tương tự việc Mỹ tìm ra khí đá phiến sét.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc -  CNOOC đã có rất ít biến chuyển kể từ năm 2010, WSJ nói, trong khi đó tập đoàn này đã tuyên bố năm 2009 sẽ đầu tư 30 tỷ USD và các dự án khai thác nước sâu trong 20 năm kể từ thời điểm đó.

Phát ngôn viên của CNOOC đã từ chối bình luận khi được hỏi về nguy cơ đội tàu mới của tập đoàn sẽ gây ra các cuộc xung đột với các quốc gia láng giềng.

Ngoài ra, Công ty dịch vụ dầu khí Trung Quốc - COSL cũng tuyên bố sẽ mở rộng các đội khai thác của mình và từ chối bình luận về khả năng xung đột với các nước láng giềng.

COSL là công ty khai thác xa bờ lớn nhất thế giới, đã có kinh nghiệm chuyên môn khoan nước sâu ở Biển Bắc, Vịnh Mexico và Indonesia, WSJ cho biết.

Video diễn biển giàn khoan Hải Dương di chuyển


IHS Maritime nói các đơn đặt hàng của Trung Quốc cho các loại tàu và giàn khoan trong 6 tháng đầu năm 2014 có tổng trọng lượng 126.300 tấn. Trong đó bao gồm các loại tàu cần thiết cho khai thác xa bờ như giàn khoan nửa chìm nửa nổi, tàu nghiên cứu địa chấn nước sâu và tàu hỗ trợ.

Theo WSJ, trong khi ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang gặp phải nhiều khó khăn với Nhật Bản thì Biển Đông dự kiến sẽ là nơi tập trung các nỗ lực của Bắc Kinh vì tiềm năng trữ lượng ở đây.

WSJ cũng dẫn số liệu khảo sát địa chấn Mỹ ước tính ở Biển Đông có thể trữ lượng dầu mỏ lên đến 11 tỷ thùng dầu cùng 190 nghìn tỷ m3 khí tự nhiên.

Trung Quốc đang xây dựng giàn khoan Hải Dương 982, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016 với những tính năng đặc biệt được thiết kế để hoạt động ở khu vực Biển Đông. Giàn khoan này có khả năng khoan sâu 1.500m và chịu được bão, biển động.

Tùng Đinh
Bình luận
vtcnews.vn