Trung Quốc không cho tàu khu trục Đức cập cảng Thượng Hải

Thời sự quốc tếThứ Năm, 16/09/2021 07:53:59 +07:00
(VTC News) -

Bộ Ngoại giao Đức cho biết, sau thời gian cân nhắc, Trung Quốc đã từ chối yêu cho phép tàu chiến của nước này quá cảnh cảng Thượng Hải.

Kinh hạm Bayern, nặng 4.000 tấn khởi hành từ Wilhelmshaven vào ngày 2/8 trong hành trình kéo dài 6 tháng đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để tăng cường sự hiện diện của Đức trong khu vực, đây là chuyến đi đầu tiên của hải quân Đức sau 20 năm. Tuy nhiên, hôm 15/9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết, Trung Quốc từ chối yêu cầu cập cảng ở Thượng Hải của tàu chiến này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Adebahr cho biết: “Sau một thời gian cân nhắc, Trung Quốc đã quyết định không cho tàu khu trục cỡ nhỏ Bayern của Đức ghé thăm cảng”.

Trung Quốc không cho tàu khu trục Đức cập cảng Thượng Hải - 1

Tàu khu trục cỡ nhỏ của Đức Bayern khởi hành vào đầu tháng 8, thực hiện nhiệm vụ kéo dài 6 tháng. (Ảnh: Twitter)

Quyết định từ chối cho phép tàu Bayern cập cảng của phía Trung Quốc giáng đòn mạnh vào hy vọng của Đức về việc xoa dịu căng thẳng trong quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh.

Mỹ đã thường xuyên triển khai các tàu chiến để tiến hành các hoạt động “tự do hàng hải” gần các khu vực do Trung Quốc kiểm soát và tiến hành các cuộc tập trận hải quân. Washington cũng yêu cầu các đồng minh tổ chức các cuộc tập trận tương tự trong khu vực. Thế nhưng, Đức luôn chủ trương duy trì mối quan hệ ít đối đầu hơn với Bắc Kinh.

Tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ mong muốn về một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước, trong khi ông Tập Cận Bình ca ngợi “mức độ tin cậy cao giữa Trung Quốc và Đức” trong suốt 16 năm lãnh đạo của bà. Tuy nhiên, quan hệ Đức – Trung Quốc hiện chưa rõ ràng sau khi bà Merkel rời nhiệm sở.

Tuần này, EU sẽ công bố thông tin mới về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, chiến lược này “phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực đối với sự thịnh vượng và an ninh của EU. Châu Âu cần hiện diện nhiều hơn và tích cực hơn trong khu vực, đồng thời thúc liên minh quốc phòng chung”.

Kông Anh(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp