Trung Quốc kết đồng minh với Pakistan và Myanmar, nguy cơ cho Ấn Độ

Tư liệuThứ Năm, 10/09/2020 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Với các khoản đầu tư lớn vào Pakistan và Myanmar, ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng dọc theo sườn phía Tây và phía Đông của Ấn Độ

Với các khoản đầu tư lớn vào Pakistan và Myanmar, ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng dọc theo sườn phía Tây và phía Đông của Ấn Độ, khiến nước này nhận thấy nguy cơ bị kẹp giữa 3 bên cũng như tính cấp thiết của việc tăng cường ngoại giao nhằm ngăn chặn viễn cảnh đó.

Trung Quốc kết đồng minh với Pakistan và Myanmar, nguy cơ cho Ấn Độ  - 1

­­­­Binh sĩ Myanmar mang hàng viện trợ do Trung Quốc cung cấp tại sân bay quốc tế Yangon. (Ảnh: EPA)

Liên minh Trung Quốc - Myanmar

Gần đây, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Yang Jiechi tới Myanmar trong chuyến thăm cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. 

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Myanmar đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, có khả năng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của Aung San Suu Kyi sẽ trở lại cầm quyền. Cuộc viếng thăm cho thấy mối quan hệ Trung Quốc - Myanmar đang được củng cố trong những năm gần đây.

Đối với Myanmar, Trung Quốc không chỉ là đối tác thương mại lớn nhất, nguồn đầu tư và viện trợ nước ngoài chính của nước này, mà còn là điểm tựa trên chính trường quốc tế. Điển hình là khi Trung Quốc và Nga bảo vệ Myanmar khỏi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc do phương Tây đề xuất vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền.

Trung Quốc cũng được hưởng lợi từ mối quan hệ này. Myanmar ủng hộ dự án Vành đai và Con đường của Bắc Kinh và hai nước đang hợp tác trong dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Myanmar (CMEC), nhằm xây dựng các tuyến đường bộ và đường sắt từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đến Kyaukpyu ở bang Rakhine, Myanmar.

Ở cấp độ ngoại giao, Myanmar cũng thể hiện sự ủng hộ đối với nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Thể hiện trong chuyến thăm của ông Tập, Tổng thống Myanmar U Win Myint đã nói rằng đất nước của ông công nhận Đài Loan là phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng với nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” mà Trung Quốc thực hiện tại Hong Kong và Ma Cao.

Trung Quốc kết đồng minh với Pakistan và Myanmar, nguy cơ cho Ấn Độ  - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. (Ảnh: Reuters)

Những nỗ lực chung trong công tác chống dịch COVID-19 cũng góp phần củng cố thêm mối quan hệ 2 nước. Trung Quốc đã cam kết chia sẻ tất cả các loại vaccine nghiên cứu thành công trong tương lai với Myanmar.

Các động thái hỗ trợ lẫn nhau ở trên đã tăng cường sự tin cậy và tình hữu nghị cho thấy một mối quan hệ ngày càng sâu sắc hơn trong tương lai.

Nguy cơ bị kẹp giữa 3 bên của Ấn Độ 

Ấn Độ cũng là một láng giềng hùng mạnh của Myanmar, vốn từ lâu đã bất bình với mối quan hệ Trung Quốc - Myanmar, đặc biệt là về hợp tác hàng hải của họ ở Ấn Độ Dương.

Kể từ khi chế độ quân sự được thiết lập ở Myanmar vào những năm 1990, Ấn Độ đã theo đuổi hợp tác hải quân chặt chẽ với Myanmar bằng cách bán vũ khí cho nước này, tổ chức các cuộc tập trận và tiến hành trao đổi quân sự để ngăn chặn quốc gia láng giềng của mình quá thân thiết với Bắc Kinh.

Dưới góc nhìn của các chiến lược gia Ấn Độ, chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, bao gồm việc Bắc Kinh xây dựng một mạng lưới các cơ sở thương mại và quân sự của Trung Quốc kéo dài từ lục địa Trung Quốc đến Sudan, dường như được thiết kế để bao vây Ấn Độ.

Đối với Ấn Độ, vòng vây này đang được tăng cường với sự giúp đỡ của Myanmar ở phía Đông và Pakistan ở phía Tây. Trong khi Trung Quốc hợp tác với Myanmar ở dự án CMEC thì Pakistan đang giúp Bắc Kinh xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Đây là một siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 62 tỷ USD kết nối Kashgar ở Trung Quốc với cảng Gwadar của Pakistan trên biển Ả Rập, chạy xuyên suốt chiều dài biên giới phía Tây của Ấn Độ.

New Delhi coi cả 2 dự án CMEC và CPEC là mối nguy với Ấn Độ vì 2 dự án này sẽ thúc đẩy ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở các khu vực mà 2 nước có tranh chấp biên giới: vùng lân cận Arunachal Pradesh ở phía Đông Bắc và vùng giáp Kashmir ở phía Tây Bắc Ấn Độ.

Đáng lo ngại là cả 2 dự án đều đang tiến triển với tốc độ rất nhanh. Trong cuộc gặp của ông Yang với Chủ tịch U Win Myint cùng Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Trung Quốc và Myanmar đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ CMEC. Ngay trước đó, tại buổi Đối thoại Chiến lược Trung Quốc - Pakistan lần thứ 2 hôm 20/8, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Pakistan Makhdum Shah Mahmoud Qureshi khẳng định “tình hữu nghị bền chặt” của hai nước và đồng ý tăng gấp đôi tiến độ CPEC.

Do đó, New Delhi bị đẩy vào thế bị ép giữa 3 bên Trung Quốc, Pakistan và Myanmar. Ấn Độ lo sợ Trung Quốc có cơ hội trả đũa lập trường của họ về Tây Tạng và tiếp tục tranh chấp vùng biên giới ở dãy Himalaya.

Ấn Độ giờ đây nhận thấy tính cấp thiết của việc tăng cường ngoại giao, ngăn chặn việc Myanmar nối bước Nepal, một nước láng giềng từng chịu ảnh hưởng của Ấn Độ nhưng đã trở nên thân với Trung Quốc.

Trung Quốc kết đồng minh với Pakistan và Myanmar, nguy cơ cho Ấn Độ  - 3

Các xe quân sự của Ấn Độ di chuyển dọc theo đường cao tốc dẫn đến Ladakh. (Ảnh: EPA)

Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn bày tỏ không muốn làm leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới, cũng như không tìm cách gây nguy hiểm cho quan hệ Trung - Ấn bằng cách sử dụng sự trợ giúp từ bên thứ 3. Thay vào đó, họ muốn thấy hòa bình và ổn định tại biên giới chung và hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ vào hợp tác khu vực. Nhưng điều này sẽ đòi hỏi Ấn Độ phải từ bỏ các chính sách thù địch đối với Trung Quốc và thực hiện các bước cải thiện mối quan hệ.

2 năm trước, Trung Quốc từng đề xuất một biện pháp hòa bình với Ấn Độ, bằng cách tuân theo công thức cho mối quan hệ ba bên: “Trung Quốc, Ấn Độ + X”.

Đây là lúc Ấn Độ cần đưa ra quyết định có nên chấp nhận phương trình đó hay không. Liệu có thể có một mối quan hệ gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar, hoặc Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan trong tương lai gần? Cuộc cạnh tranh quyền lực gay gắt giữa Bắc Kinh và New Delhi có xảy ra hay không, tất cả phụ thuộc vào Ấn Độ.

Trần Trang(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn