Trung Quốc: Hàng chục tỷ phú USD tham gia nghị trường

Thế giớiThứ Tư, 04/03/2015 03:50:00 +07:00

Số người siêu giàu tham gia nghị trường Trung Quốc tiếp tục tăng so với năm ngoái, trong số đó có hàng chục tỷ phú hàng đầu khu vực.

(VTC News) - Số người siêu giàu tham gia nghị trường Trung Quốc tiếp tục tăng so với năm ngoái, trong số đó có hàng chục tỷ phú hàng đầu khu vực.

Kênh CNBC, Mỹ nói ngày càng nhiều người giàu có tham gia vào sự kiện chính trị lớn nhất mỗi năm của Trung Quốc là Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc (tương đương Mặt trận Tổ quốc ở Việt Nam), cho thấy mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa chính trị và kinh tế ở nước này.
Chuẩn bị cho Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) và Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc (Chính hiệp) Trung Quốc 
Theo số liệu thống kê của tổ chức theo dõi giới giàu có Hồ Nhuận của Trung Quốc, năm 2015 có hơn 200 người giàu có trở thành đại biểu của hai cuộc họp trên, con số này năm 2014 là 155 người. Trong số đó có 36 tỷ phú, bao gồm Li Hejun người giàu nhất Trung Quốc.

Bên cạnh đó là một số tỷ phủ khác như Zong Qinghou, Giám đốc điều hành công ty đồ uống Hangzhou Wahaha, Pony Ma của Tencent và Lei Jun, người sáng lập của công ty công nghệ Xiaomi.

Theo CNBC, việc các tỷ phú tham gia vào nghị trường có 2 mục đích, vừa phục vụ nhu cầu của bản thân vừa là cách tiếp cận các chính sách thuận lợi cho doanh nghiệp của mình.

Andy Xie, chuyên gia theo dõi kinh tế Trung Quốc cho biết: "Rất nhiều người giàu ở Trung Quốc đi lên từ bất động sản, mà thực chất là thông qua chính trị. Đó là lý do vì sao họ rất hào hứng tham gia Quốc hội và Chính hiệp".

Kênh truyền hình CNBC cho rằng, trong quá khứ mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế được bị đánh đồng với bè phái tư bản, tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện chính sách chống tham nhũng triệt để của Chủ tịch Tập Cận Bình, bản chất của mối quan hệ này đã thay đổi.

Nhà kinh tế Alastair Chan của công ty phân tích Moody's Analytics nói: "Ở Trung Quốc, việc có quan hệ tốt với chính phủ rất quan trọng và ngược lại cũng vậy".

Quốc hội sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư và mạng lưới thương mại từ châu Á cho đến châu Âu như một phần chiến lược 'bước đi toàn cầu' của Bắc Kinh, điều này đáp ứng nhu cầu quan tâm đến các cơ hội mới của doanh nhân, CNBC cho biết.

Tùng Đinh (theo CNBC)
Bình luận
vtcnews.vn